Thi kiểu gì thì giám thị và thí sinh vẫn việc ai nấy làm

09/04/2017 06:40
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Kỳ thi chặt chẽ và nghiêm túc, an toàn và đúng quy chế nhưng chỉ có một lỗi rất nhỏ, rất bình thường là thả rông, không kiểm soát kết quả.

LTS: Là một người đứng bục giảng gần 40 năm, thầy giáo Nguyễn Văn Lự cho rằng cần xem lại kì thi trung học phổ thông quốc gia cũng như tư duy về thi cử.

Bởi trong thực tế, công tác thi cử tại nước ta hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến chất lượng thí sinh.

Theo thầy Nguyễn Văn Lự, quy trình tổ chức thi rất chặt chẽ, duy nhất chỉ có một điểm còn bỏ ngỏ đó là việc kiểm soát kết quả thi.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thay đổi về thi và kiểm tra, đánh giá năng lực người học đang thực hiện là khâu đột phá cải tổ giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Các nhà trường phổ thông và đại học, cao đẳng lập tức thay đổi để thích nghi nhiều hơn là thay đổi bản chất dạy và học. 

Dù thi tự luận hay trắc nghiệm, dù thi ở cụm hay từng đơn vị, dù có hay không cán bộ trường Đại học hay thanh tra cấp nào, bản chất tư duy thi của thầy và thí sinh vẫn không đổi. 

Người coi thi và thí sinh vẫn giữ lề thói "việc ai người đó làm", tùy theo sở thích. Đến lúc cần phải thay đổi tư duy về thi cử ở nước ta?

Quan trọng nhất vẫn là thi tốt nghiệp phổ thông

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng có quan điểm đúng, giáo dục phổ thông và kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông là quan trọng nhất. 

Nhiều thay đổi về thi chóng mặt làm các nhà quản lý, nhà giáo và học sinh khó trở tay kịp. 

Không đeo kính đen như thầy bói xem voi, nhưng chúng ta nhìn việc thi với góc nhìn phiến diện, duy ý chí và không xuất phát từ thực tế nhà trường và học sinh phổ thông. 

Kỳ thi “Hai trong một”, Bộ tổ chức rồi giao địa phương, rồi thống nhất từ kỳ thi năm 2017 và duy trì đến khi thay đổi. 

Đề thi gồm phần để tốt nghiệp và phần khó để xét tuyển sinh; ba môn bắt buộc Ngữ Văn, Toán và Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Tự nhiên và Xã hội lựa chọn.

Học sinh làm bài thi. (Ảnh: Văn Lự)
Học sinh làm bài thi. (Ảnh: Văn Lự)

Trường Đại học nhúng tay sâu để giám sát chất lượng nhưng lại nghi ngờ nhiều nhất nên trường lớn uy tín vẫn còn thêm kỳ sát hạch người đã đỗ. 

Giám thị giáo viên địa phương và trường đại học luôn tôn trọng nhau, thành thử có người lạ việc thi vẫn như cũ.

Để chất lượng cho khách quan và đỡ tốn kém, thi theo cụm tại tỉnh, mỗi tỉnh, thành một cụm và chia thành nhiều điểm thi tập trung. 

Biện pháp đổi giám thị, chéo giám khảo, tăng thanh tra giám sát tại chỗ, thanh tra lưu động của Bộ. 

Guồng máy đồ sộ và hỗn hợp đó chạy hết công suất trách nhiệm và làm đúng quy chế để ghi những con điểm mà bất cứ giám khảo hay cán bộ làm thi nào cũng khó tin nổi.

Dựa nhiều ý kiến chuyên gia và lãnh đạo các Sở, các Trường, thi theo tổ hợp, thi trắc nghiệm, duy chỉ môn Ngữ văn thi tự luận với thời gian rút xuống 120 phút. 

Tốn bao thời gian, công sức, trí tuệ và tiền bạc, nhấc lên đặt xuống, bàn đi tính lại vẫn chỉ là chuyện người thi có đủ điều kiện vượt qua ranh giới trừu tượng bình quân 5 điểm để xếp loại đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông

Thi kiểu gì thì giám thị và thí sinh vẫn việc ai nấy làm ảnh 2

Một số vấn đề về đề thi thử nghiệm lần 2 cho kỳ thi quốc gia năm 2017

Chủ trương, quy chế và tổ chức điều hành thi chặt chẽ và nghiêm túc đến không còn gì nghiêm túc hơn. 

Chặt chẽ và bảo mật tuyệt đối tất cả các quy trình và công việc từ hồ sơ thi, tổ chức thi, chấm thi và công tác thanh tra, giám sát… 

Nhiều năm làm thi, tôi nhận thấy không còn lo lắng gì, không còn gì có thể nghi ngờ sự thành công của kỳ thi quốc gia tốt nghiệp phổ thông hai năm nay, chỉ mỗi còn day dứt về kết quả.

Kỳ thi chặt chẽ và nghiêm túc, an toàn và đúng quy chế nhưng chỉ có một lỗi rất nhỏ, rất bình thường là thả rông, không kiểm soát kết quả. 

Nơi nào muốn đỗ bao nhiêu, muốn đạt tỉ lệ nào, là tùy địa phương đó vận dụng linh hoạt, sáng tạo việc coi thi, chấm thi. 

Lãnh đạo coi thi nào cũng mong các đồng chí làm đúng quy chế nhưng cũng linh hoạt vì học sinh 12 năm thế này thế kia. 

Lãnh đạo chấm thi, sau báo cáo sơ bộ buổi chấm, nhắc nhở “các giám khảo vận dụng linh hoạt đáp án, biểu điểm, gạn đục khơi trong, không chấm chặt quá”…

Cuối hai chỉ huấn đó, mọi thứ đều đẹp như ý, “số lượng ổn định, chất lượng ổn định, không cao hơn năm trước nhiều, kết quả thế chấp nhận được”.

Nếu ở Việt Nam, nói cho vui, chỉ cần khống chế con số 25% đỗ Tú tài như nước Anh quốc thì đâu cần đến hàng trăm thanh tra, hàng nghìn cán bộ đại học, hàng vạn giám thị và người phục vụ cho kỳ thi! 

Đơn vị nào vượt 25% thì kiểm định lại, thi lại. Số thí sinh đạt đỗ sẽ đi tiếp vào học đại học, số thí sinh không đỗ sẽ thi đợt 2 (4 tháng sau) hoặc chuyển học nghề; nếu muốn bằng tốt nghiệp Tú tài thi đến đỗ thì thôi.
 
Thi ở ta còn lắm sự ngược

Thi và tuyển sinh ở ta, tôi đồng ý với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, đúng là làm ngược. 

Coi thi và chấm thi linh hoạt hết cỡ tạo cơ hội cho học sinh tốt nghiệp phổ thông (tỉnh nào cũng gần 100%), mở rộng cửa tuyển sinh (trường Đại học nào cũng xin thêm chỉ tiêu và đều tế nhị được duyệt hết) và dồn đẩy sinh viên ra trường (nhờ công nghệ chống trượt)… tạo nên chất lượng ngược.

Thi kiểu gì thì giám thị và thí sinh vẫn việc ai nấy làm ảnh 3

Những tín hiệu tích cực từ việc điều chỉnh tổ hợp xét tuyển các môn thi

Có lẽ băn khoăn không vị quan chức nào dám nói ra, theo tôi, ngoài mục đích xét tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển sinh đại học, kỳ thi quốc gia còn có mục đích thứ 3 là làm chính trị. 

Giáo dục miền núi và xóa mù chẳng phải là làm chính trị thì ai tin là làm khoa học và nâng cao dân trí? 

Mà làm vì mục tiêu chính trị thì vô giá, không thể tính toán thiệt hơn hay chất lượng thật giả. Đó là ngược mục tiêu.

Con số đẹp để cả nước vui, không ai nỡ bàn tán nên an toàn; nhưng con số đẹp lại làm khó cho tuyển sinh đại học, “ngài đại học chân chính” nào cũng ghét. 

Con số đẹp đem lại tiền bạc, danh tiếng và cơ hội thăng tiến cho nhiều chính khách nhưng lại làm cho tương lai con cháu và đất nước thêm mờ mịt. 

Để dung hòa hai mục đích đầy mâu thuẫn trên, người ta lấy mục tiêu giúp dân đỡ khổ, đỡ tốn, và tiết kiệm cho nhà nước để tự an ủi. 

Chất lượng ảo phổ thông và đại học, cao đẳng buộc sinh viên ra trường hoặc bỏ hẳn bằng cấp làm nghề khác, hoặc phải học trung cấp nghề hoặc đào tạo lại. 

Tốn kém sau này (thu nhập kém và thời gian) còn khủng khiếp hơn số tiền để thi quốc gia của cả cá nhân và nhà nước. Đó là lợi ích ngược. 

Năm 2018 và khi thực hiện chương trình mới từ năm 2018-2019, phương án giao cho địa phương tổ chức thi và xét tốt nghiệp nhẹ nhàng là tư duy đúng nhất. 

Giao trường Đại học tự chủ tuyển sinh bằng hình thức tự tổ chức thi hay thuê dịch vụ đơn vị khác để tuyển sinh. 

Nhiều trường phổ thông đã tổ chức thi tuyển lớp 10 nghiêm đến mức: xếp riêng học sinh khá giỏi, trung bình và yếu ngồi cùng phòng thi, bỏ qua nguyên tắc theo vần tên; bí mật phòng thi, rút thăm giám thị; giám hiệu đi tuần tra nhiều hơn thanh tra của Sở cử đến; cấm thi ngay với thí sinh gian dối…

Còn chuyện “nhắn nhủ” có cách giải quyết khác. Các lãnh đạo làm thế là vì chất lượng đầu vào.

Hai kỳ thi tốt nghiệp và 4 môn thi

Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cũng nên tổ chức hai lần, cách nhau nửa năm nhằm giảm áp lực. 

Thi kiểu gì thì giám thị và thí sinh vẫn việc ai nấy làm ảnh 4

Năm sở giáo dục gửi 20 kiến nghị đến Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nội dung kiến thức thi là kiến thức phổ thông, cơ bản, không đánh đố, theo chuẩn kiến thức Bộ đã ban hành, mục tiêu kiểm tra năng lực hiểu và vận dụng của học sinh. 

Một số môn, cho thí sinh dùng tài liệu (như môn Địa dùng Atlat, môn Hoá dùng bảng tuần hoàn) với câu hỏi hiểu và vận dụng phù hợp. 

Thi trắc nghiệm 2017, một đề thi trộn ra 8 mã hay 24 đề thi khác nhau hoàn toàn không thể giải bài toán tuyển sinh. 

Gần 40 năm dạy học, tôi biết trong 100 học trò, ước khoảng chỉ 25 em khá giỏi - đáp ứng tuyển đại học, 25 em yếu kém, còn là trung bình. 

Thi kiểu gì, đề thế nào, coi thi thế nào thì vẫn chỉ ba phần tư đỗ tốt nghiệp và một phần tư đỗ đại học, giáo dục nước Anh có cơ sở để chỉ chấp nhận 25% đỗ Tú tài và các em đủ điều kiện nộp đơn dự tuyển vào đại học.

Chúng ta có nên xem lại kỳ thi quốc gia thi mấy môn? Chưa xác định đúng mục tiêu thi để làm gì nên môn thi ngày càng nhiều, học môn nào thi môn ấy, môn nào cũng rất quan trọng. 

Ở ta, lối tư duy ngược đang cản tiến trình phát triển của giáo dục. Những ý kiến biểu quyết các chiến lược, chủ trương, chính sách và biện pháp đều thuộc cán bộ từ Hiệu phó, từ cán bộ Phòng trở lên, mà hầu hết đều thoát ly giảng dạy, không tiếp xúc trực tiếp học sinh. 

Cấp trên nếu lấy ý kiến, trưng cầu thì chính các vị cán bộ này tập hợp biên bản báo cáo lên trên, để đỡ khổ phải giải trình hay đi báo cáo, họ ghi đồng ý, nhất trí cho tiện. 

Thi kiểu gì thì giám thị và thí sinh vẫn việc ai nấy làm ảnh 5

"Đổi mới giáo dục và món nợ với cha ông"

Thế nên, chúng ta đâu biết học sinh và nhiều giáo viên đều thống nhất cao hành động chỉ học môn chính thi đại học, còn môn kia chỉ đánh dấu bừa chống liệt (điểm 1). 

Học sinh không muốn nghe, không học, vì họ hiểu học chẳng để làm gì, nên giáo viên môn phụ lên lớp dạy và ôn tập cũng chỉ để cho lãnh đạo và phụ huynh yên tâm mà thôi. 

Thế nên, có thi thế nào, bao nhiêu môn thì lượng và chất các hiểu biết về môn học đó, của thí sinh đó cũng không đổi, vẫn gần như bằng không. 

Việc như vậy, giáo viên biết, có lãnh đạo cũng biết nhưng cấp trên bảo thế, đành bắt anh em và học sinh phải làm!? Cấp trên là ai? Là ông quy chế, chính sách chăng hay là người nào bằng xương bằng thịt đề ra văn bản?

Vì lẽ trên, theo tôi, chỉ nên thi quốc gia 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn tự chọn theo khối đại học cần tuyển hoặc môn để xét tốt nghiệp. 

Nếu môn nào, trường nào bỏ không dạy, dạy rút chương trình, cán bộ thanh tra có thể xử lý nghiêm, cách chức, hạ lương…

Điều lo sợ mơ hồ của các nhà quản lý “không thi trò không học, hoặc không học thì trò không có đủ kiến thức kỹ năng sống và làm việc” cần loại bỏ trong tư duy tư vấn và thực hiện về thi. 

Nhiều em không biết kiến thức môn này môn kia họ vẫn làm việc, vẫn sống tốt đó thôi.

Chục năm trước, người ta đua nhau nhét thêm tiết học theo kiểu cứ môn nào quan trọng là ấn thêm vào làm cho số giờ tăng lên quá tải, trên 32 tiết/lớp/tuần, (mỗi sáng 5 tiết chỉ bố trí kịch giờ là 30 tiết). 

Ví như, Giáo dục thể chất 2 tiết/tuần, Giáo dục quốc phòng 2 tiết/tuần, giao thông, phòng chống ma túy, giáo dục giới tính, ngoại khóa…

Hiện nay, nhiều trường dồn môn Quốc phòng học tập trung, (đề án học rải quốc phòng phá sản); Thể dục học vào một số buổi chiều, lồng vào tiết Sinh hoạt, giờ chào cờ, các tiết của môn còn lại cho hết chương trình.

Chấp nhận con số thực tế, xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp giải quyết đầu ra phổ thông và đại học để thay đổi tư duy thi cử sao gọn nhẹ, hợp lý và đúng mục đích là cách tốt nhất thực hiện thành công đổi mới giáo dục ở nước ta hiện nay.

Chúng ta hy vọng Hội đồng tư vấn quốc gia đề ra một công trình tổng thể về thi cho giáo dục nước nhà!

Nguyễn Văn Lự