Nỗ lực vì văn hóa đọc của học sinh

12/12/2024 06:52
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thư viện thân thiện góp phần hỗ trợ học sinh phát triển ngôn ngữ, rèn cho các em kĩ năng giao tiếp. Nhờ đó, các em yêu thích đọc sách hơn. 

Mô hình thư viện thân thiện Room to Read tại nhiều trường tiểu học trong những năm qua đã thu hút được sự quan tâm của học sinh trong nhà trường.

Điểm khác biệt của mô hình thư viện thân thiện so với thư viện truyền thống, thư viện xanh là việc trang trí phòng đọc bắt mắt và sách truyện được phân theo trình độ đọc.

gdvn-đọc sách.jpg
Học sinh trong giờ đọc sách (Ảnh tác giả)

Bốn xung quanh bức tường thư viện được vẽ nhiều hình ảnh sinh động, đáng yêu, những câu danh ngôn về sách dễ hiểu. Sàn của phòng đọc được lót xốp, không còn kiểu bàn ghế ngồi theo dãy như vẫn thường thấy mà được xếp ngồi xoay tròn theo nhóm.

Các kệ sách được bố trí theo mã màu, sách đa dạng về thể loại cũng được phân theo trình độ đọc từng khối lớp. Ngoài bàn ghế dành cho giáo viên hướng dẫn đọc, thư viện còn có thêm bộ bàn ghế của nhân viên thư viện hỗ trợ học sinh mượn, trả sách ngay trong những tiết đọc.

Yêu cầu của một thư viện thân thiện như vậy, đòi hỏi khi xây dựng được phòng đọc thư viện thân thiện theo đúng yêu cầu của chương trình Room to Read quả không hề đơn giản.

Những băn khoăn trăn trở

Thư viện Trường Tiểu học Tân An 1, thị xã La Gi (Bình Thuận) không có được may mắn nhận được tài trợ toàn phần của chương trình Room to Read. Vì thế, để xây dựng được một thư viện thân thiện đạt chuẩn theo đúng yêu cầu của chương trình cũng không hề đơn nhất do nhà trường thiếu sách và thiếu cả nguồn tài chính.

Cô Phạm Thị Thuận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù còn khó khăn, nhà trường vẫn phải cố gắng, quyết tâm xây dựng bằng được thư viện thân thiện theo mô hình Room to Read để giúp học sinh phát triển văn hóa đọc. Có điều kiện thì làm nhanh, không có thì làm từ từ, cần bắt đầu ngay từ những điều dễ nhất. Và lời kêu gọi chung tay với nhà trường để xây dựng thư viện thân thiện được phát động trong phạm vi toàn trường.

Góp công làm vốn

Bắt đầu là việc giáo viên đi xin lốp xe ô tô cũ, tập trung về trường rồi cọ, rửa, lau chùi và pha trộn màu để sơn cho bắt mắt. Sau mỗi giờ học, mỗi buổi nghỉ, ngày nghỉ, các thầy cô giáo lại tập trung về trường để bắt tay vào việc.

gdvn-vẽ tv1.jpg
Giáo viên tận dụng lốp xe cũ làm bàn đọc sách cho học sinh (Ảnh P.T)

Mỗi người phụ trách một phần việc theo đúng thế mạnh của mình để đạt hiệu quả cao. Người lau chùi, cọ rửa. Người chuẩn bị cọ, màu sơn. Người pha màu, vẽ mẫu. Người sơn phết, trang trí.

Người phụ trách việc phơi nắng cho lên màu, thu dọn khi trời có mưa…Chỉ vài ngày, gần hai chục chiếc bàn từ lốp xe cũ đã hoàn thành trông khá bắt mắt.

Tiếp đến là lên ý tưởng để trang trí phòng đọc sao cho bắt mắt, thu hút ánh nhìn. Tiêu chí đưa ra phòng đọc phải đẹp, trang nhã, dễ nhìn nhưng vẫn phải hấp dẫn mới thu hút được học sinh.

Các thầy cô cùng lên ý tưởng, đề xuất, bàn bạc và đi đến quyết định và phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên. Mỗi người một việc như người sưu tầm mẫu vẽ, người chọn một số câu danh ngôn về sách cho phù hợp với trẻ tiểu học, người cắt dán, ép nhựa cho bền, người vẽ hoa lá, cây xanh, tô màu, trang trí…

gdvn-vẽ TV.jpg
Tranh thủ giờ nghỉ, giáo viên cùng nhau trang trí (Ảnh P.T)

Ở một số công đoạn khó như vẽ trang trí trên tường lớn, cô giáo Nguyễn Thị Linh còn "chiêu mộ" con trai có năng khiếu hội họa đang học tại Thành phố Hồ chí Minh về phụ giúp một buổi. Cô giáo Mỹ Châu, phụ huynh Thư Phan cũng đưa con đến trường cùng trang trí.

Các thầy cô giáo trong trường lại tiếp tục tranh thủ những giờ nghỉ, ngày nghỉ đến thư viện miệt mài phụ giúp. Ai cũng chăm chút từng nét vẽ sao cho đều, đẹp. Có những ngày đèn điện đã lên nhưng trong thư viện nhà trường, giáo viên vẫn ngồi nán lại đẩy nhanh tiến độ mong hoàn thành công việc một cách sớm nhất.

Góp của xây dựng thư viện sách

Chỉ khoảng gần 2 tuần kể từ ngày phát động, thư viện thân thiện tại trường đã được trang trí xong. Nhiều thầy cô giáo nói vui rằng mới xong “phần vỏ”, nặng nề nhất vẫn là “phần ruột”.

Những đồ dùng thiết bị để đáp ứng tốt nhất cho việc đọc của các em không thể thiếu như giá, kệ, giỏ đựng sách cùng hệ thống bảng biểu hướng dẫn. Tiếp đến, là phải bổ sung số lượng sách đúng theo quy định và nhu cầu của các lớp để phục vụ tốt cho tiết đọc thư viện. Theo tính toán của giáo viên, ít nhất cũng phải vài trăm bản sách. Với giá tiền mỗi cuốn sách hiện nay từ vài chục ngàn trở lên thì số tiền bỏ ra mua sách phải hàng trăm triệu đồng, sẽ vượt quá khả năng chi của nhà trường.

Nhà trường bắt đầu kêu gọi quyên góp sách truyện và kinh phí để mua thêm sách. Phong trào quyên sách cũ được phát động dưới cờ và nhắc lại trong các buổi chào cờ tiếp theo. Ngoài ra, dựa vào các mối quan hệ ngoài xã hội, giáo viên cũng kêu gọi sự chung tay từ người thân, bạn bè.

469428930_1059312125986671_4925389503719172741_n.jpg
Đại diện học sinh tặng sách cho thư viện (Ảnh P.T)

Ngoài giáo viên, học sinh đang theo học tại trường, còn có cựu học sinh, phụ huynh cũng nhiệt tình tham gia. Cuối đợt quyên góp, nhà trường đã nhận được hơn 600 bản sách các loại từ phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Ngoài ra, thư viện còn nhận được 10 triệu đồng từ 2 nhà hảo tâm, 2 triệu đồng từ em Ninh Đình Hoàng Khang (cựu học sinh của trường) và gần 15 triệu đồng từ phụ huynh và học sinh các lớp. Số tiền nhận được từ quyên góp đã được nhà trường mua thêm sách cung cấp cho thư viện thêm phần phong phú.

Chung tay với nhà trường, Thư viện thị xã La Gi đã tặng nhà trường gần 100 bản sách với nhiều thể loại hay, hấp dẫn.

tặng.jpg
Thư viện thị xã tặng gần trăm bản sách (Ảnh P.T)

Học sinh được đọc sách tại trường và được mượn sách mang về

Thư viện đẹp lại có nhiều loại sách, hàng ngày, sau mỗi giờ ra chơi, nhiều học sinh tìm đến thư viện để đọc sách.

Ngoài ra, cứ 2 tuần, học sinh các lớp sẽ có một tiết đọc tại thư viện trường dưới sự hướng dẫn của giáo viên, của cán bộ thư viện. Tiết đọc được diễn ra với khá nhiều hình thức đọc phong phú như đọc to nghe chung, đọc cặp đôi, đọc cá nhân, cùng đọc… Hết mỗi tiết đọc, các em còn được mượn sách về nhà.

469359012_1059312699319947_8672005224383277131_n.jpg
Đại diện phụ huynh ủng hộ kinh phí cho thư viện (Ảnh P.T)

Thư viện thân thiện góp phần hỗ trợ học sinh phát triển ngôn ngữ, rèn cho các em kĩ năng giao tiếp. Nhờ đó, các em yêu thích đọc sách hơn. Điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng học tập môn Tiếng Việt của học sinh.

Cô Phạm Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân An 1 tỏ ra khá tâm đắc về mô hình Thư viện thân thiện. Cô cho biết: “Với mục tiêu của Hợp phần Thư viện-Chương trình Hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học là phát triển thói quen đọc sách cho học sinh. Thông qua việc thiết lập thư viện thân thiện và tổ chức các hoạt động khuyến đọc, chương trình hướng đến một tương lai mà các em học sinh xem việc đọc sách là niềm vui, từ đó hình thành cho học sinh có thói quen đọc sách tốt.

Được sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo ngành giáo dục và đặc biệt là sự chung tay góp sức rất nhiệt tình của toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh trường Tiểu học Tân An 1 nên thư viện thân thiện của nhà trường đã được từng bước xây dựng và hoàn thiện với khuôn viên phòng thư viện được bài trí gọn gàng, trang trí bắt mắt và nguồn tư liệu đọc dồi dào, thu hút học sinh đến đọc.

Đây là một thành công lớn cho việc đồng lòng của đội ngũ trong nhà trường và qua đó cũng tạo được sự đồng thuận cao trong phụ huynh học sinh và cộng đồng. Từ đó, cán bộ ngành giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thư viện, phụ huynh và cộng đồng đều xác định được rằng phải có trách nhiệm khuyến khích học sinh đọc và tận hưởng niềm vui đọc sách”.

Phan Tuyết