Vợ hậu phương, chồng nơi tiền tuyến
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với bà Nguyễn Thị Tịch (SN 1942, thôn Lộc Long, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).
Bà từng là Trung đội trưởng Trung đội gái 12 ly 7 chỉ huy bắn rơi 2 máy bay Mỹ trong 17 ngày.
Năm 1960, bà Tịch lấy chồng nhưng chưa được một ngày sống chung thì chồng bà đã ra chiến trường. Suốt gần 10 năm sống phận làm dâu, bà Tịch vẫn luôn mong đến ngày chồng trở về.
Bà Tịch nhớ lại giây phút hào hùng khi trung đội của bà bắn rơi 2 máy bay tiêm kích Mỹ trong vòng 17 ngày (ảnh Hoàng Hà) |
Thế nhưng, số phận thật nghiệt ngã trong chiến tranh đã cướp đi sinh mệnh của chồng bà. Năm 1968, bà Tịch nhận được giấy báo tử chồng hy sinh ở chiến trường bắc Quảng Trị.
Trong suốt thời gian chỗng Mỹ, bà luôn tích cực tham gia các hoạt động nơi địa phương với quyết tâm “hậu phương vững chắc để tiền tuyến thắng lớn”. Sau 3 năm làm xã đội phó phụ trách chính sách, bà Tịch chuyển sang làm Bí thư Chi hội phụ nữ xã Xuân Ninh.
“Thời kỳ chiến tranh, không chỉ riêng tôi mà các chị em trong xã hầu như ai cũng có chồng đi bộ đội ở chiến trường. Là một Bí thư Chi hội phụ nữ, tôi có nhiệm vụ động viên chị em tham gia tích cực các hoạt động như: cáng thương, bốc vác, làm ruộng… để chồng con đi tòng quân”, bà Tịch nói.
Bà Tịch bên những huy chương, huân chương nhà nước trao tặng cho bà Tịch cùng đơn vị (ảnh Hoàng Hà) |
Năm 1967, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra quá Vỹ tuyến 17 ngày càng ác liệt. Chúng ném bom xối xả vào hàng ngàn ngôi nhà, vào người dân vô tội.
Căm thù trước hành động tàn ác của địch, bà Tịch cùng các chị em trong xã làm đơn tình nguyện xin nhận súng để trực tiếp bắn máy bay địch. Được sự nhất trí của Đảng ủy xã và Huyện đội, tháng 12/1967, Trung đội gái trực 12 ly 7 do bà Tịch làm Trung đội trưởng được thành lập.
Trung đội gồm 16 người, họ đa phần đều có chồng đi bộ đội ở chiến trường. Trung đội được giao nhiệm vụ cơ động khắp vùng Xuân Ninh để bảo vệ UBND xã và bến phà Long Đại.
17 ngày bắn rơi 2 máy bay Mỹ
Thời gian đầu, vì chưa quen với súng đạn nên đơn vị 37C -12D10 đóng tại bến phà Long Đại đã cử người về huấn luyện cho các chị em trong Trung Đội của bà Tịch. Riêng bà Tịch được huấn luyện thêm ở Ba Rền (nay thuộc thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình).
Trong những năm tháng chiến tranh các đội nữ 12 ly 7 đã góp phần đánh thắng may bay Mỹ đánh phá miền Bắc (ảnh tư liệu) |
Chỉ từng đó thời gian tập luyện, đơn vị 12 ly 7 của bà Tịch đã trực tiếp cầm súng bắn máy bay địch. Trung đội của bà đã lập được thành tích đáng nể phục khi bắn rơi 2 chiếc máy bay F4H của đế quốc Mỹ trong vòng 17 ngày.
Bà Tịch nhớ lại, lần đầu trung đội của bà bắn rơi máy bay địch là vào ngày 5/4/1968. Lần đó sau khi quan sát thấy chiếc F4H bay ở cự ly gần, bà đã ra lệnh cho cả trung đội đồng loạt nổ súng. Trong chớp mắt chiếc F4H của địch đã bị bắn hạ và trung đội của bà Tịch bắt được một giặc lái.
Đêm ngày 22/4/1968, một lần nữa đơn vị gái 12 ly 7 do bà Tịch làm chỉ huy tiếp tục bắn rơi một chiếc F4H khác của đế quốc Mỹ ở phía bắc bến phà Long Đại.
Theo lời bà Tịch, các chị em trong đơn vị 12 ly 7 ngày đêm thay nhau trực bắn máy bay. Mỗi lần bắn xong thì phải dời đến địa điểm khác để tránh bị địch phát hiện.Trước những thành tích mà đơn vị đã đạt được, bà Tịch được vinh dự đi báo cáo thành tích trong toàn tỉnh.
Năm 1969, trong một lần đi cáng thương binh tại lũy Hiền Ninh, bà Tịch cùng một số chị em khác đã bị địch ném bom. Bà Tịch cùng 2 nữ dân quân khác bị thương phải vào Viện 112 ( lúc đó đóng ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) để điều trị.
Đến bây giờ, mỗi lần trái gió trở trời, vết thương trên đầu bà Tịch lại đau nhói. Sau khi hòa bình lập lại, gia đình bên chồng bà Tịch đã động viên bà Tịch đi thêm bước nữa.
Năm 1971, bà Tịch lập gia đình và sinh được 4 người con. Ngoài việc chăm lo cho hạnh phúc gia đình, bà còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương.
Đã hơn 45 năm trôi qua, những ký ức về thời gian cầm súng chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ vẫn luôn nguyên vẹn trong tâm trí bà Tịch.