Điểm trường nhiều năm đi mượn phòng học
Đi dạy được 11 năm cũng là 11 năm gắn bó của cô giáo Quốc Thu Hiền (sinh năm 1989) với Trường Mầm non Yên Thành (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang).
Là giáo viên mầm non vốn đã nhiều vất vả, một giáo viên mầm non công tác ở điểm trường khó khăn như cô giáo Quốc Thu Hiền lại càng phải đương đầu với nhiều thử thách hơn. Nhất là khi điểm trường Yên Thành, thuộc Trường Mầm non Yên Thành, mà cô Hiền hiện đang gắn bó có điểm đặc biệt - là điểm trường đi học nhờ suốt nhiều năm qua.
Cô Hiền thẳng thắn chia sẻ: “Trong suốt khoảng thời gian gắn bó với Trường Mầm non Yên Thành, tôi đã có nhiều trải nghiệm ở cả điểm trường chính lẫn các điểm trường khác nhau, xa có, gần cũng có, nhưng có lẽ với tôi, đây vẫn là một điểm dừng chân đặc biệt.
Cô giáo Quốc Thu Hiền (sinh năm 1989) gắn bó với Trường Mầm non Yên Thành (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) suốt 11 năm qua. Ảnh: Thiên Hương. |
Từ 3 năm trước, khi tôi đến điểm trường Yên Thành, điều kiện khó khăn hơn bây giờ gấp bội. Vốn đây là các dãy nhà của trường tiểu học, nên trường mầm non chúng tôi chỉ “đi mượn” cơ sở để dạy học. Hồi ấy, dãy nhà mà chúng tôi mượn còn không có cửa, tất cả cứ thông thống gió lùa, bất kể đông cũng như hè.
Đến khi dãy nhà đó xuống cấp quá, không còn có thể sử dụng được nữa, cũng là lúc học sinh tiểu học tại điểm trường này được dồn về trường chính, chúng tôi chuyển sang dãy nhà mà học sinh tiểu học đã sử dụng trước đó. Tuy nhiên, qua thời gian, đến nay, dãy nhà này cũng ngày càng xuống cấp trầm trọng hơn...”.
Đưa tay chỉ về hướng những phần mái tôn đã bị hư hại, lấp ló sau những mảng trần bị bung tróc, cô giáo Hiền cho biết: “Nhìn sơ qua, hẳn là cũng có thể tưởng tượng được khung cảnh ướt nhẹp của lớp học vào những ngày mưa... Vào những ngày mưa to gió lớn, chúng tôi phải “sơ tán” học sinh, dồn vào một góc để né những khu vực bị dột nước. Toàn bộ giường xếp và chăn gối cũng phải xếp ở nơi khác, để đảm bảo cho học sinh”.
Cơ sở vật chất tại điểm trường Yên Thành đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Thiên Hương. |
Từ phía ngoài nhìn vào, đi hết khoảnh sân đất với vài vạt cỏ um tùm, là đến phần mái hiên được lợp cọ chìa ra độ 2-3 mét. Cô Hiền cho biết, đó là phần mái cọ do các cô vận động phụ huynh cùng góp của góp công, với mục đích che chắn thêm phần hiên nhà cho khỏi ướt, để học sinh có thêm phần sân chơi an toàn, khô ráo... Tuy nhiên, sau thời gian, phần mái cọ dường như cũng đang dần chịu thua trước sức tàn phá của thiên nhiên.
Đưa mắt nhìn một vòng quanh khu vực phòng học và một khoảng sân be bé, thật khó để tưởng tượng ra đây là không gian cho một điểm trường mầm non hoạt động.
Mái tôn và lớp trần của phòng học đã không còn nguyên vẹn, hễ mưa là bị dột nước. Ảnh: Thiên Hương. |
Điểm trường Yên Thành chỉ có hai lớp học, trong đó, lớp nhà trẻ do cô giáo Quốc Thu Hiền phụ trách với 11 trẻ, còn lớp mẫu giáo do cô giáo Phạm Thị Huyền phụ trách với 24 trẻ. Điểm trường hoàn toàn không có khu vui chơi với các loại đồ chơi như cầu trượt, bập bênh,... Đó cũng là một thiệt thòi lớn của các em học sinh.
Những cánh cửa lớp cũng không còn nguyên vẹn. Ảnh: Thiên Hương. |
Mong mỏi được xây điểm trường mới khang trang
Cô Hiền cho biết: “Thời gian này, có thợ làm đường ở gần đây, nên đỡ vắng người, chứ trước đây có những đợt, điểm trường không có bóng người trong thôn bản qua lại. Cũng có khi, lâu lâu tôi lại thấy một nhóm học sinh tuổi mới lớn, đến đây vui đùa, nói chuyện gây mất trật tự ngay phía ngoài sân, thậm chí, có lúc còn đập cửa, phá phách ở điểm trường... Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở nhưng cũng không mấy hiệu quả...
Vậy nên, mong mỏi lớn nhất của những cô giáo gắn bó ở điểm trường này chính là sớm được nhà nước quan tâm tạo điều kiện, được các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ, có thể hỗ trợ xây dựng một cơ sở mới, khang trang hơn, để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh”.
Phòng học của điểm trường thực chất là mượn lại của trường tiểu học từ nhiều năm nay. Ảnh: Thiên Hương. |
Cuối giờ học sáng, lác đác một vài phụ huynh đến đón trẻ. Nhìn nụ cười niềm nở của các cô giáo và những cái cúi đầu nhẹ, cảm ơn của phụ huynh, ít nhiều có thể nhận ra sự trân quý của phụ huynh nơi đây với việc đưa con đến trường học tập.
Cô giáo Hiền chia sẻ: “Ở điểm trường này, chúng tôi không vất vả lắm trong việc vận động học sinh ra lớp, bởi hầu hết phụ huynh đều rất quý các cô, đưa con đi học rất đều đặn. Là giáo viên vùng cao, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến những món quà trang trọng nhân các dịp lễ, Tết đặc biệt nào đó như ở vùng xuôi, nhưng lại luôn được đón nhận những tình cảm rất ấm áp từ phụ huynh, có khi chỉ là một mớ rau, dăm quả trứng hay vài bắp ngô, nhưng lại là những món quá rất thiết thực và quý giá với chúng tôi.
Đến giờ ăn trưa, cô cấp dưỡng sẽ đưa cơm từ trường chính lên điểm trường cho học sinh. Ảnh: Thiên Hương. |
Điểm trường không có bếp ăn, nên mỗi buổi trưa, đều có các cô “cấp dưỡng lưu động” đưa thức ăn từ trường chính lên cho học sinh.
Còn giáo viên chúng tôi thì chủ động mang cơm từ sáng sớm, đến trưa sẽ hâm nóng lại bằng chiếc nồi đã mang theo. Hôm nào nhỡ bữa, thì bỏ mì tôm đã chuẩn bị sẵn ra nấu cùng ít rau cải. Chúng tôi tranh thủ những buổi chiều không có tiết để tăng gia, trồng thêm một ít rau xanh trước hiên, cũng là một không gian nhỏ để học sinh có thể cùng vào vườn tưới nước, bắt sâu, trải nghiệm thêm trong những giờ vui chơi...
Ngoài giờ dạy, các cô giáo tại điểm trường tranh thủ tăng gia, trồng thêm một vườn rau và hoa. Ảnh: Thiên Hương. |
Nếu điểm trường có được cơ sở mới để phục vụ công tác dạy và học của cô trò, chắc chắn hiệu quả sẽ tốt hơn”.