Con ơi, bố hại con mất rồi...

13/12/2011 09:37
Ngoài tấm ảnh của con, nhà ông Tính cũng không có manh mối gì hơn, đến lúc này ông Tính mới ôm đầu: “Tôi hại con tôi rồi!”
Ngày nhận được tin con gái đỗ thủ khoa vào trường chuyên của tỉnh, ông Tính không ngăn nổi niềm vui. Ông dõng dạc tuyên bố như đinh đóng cột: “Đừng nói cả họ, chứ cả làng không có đứa nào học giỏi hơn con Thơm nhà này đâu. Nó không đỗ Đại học mới là chuyện lạ”. Ông Tính có biết đâu rằng, câu nói của ông lúc đó lại chính là hại con ông sau này.

Thơm học giỏi thật. Từ bé, cả làng đã biết con bé chăm chỉ học và học rất giỏi. Vậy nên việc Thơm đỗ thủ khoa vào trường chuyên của tỉnh cũng không có gì là ngạc nhiên.

Ở đời có những cái không được như người ta nghĩ, không được như người ta mong. Ngày con gái đi thi Đại học, ông Tính tự đắc lắm, chắc mẩm trăm phần trăm là con sẽ đỗ, chỉ còn nước tính sẽ khao cả họ thế nào mà thôi.

Thế nhưng, Thơm trượt Đại học trong sự ngỡ ngàng của cả nhà. Cho dù là thiếu có 1 điểm cũng là trượt. Với ông Tính, đây là một sự sỉ nhục. Trong làng bao nhiêu đứa học thua xa con gái ông, thế mà chúng nó đỗ Đại học, con ông lại trượt. Ông không thể chịu đựng được. Thế là ông bắt cả nhà không được hé lộ tin Thơm trượt Đại học ra ngoài cho bất kì ai biết, cứ làm như Thơm vẫn đỗ Đại học và ra Hà Nội ở để học.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Kì thực, ông sắp xếp đưa Thơm ra Hà Nội, tìm nơi ăn chốn ở cho con để con tiếp tục ôn thi, hi vọng năm sau sẽ chính thức đỗ, để sự dối trá của cả nhà cuối cùng cũng trở thành hiện thực, để ông Tính được chính thức nở mày nở mặt với thiên hạ, để ông ra đường còn được ung dung ngẩng cao đầu và không cảm thấy ngượng ngùng khi thừa nhận con gái đang học Đại học ngoài Hà Nội mỗi khi có người hỏi thăm. Cái khao khát con vào được Đại học với ông Tính lớn lao lắm, thậm chí, ông còn cảm thấy nó quý hơn cả mạng sống của mình.
 
Thơm ở Hà Nội một mình, chỉ thỉnh thoảng mới được về thăm nhà, mà về nhà có ai hỏi thì cũng phải bảo là đang học Đại học Sư phạm, vì ông Tính muốn con gái ông sau này sẽ về làm cô giáo ở làng, được đứng trên bục giảng và được mang cái danh trí thức.

Ông Tính cứ mải chạy theo những ảo tưởng đó mà không để ý thấy Thơm ngày càng gầy đi. Gương mặt con bé không còn nụ cười tươi vui như ngày nào, thay vào đó là một vẻ u sầu. Cô cũng không xởi lởi như xưa, ai hỏi thăm gì cũng chỉ trả lời qua quýt cho xong và hết sức né tránh mỗi khi có ai đó nói đến chuyện học hành. Hàng xóm, bạn bè lại nghĩ rằng, vì học ở Hà Nội nên con bé trở nên kiêu kì, xa lánh mọi người.

Áp lực đè nặng lên Thơm. Một mình bơ vơ ở một thành phố phồn hoa đô hội, không người thân chia sẻ cảm xúc, không tự chọn được cho mình một lối đi, lại thêm cái trách nhiệm phải đỗ Đại học bằng mọi giá trong năm nay khiến Thơm như quay cuồng, mất hết phương hướng. Dù bố mẹ vẫn chu cấp cho Thơm đi học ôn đầy đủ nhưng đi học đấy mà cô có học được chữ nào vào đầu.

Mấy tháng trời Thơm cứ lủi thủi một mình, ngày đi học, tối về lại khóc một mình, vừa giận mình vừa thương mình, vừa giận bố mẹ vừa thương bố mẹ. Thơm cũng muốn cố gắng để hoàn thành cái trách nhiệm lớn lao này lắm, nhưng cô không thể tập trung. Không ngày nào là bố cô không gọi điện nhắc nhở con học hành để đỗ đạt. Nhiều khi cô chỉ muốn bỏ đi đâu đó thật xa…

Một kì thi Đại học nữa lại đến. Đáp lại sự mong mỏi của cả nhà, nhất là của bố, Thơm lại trượt. Lần này thì ông Tính không còn giữ nổi bình tĩnh. Ông quát thẳng vào mặt cô con gái mà ông đặt rất nhiều kì vọng: “Chừng nào chưa đỗ Đại học thì đừng có vác mặt về nhà nghe chưa”. Ông cấm Thơm về thật. Ông cũng cấm mọi người trong nhà ra thăm Thơm, mọi chu cấp cho Thơm chỉ do mẹ Thơm mang ra Hà Nội cho con một tháng một lần.

19 tuổi đầu, Thơm như kiệt sức trước những áp lực và trọng trách đè lên vai mình. Kể ra, nếu không có những áp lực quá nặng nề đó, nếu tâm tưởng cứ được thoải mái thì có lẽ cô cũng không trượt Đại học đến hai lần như này. Giờ lại bị cấm về nhà, cảm giác như bị bỏ rơi, bị hắt hủi, Thơm không còn tự chủ được cảm xúc của bản thân. Cô tham gia chơi bời với nhóm bạn mới quen, họ rủ đi chơi đâu cô cũng đi, miễn là để khuây khỏa, để quên đi cảm giác chơi vơi, lạc lõng hiện tại.

Tháng sau, mẹ Thơm mang đồ “tiếp tế” ra cho con, nhưng không còn thấy con gái ở phòng trọ cũ nữa. Hỏi ra mới biết cô đã trả phòng được nửa tháng và không biết đi đâu. Thơm chuyển đi mà không báo cho bố mẹ một tiếng, liên lạc với con cũng không được. Cả nhà ông Tính nháo nhác đi báo công an. Nhưng ngoài tấm ảnh của con, nhà ông cũng không có manh mối gì hơn, không biết con có bạn nào ở ngoài này, không biết con thường lui tới đâu hay có dự định gì…

Đến lúc này ông Tính mới ôm đầu: “Tôi hại con tôi rồi!”.
 
Theo MaskOnline