Nước mắt cay đắng của giáo viên hợp đồng Mỹ Đức chịu thiệt đơn, thiệt kép

13/03/2020 06:39
Vũ Ninh
(GDVN) - Không được đóng bảo hiểm, không được xét đặc cách, mức lương 1.2 triệu đồng/ tháng; tất cả những gì giáo viên nhận được là lời hứa hẹn chưa bao giờ thực hiện.

Trong thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19, đâu đó vẫn có những tâm sự, nỗi lòng và giọt nước mắt tủi hờn của những giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức.

Tháng 3/2019, lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục thành phố Hà Nội, hàng trăm giáo viên hợp đồng các Quận, huyện, thị xã đồng loạt kêu cứu. Vụ việc từng gây xôn xao dư luận một thời gian dài. 

Lần đầu tiên, dư luận biết được rằng ở đâu đó ngay tại Thủ đô vẫn có những giáo viên nhận mức lương 1.2 triệu đồng/ tháng (thấp hơn mức lương cơ bản), không được đóng bảo hiểm. 

Để duy trì cuộc sống với đồng lương ít ỏi đó có giáo viên phải làm giúp việc, làm thuê, cuốc mướn, vặt lông vịt...Họ là những giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức.

Ông vua con nắm quyền sinh sát giáo viên là ai?
Ông vua con nắm quyền sinh sát giáo viên là ai?

Cô giáo Nguyễn Thị Vân không kìm được lòng mình đành gửi gắm tâm tư, nguyện vọng trong bức thư gửi Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Bức thư có đoạn: “Bác ơi! Chúng con được Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức ký hợp đồng lao động người ít nhất là 5 năm, người nhiều nhất là 23 năm.

Có cô mấy tháng nữa hết hợp đồng lao động là nghỉ dạy và nhận kỷ niệm chương ngành giáo dục.

Vậy mà trong suốt quãng thời gian đấy chúng con không được đóng bảo hiểm xã hội và nhận mức lương dưới mức lương tối thiểu của Chính phủ...

Bác ơi! Chúng con đau lắm, buồn lắm. Đau vì mình yêu nghề mà phải từ bỏ nghề vì 2 từ viên chức. Đau vì Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức (nói như ông cha ta ngày xưa: Là cha là mẹ của dân đấy). 

Khi cần thì họ tuyển dụng, khi không cần thì họ đá chúng con như một quả bóng. Bao nhiêu năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục huyện nhà mà chúng con trở về với hai bàn tay trắng: Không được Nhà nước ghi nhận, bị sa thải, bị cắt hợp đồng...”.

Cay đắng! giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức gửi thư đến ông Dương Trung Quốc (Ảnh:V.N)
Cay đắng! giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức gửi thư đến ông Dương Trung Quốc (Ảnh:V.N)

Quả thật khi đọc những dòng tâm sự đầy chua chát của cô giáo Vân và đối chiếu với những gì đang diễn ra tại huyện Mỹ Đức mới thấy nỗi đau đó là có thật.

Hiện nay, toàn Thành phố Hà Nội đang rà soát, tổng hợp, thống kê danh sách giáo viên hợp đồng đủ điều kiện đặc cách để chuẩn bị những bước đi tiếp theo. 

Thế nhưng chỉ có 2 huyện: Mỹ Đức và Ứng Hòa không có danh sách giáo viên hợp đồng đủ điều kiện được đặc cách do họ không được đóng bảo hiểm. Như vậy, từ một việc làm sai của cơ quan tuyển dụng (trong quá khứ) không được giải quyết dẫn đến những cái sai chồng thêm sai.

Việc không đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên là sai quy định của pháp luật không phải Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức không nhận thức được. 

Những dòng tâm sự đầy nước mắt của giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức (Ảnh:V.N)
Những dòng tâm sự đầy nước mắt của giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức (Ảnh:V.N)

Điều này được chính ông Mai Thành Công, Trưởng phòng Nội vụ huyện Mỹ Đức thừa nhận: 

“Đây là cái sai của huyện nếu chiếu theo Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, nhưng có đồng lương phụ cấp nào huyện cũng đã chi trả và các cô đã lĩnh hết, các cô không đóng bảo hiểm xã hội thì sau này hết tuổi lao động cũng không có chế độ gì.

Tuy nhiên, hiện nay hợp đồng lao động 1 tháng kéo dài 3 lần cũng phải ký hợp đồng dài hạn, chúng tôi biết điều này sai luật. 

Trong kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục lần này, chúng tôi mong có cơ chế đặc biệt quan tâm đến giáo viên hợp đồng có kinh nghiệm, trình độ, mang tính nhân văn với các cô”.

Hà Nội rà soát danh sách giáo viên hợp đồng được xét đặc cách
Hà Nội rà soát danh sách giáo viên hợp đồng được xét đặc cách

Câu hỏi là: Tại sao một cơ quan sử dụng người lao động đặc biệt là cơ quan Nhà nước lại “hành xử” thiếu tôn trọng pháp luật, thiếu tôn trọng người lao động? Cơ quan, đơn vị nào sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc này?

Ai sẽ là người lấy lại công bằng, quyền lợi cho giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức? Điều này phụ thuộc vào cái Tâm, cái Tầm của người lãnh đạo.

Trước mắt, hậu quả nhãn tiền là hàng trăm giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức đang chịu cảnh thiệt đơn, thiệt kép: Họ không được đóng bảo hiểm xã hội, mức lương vẫn giữ nguyên (1.2 triệu đồng/ tháng) và mất đi cơ hội được xét đặc cách.

Quá bức xúc vì sự vô lý này, nhiều lần giáo viên hợp đồng đứng ra “xin” lãnh đạo huyện cho họ tự bỏ tiền túi đóng bảo hiểm tự nguyện.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân nói: “Chúng tôi đã nhiều lần hỏi lãnh đạo huyện: Vì sao sử dụng người lao động nhưng lại không đóng bảo hiểm? Họ trả lời rằng họ cũng biết họ sai nhưng do thiếu ngân sách. 

Huyện cũng hứa hẹn sang năm 2020 sẽ xem xét vấn đề đóng bảo hiểm cho giáo viên. Tuy nhiên đến thời điểm này mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở lời hứa.

Chúng tôi đã nhiều lần xin được tự bỏ tiền túi ra để đóng bảo hiểm tự nguyện nhưng họ không cho. Chúng tôi vô cùng buồn và bất lực vì số phận cây tầm gửi không được tôn trọng”.

Lương thấp, không được đóng bảo hiểm, không được đặc cách; công bằng nào dành cho giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức (Ảnh:V.N)
Lương thấp, không được đóng bảo hiểm, không được đặc cách; công bằng nào dành cho giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức (Ảnh:V.N)

Chật vật với mức lương 1.2 triệu đồng/ tháng, nhiều giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức (đặc biệt là những giáo viên môn phụ) đã phải bỏ nghề, tìm đường mưu sinh. Khi nhìn những thân phận giáo viên bị đẩy ra đường, có bao giờ ngành giáo dục Thành phố Hà Nội cảm thấy xót xa vì không bảo vệ được “người của mình” hay có thể nói là máu thịt của mình. Có bao giờ người ta hỏi: Vai trò của công đoàn giáo dục thành phố Hà Nội ở đâu? 

Và trên hết là những người sử dụng lao động dù biết sai nhưng vẫn để cái sai chồng thêm cái sai mà không có ai phải chịu trách nhiệm. Về toàn cục thì có thể nói đây là một sự thất bại và cũng phản ánh cái quyền sinh sát của những “ông vua con”.

Những ngày tháng 3/2020, cũng gần tròn 1 năm giáo viên hợp đồng Hà Nội kêu cứu. Những tiếng kêu cứu có lẽ đã đến được tai những người cần nghe. Thế nhưng, số phận những giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức vẫn chưa biết đi đâu về đâu. 

Câu chuyện về những giáo viên hợp đồng tại Hà Nội vẫn chưa đi đến hồi kết (Ảnh:V.N)
Câu chuyện về những giáo viên hợp đồng tại Hà Nội vẫn chưa đi đến hồi kết (Ảnh:V.N)

Trong cơ sự “ chuyện đã rồi” cô Vân chỉ bày tỏ mong muốn: “Toàn thể giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức hiện nay biết chúng tôi không yêu cầu gì hơn là huyện Mỹ Đức thực hiện những gì họ đã hứa. Tại huyện Ứng Hòa cũng không đóng bảo hiểm cho giáo viên. Nhưng họ đã sửa sai bằng cách nâng mức lương mới, đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên kể từ ngày 1/1/2020.

Vì thế chúng tôi mong rằng huyện Mỹ Đức cũng thực hiện đúng theo những gì huyện Ứng Hòa đã làm. Đây là việc lãnh đạo huyện đã hứa và cũng là để sửa sai cho cái sai của chúng họ. 

Thời điểm hiện nay chúng tôi cũng không hy vọng gì chuyện đặc cách chỉ mong những quyền lợi của người lao động chúng tôi phải được hưởng.

Tôi chẳng biết ngành giáo dục kêu gọi nhân văn, công bằng ở đâu? Nhưng trước mắt đến chính ngành giáo dục còn không bảo vệ được giáo viên của mình thì chúng tôi còn biết tin ai”.

Vũ Ninh