LTS: Chia sẻ về việc có quá nhiều nội quy của trường học đang ràng buộc, bủa vây người giáo viên, cô Phan Tuyết đã có bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Câu chuyện phạt học trò vi phạm của một giáo viên của Trường trung học cơ sở Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã làm dư luận xôn xao trong những ngày vừa qua.
Theo tường trình của giáo viên, nguyên nhân là do hai học sinh nói chuyện riêng trong lớp, bị ghi sổ đầu bài khiến lớp bị trừ điểm thi đua.
Giáo viên vì nôn nóng thành tích đã phạt các em lên đứng trên bục giảng để kiểm điểm trước lớp. Giáo viên đã sử dụng hình phạt bắt học trò vi phạm tát nhau đến sưng má.
Trường trung học cơ sở Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: vietnammoi.vn |
Tiếp theo câu chuyện trên, nhiều phụ huynh học sinh của lớp 2/1 thuộc Trường tiểu học Nguyễn Hiền (phường Bình An, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã lên tiếng kiến nghị tới Ban Giám hiệu nhà trường liên quan đến những cách dạy học sinh lạ lùng của cô giáo D.
Như việc cô D. hay la mắng học sinh khi các bé viết sai chính tả, chữ xấu; dùng thước kẻ đánh vào lòng bàn tay, cổ tay hay ngón tay của học sinh ngay trước lớp, khi các em làm bài chưa đúng hay xả rác ra lớp.
Ngoài ra, cô còn phạt học sinh úp mặt vào tường nơi cuối lớp học, đứng khoanh tay ngoài hành lang lớp trong điều kiện thời tiết nắng nóng; cô dùng từ ngữ thiếu thiện cảm, không mang tính giáo dục hay mắng học sinh.
Dư luận lên án, bất bình với kiểu dạy học đòn roi. Nhiều thầy cô giáo cũng bị mất việc hoặc bị khiển trách, cảnh cáo. Thế nhưng dường như câu chuyện nhiều giáo viên vẫn sử dụng biện pháp mạnh với học trò phạm lỗi. Vì sao lại thế?
Nhiều kênh theo dõi hoạt động của học sinh
Trường nào cũng có quy định về quản lý học sinh cả về chất lượng học tập cũng như về nề nếp. Giáo viên cảm thấy thoải mái hay áp lực là do quy định riêng của từng trường.
Nếu trường càng khắt khe, thầy cô càng phải nghiêm khắc (thậm chí hà khắc) với các em và ngược lại.
Trường nào cũng có một đội cờ đỏ chuyên đi theo dõi những học sinh các lớp vi phạm quy định. Học sinh nào có tên trong sổ cờ đỏ tùy từng mức độ để trừ điểm cả lớp.
Ví như đi học trễ trừ 5 điểm, mặc sai đồng phục trừ 5 điểm, không mang khăn quàng trừ 2 điểm, mua quà ngoài cổng trường trừ 5 điểm…có hàng chục những điều cấm kị buộc phải trừ điểm học sinh vi phạm hàng ngày.
Ngoài sổ cờ đỏ, còn có sổ giám thị, sổ đầu bài có tên những học sinh vi phạm (nhiều học sinh gọi vui là sổ thiên tào).
Cuối tuần, tất cả những cuốn sổ trên đều được tập hợp để lấy minh chứng trừ điểm thi đua của cả lớp. Lớp nào vi phạm nhiều sẽ bị tụt hạng thi đua, lớp không vi phạm sẽ được vinh danh và nhận cờ luân lưu.
Về nề nếp đã thế, về học tập cũng quá nhiều áp lực. Học sinh thường xuyên không học bài, quên sách vở, bút viết, chất lượng học tập giảm sút, thường xuyên bị điểm kém…tất cả đều đổ lên đầu giáo viên chủ nhiệm lớp.
Thầy cô đang chịu quá nhiều quy định bủa vây
Lớp chủ nhiệm tụt hạng đương nhiên giáo viên chủ nhiệm cũng lãnh đủ. Có trường không nặng nề nhiều chuyện này nên thầy cô cũng bớt căng thẳng. Có trường đưa luôn vào thi đua của giáo viên.
Công tác chủ nhiệm đóng vai trò khá quan trọng, nếu chủ nhiệm xếp trung bình thì thi đua của giáo viên không thể tốt.
Đâu chỉ có thế, hàng tuần nếu lớp không cải thiện về vị trí thì thầy cô cũng được hiệu trưởng nhắc nhở, răn đe.
Trong khi đó, không phải phụ huynh nào cũng hợp tác với giáo viên trong việc giáo dục học sinh.
Một số gia đình còn có suy nghĩ đem con đến lớp là xong trách nhiệm, việc dạy dỗ là của giáo viên, của nhà trường.
Nhiều học sinh nếu chỉ nhắc nhở thôi cũng chẳng có biến chuyển. Có những em thường xuyên vi phạm hết lần này đến lần khác. Vì muốn thay đổi các em theo chiều hướng tốt nên không ít giáo viên đã nóng nảy trong cách ứng xử.
Thầy cô không chỉ chịu nhiều quy định bủa vây từ nhà trường mà còn luôn bị phụ huynh giám sát một cách quá khắt khe.
Nếu câu chuyện cô giáo ở Trường trung học cơ sở Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho hai học trò vi phạm tát nhau đáng lên án vì cách xử sự thiếu nhân văn, phản giáo dục của giáo viên; thì câu chuyện cô D. Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (phường Bình An, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) cần được cảm thông.
Trò vi phạm, mắc lỗi cô chỉ đánh khẽ thước vào lòng bàn tay hay úp mặt vào tường nơi cuối lớp cũng là cách bất đắc dĩ khi giáo viên chắc chắn đã nói nhiều lần nhưng trò vẫn không nghe.
Thầy cô nào chẳng muốn nói lời nhẹ nhàng, muốn không khí lớp học vui vẻ thoải mái, muốn không bao giờ phải phạt học sinh.
Giá như nhiều phụ huynh hiểu được điều này cùng với giáo viên trong việc nhắc nhở, bảo ban các em thì môi trường giáo dục cũng sẽ bớt đi những chuyện buồn như thế.