"Ông vua con" nắm quyền sinh sát giáo viên là ai?

07/02/2020 06:29
Vũ Ninh
(GDVN) - Trong khi đang thiếu một cơ chế để bảo vệ giáo viên thì việc họ bắt buộc phải "hèn nhát" là một hình thức để tự vệ trước sự lạm quyền của cơ quan tuyển dụng.

Ông vua con nắm quyền sinh sát giáo viên là ai?

Hiện nay việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng, giáo viên thỉnh giảng, tổ chức thi tuyển viên chức vẫn do các địa phương chủ động dựa theo chỉ tiêu được giao.

Việc giao quyền cho các địa phương, cho các nhà trường nếu thiếu đi cơ chế giám sát, cơ chế bảo vệ giáo viên sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền.

Họ thực sự là “ông vua con” ngự trị một vùng nắm quyền sinh, quyền sát đối với hàng trăm giáo viên. Thực tế này đã được chứng minh thông qua nhiều ví dụ mà người trong nghề thẳng thắn chia sẻ.

"Ông vua con" nắm quyền sinh sát giáo viên là ai? ảnh 1
Giáo dục: Quyền rơm, vạ đá (3)

Tại thành phố Hà Nội, việc tuyển dụng giáo viên tại mỗi huyện vẫn mỗi nơi một phách.

Thậm chí chế độ tiền lương, chế độ bảo hiểm từng nơi cũng khác nhau. 

Có những huyện lương giáo viên hợp đồng được trả ngang bằng lương giáo viên đã vào biên chế.

Cũng có những huyện lương giáo viên hợp đồng chỉ hơn 1 triệu đồng/ tháng. 

Chẳng hạn như hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa giáo viên hợp đồng không được đóng bảo hiểm nhiều năm qua. Điều này được chính người đứng đầu phòng Nội vụ 2 huyện thừa nhận và cũng ý thức được việc làm đó là sai quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên vấn đề là không có ai bị xử lý, tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra trong nhiều năm. Và cuối cùng người chịu thiệt thòi nhất chính là các giáo viên.

Cũng có những ý kiến trách móc giáo viên: Vì sao chịu sự bất công mà không dám đứng lên? Nhưng phải đứng vào vị trí của người trong cuộc mới hiểu được sự thống khổ khi công việc, cuộc sống bị phụ thuộc vào những người khác.

Việc ký và chấm dứt hợp đồng giáo viên vẫn do Huyện và nhà trường quyết định (Ảnh:V.N)
Việc ký và chấm dứt hợp đồng giáo viên vẫn do Huyện và nhà trường quyết định (Ảnh:V.N)

Cô giáo N.T.H (Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi không có quyền tự quyết cho công việc của mình. Nhiều người trách móc vì sao lương như thế, không được đóng bảo hiểm mà bao nhiêu năm vẫn chịu đè nén. 

Nhưng nếu không hèn nhát thì làm sao chúng tôi có thể được là giáo viên. Nếu đứng lên đấu tranh thì sẽ bị trù dập, bị cắt hợp đồng. Như vậy cả nguồn sống sẽ bị mất. 

Hiện nay việc ký hợp đồng hay không đều do Huyện và các trường quyết định. Thử hỏi trong trường hợp này có ai dám đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi.Như vậy có khác nào lấy trứng chọi đá”.

Đấu tranh thì tránh đâu là câu cửa miệng của nhiều giáo viên (Ảnh:V.N)
Đấu tranh thì tránh đâu là câu cửa miệng của nhiều giáo viên (Ảnh:V.N)

Câu chuyện lạm quyền trong tuyển dụng giáo viên ở các địa phương được nhiều người trong cuộc là chính các giáo viên thừa nhận. Có giáo viên hợp đồng cho biết: Để có thể được ký tiếp hợp đồng vào năm tiếp theo họ cũng phải có quà cho nhà trường hoặc những cấp cao hơn.

Cô giáo N.T.H tiếp tục chia sẻ: “Lấy ví dụ như chuyện đóng bảo hiểm. Huyện cũng thừa nhận là sai nhưng do thiếu ngân sách. Chúng tôi đã từng rất hy vọng có điều gì đó thay đổi.Tuy nhiên không một ai bị xử lý, không một ai chịu trách nhiệm. Các cấp cao hơn cũng không có ý kiến gì.

Khi họ nói vậy chúng tôi còn biết làm gì hơn khi mình không có thẩm quyền gì trong tay.Họ nói vậy thì cũng chỉ biết vậy. Vốn dĩ công việc của chúng tôi đang phụ thuộc vào những người khác.Họ thích cắt hợp đồng thì cắt chẳng theo một quy luật nào cả”.

Thiếu một cơ chế bảo vệ quyền lợi cho giáo viên

Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ hiện nay Việt Nam chưa có một cơ chế bảo vệ quyền lợi cho giáo viên thực sự rõ ràng. Bên cạnh đó việc phân cấp tuyển dụng nếu thiếu đi cơ chế giám sát sẽ chắc chắn dẫn đến tình trạng lạm quyền.

Những câu chuyện vừa kể trên chỉ là một phần rất nhỏ phản ánh số phận “tầm gửi” của nhiều giáo viên. Chừng nào chưa giải quyết được vấn đề này sẽ còn tình trạng chạy việc, tham nhũng trong tuyển dụng giáo viên. 

Nước mắt nhà giáo, nỗi buồn Thủ đô!
Nước mắt nhà giáo, nỗi buồn Thủ đô!

Sâu xa hơn sự phụ thuộc vào những “ông vua con” sẽ khiến cho giáo viên bị hạn chế nhiều về năng lực, chuyên môn.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ:

“Theo tôi trước khi tuyển dụng giáo viên phải có các tiêu chí và điều kiện rõ ràng.

Các tiêu chí đó bao gồm 2 khía cạnh: số lượng và chất lượng. 

Về số lượng phải căn cứ theo chỉ tiêu từng địa phương. Về chất lượng phải có các tiêu chí rõ ràng về chuyên môn, đạo đức. 

Và một việc rất quan trọng đó là phải có cơ chế giám sát, xử lý để tránh tình trạng các nhà tuyển dụng lạm quyền”.

Nói về tình trạng lạm quyền tại các địa phương, thầy Nhĩ thẳng thắn thừa nhận:

“Việc này là có và đã tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa được xử lý. Khi anh phân cấp giao quyền tuyển dụng cho các huyện chắc chắn không tránh khỏi một bộ phận người lợi dụng đó để lạm quyền với các mưu đồ trục lợi cá nhân. 

Vấn đề là phải có cơ chế giám sát, xử lý vấn đề này trong trường hợp ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên. Việc giám sát này theo cơ chế cấp trên giám sát cấp dưới. 

Chẳng hạn Bộ giám các Sở, Sở giám sát các phòng. Ngoài ra chúng ta phải có các tiêu chí rõ ràng để căn cứ vào đấy xử lý tình trạng lạm quyền”.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng cần có một bộ luật giáo viên để bảo vệ nhà giáo khi lợi ích của họ bị xâm phạm (Ảnh:T.L)
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng cần có một bộ luật giáo viên để bảo vệ nhà giáo khi lợi ích của họ bị xâm phạm (Ảnh:T.L)

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ đánh giá: Trong môi trường giáo dục vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Nhưng thực tế hiện nay thì ngược lại, giáo viên đang thiếu những công cụ bảo vệ chính mình. Khi quyền lợi của họ bị xâm phạm ai sẽ là người lên tiếng, ai là người xử lý.

Theo đó thầy Nhĩ đề xuất: “Việt Nam cần phải có một bộ luật riêng áp dụng cho giáo viên gọi là Luật giáo viên tương tự như nước ngoài. 

Bộ luật này sẽ quy định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm cũng như có các công cụ bảo vệ giáo viên trong trường hợp giáo viên bị xâm phạm lợi ích. 

Hiện nay một số quy định cũng đã có trong luật giáo dục nhưng vẫn còn thiếu. Nhìn vào thực tế chúng ta thấy rằng giáo viên là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương”.

Trong thời gian chờ đợi có các tiêu chí và cơ chế giám sát cơ quan tuyển dụng cũng như một công cụ bảo vệ giáo viên bằng luật hóa thì cơ quan đại diện cho quyền lợi của người lao động là công đoàn cần phải lên tiếng bảo vệ người giáo viên. Tuy nhiên hiệu quả của cơ quan này vẫn nhiều lần bị đặt dấu hỏi.

Vai trò của công đoàn giáo dục nhiều lần bị đặt dấu hỏi (Ảnh:V.N)
Vai trò của công đoàn giáo dục nhiều lần bị đặt dấu hỏi (Ảnh:V.N)

Điều này được tác giả Xuân Dương nêu ra trong bài viết “Giáo viên Hà Nội “ngậm cay, nuốt đắng”, Công đoàn Giáo dục ở đâu?” đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: 

“Công đoàn Giáo dục Hà Nội đã có ý kiến gì trước sự thật là quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo bị xâm phạm nghiêm trọng như vậy?...

Chính quyền cấp huyện và các cơ sở giáo dục không thể phớt lờ luật pháp nếu không được cấp trên bật đèn xanh.

Cấp trên ở đây không chỉ là Sở Giáo dục và Đào tạo mà còn là  Ủy ban Nhân dân, Hội đồng nhân dân thành phố dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy”.

Có thể thấy người giáo viên hiện nay rất đơn độc, số phận tầm gửi của họ nằm trong tay quyền sinh sát của người khác.

Trong khi chờ đợi một cơ chế mạnh mẽ bảo vệ giáo viên thì đúng là để đảm bảo cuộc sống, công việc của mình, họ không có cách nào khác buộc phải “hèn nhát”.

Vũ Ninh