Vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Vấn đề được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và việc cấp văn bằng, chứng chỉ Đại học.
Luật Giáo dục đại học được sửa đổi bổ sung quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau. Giá trị của văn bằng hệ đào tạo chính quy, tại chức, văng bằng 2, liên thông và từ xa sẽ như nhau.
Tiến sĩ Trần Đình Lý. (Ảnh: H.L) |
Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung đã có những bước tiến phù hợp, mở rộng hơn về các loại hình đào tạo ngoài chính quy. Luật được sửa đổi sẽ giúp những người đang đi làm muốn học thêm, trau dồi nghề nghiệp, lấy bằng cấp ngắn hạn có nhiều lựa chọn tốt hơn.
Tiến sĩ Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh phân tích, đây là hướng khá “mở”, đáp ứng được sự phát triển giáo dục và đào tạo tương lai.
Đối với việc xác định loại văn bằng, hay loại hình đào tạo sẽ làm cho các bạn sinh viên có cảm giác lo lắng. Nhưng với nhà tuyển dụng không quá nặng nề vào bằng cấp của các sinh viên mới ra trường.
Tiến sĩ Lý đánh giá, nhà trường cấp văn bằng chỉ phân biệt theo trình độ và ngành đào tạo.
Nhiều trường có chung chương trình, chuẩn giảng viên và chuẩn đầu ra nên giá trị văn bằng sẽ là như nhau. Các trường sẽ có nhiều phương thức giảng dạy nhằm giúp sinh viên có thể lựa chọn được được loại hình đào tạo cho phù hợp.
Do đó, dù sinh viên có học theo hình thức tập trung, vừa học vừa làm hoặc học từ xa thì vẫn không bị phân biệt đối xử.
Tiến sĩ Lý nhấn mạnh, xã hội đang đẩy mạnh xu hướng học tập suốt đời nên hình thức vừa làm vừa học hay từ xa sẽ là phương thức học phổ biến trong tương lai và được sử dụng rộng rãi.
“Nếu chất lượng các loại hình vừa làm vừa học hay từ xa chưa cao là do phụ thuộc vào kiểm soát chất lượng của trường và mục tiêu, mức đầu tư của từng người học”, tiến sĩ Trần Đình Lý khẳng định.
Bằng cấp của người học “không có lỗi” và cũng không nên định kiến với hình thức của văn bằng. Tiến sĩ Lý đưa ra dẫn chứng, có thể cùng một người nhưng ở giai đoạn đầu trưởng thành sẽ lựa chọn phương thức học tập trung (tức là chính quy).
Đến giai đoạn trung niên do bận việc gia đình và công việc mưu sinh nhưng vẫn có nhu cầu tìm hiểu sang các lĩnh vực khác thì phải học để mở rộng kiến thức. Lúc này, hình thức vừa làm vừa học hoặc từ xa sẽ là sự lựa chọn.
Tiến sĩ Trần Đình Lý nhấn mạnh, nhiều sinh viên lo ngại trước thông tin hàng vạn sinh viên ra trường không có việc làm là không có căn cứ.
Dư luận vẫn hay nhắc hơn 20 vạn người có trình độ Đại học trở lên không có việc làm chỉ đơn thuần dựa theo khảo sát về xác suất hàng quý trong độ tuổi lao động.
Tiến sĩ Lý đồng tình với thống kê hàng quý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tỷ lệ có việc làm của lao động có trình độ đại học trong toàn xã hội. Tổng số lao động có trình độ đại học hơn 5 triệu, trong đó, số lao động không có việc làm khoảng trên dưới 200 ngàn người.
Như vậy, tỷ lệ lao động thất nghiệp trình độ đại học khoảng trên dưới 4% (tỷ lệ việc làm của người có trình độ đại học đạt khoảng 95-97%).
Tiến sĩ Trần Đình Lý đánh giá, văn bằng không phân biệt theo hình thức đào tạo nhưng vẫn sẽ có phụ lục văn bằng kèm theo để cung cấp thông tin một cách cụ thể.
Tiến sĩ Lý đề xuất, để cho người học an tâm với chất lượng, các trường cần cạnh tranh lành mạnh hơn trong công tác đào tạo về chương trình đào tạo và chung chuẩn đầu ra cũng như chung về chất lượng.
Trường nào không đảm bảo chất lượng thì phải buộc giải trình, kiểm định chất lượng và minh bạch các thông tin. Qua đó, xã hội và người học sẽ biết rõ hơn về các trường kém chất lượng mà không đánh đồng với các loại hình đào tạo.
Nếu nhà trường vi phạm tiêu chuẩn chất lượng đào tạo thì phải buộc bị xử phạt và có thể rút giấy phép hoạt động. “Vậy nên, xu hướng đào tạo là cơ chế cũng như là điều kiện để cho người dân có thể học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, không phân biệt hình thức...”, tiến sĩ Lý đúc kết vấn đề.