Đứng tim hay mỉm cười nhìn bé chơi dưới chân lũ bò, cừu, chó, ngựa?

24/05/2011 03:32
Không thể "đề cao" cách bỏ mặc con vạ vật với tự nhiên như cách những người phụ nữ Namibia nhưng cách người Việt ôm ấp, bảo bọc con chưa hẳn đã là cách tốt.

Không thể "đề cao" cách bỏ mặc con vạ vật với tự nhiên như cách những người phụ nữ Namibia làm, nhưng chợt nhận ra, bảo bọc, cách người Việt ôm ấp, bảo bọc con chưa hẳn đã là cách tốt nhất, nếu không muốn nói, chính điều đó đã lấy đi cơ hội cho bé tự khám phá cuộc sống, tự gần gũi với tự nhiên.

{iarelatednews articleid='948'}

Cảm giác đầu tiên khi chứng kiến hình ảnh Ponijao - Nambia từ khi mới chào đời đã chỉ duy nhất một miếng vải che phần nhạy cảm, hết kéo nhay vú mẹ đòi sữa, ị xong cũng chẳng được lau đít, lăn lê bò toài với đất cát, không chỉ dùng tay mà dùng cả cái miệng bé xinh để liếm thử đất đá hay kể cả thử cát trong nước... là xót xa, là thấy thương bé sao mà thiếu thốn quá, sao mà... vạ vật quá.

Nhất là khi so sánh với Mari (Tokyo, Nhật Bản) và Hattie (San Francisco, Mỹ), 2 bé được cha mẹ nâng niu, chăm chút như những thiên thần ngay từ lúc chào đời. Ai chẳng muốn dành cho con yêu những điều tốt đẹp nhất, nhưng mẹ Ponijao chỉ có thể dùng "nước bọt" để tắm cho con mình, hay mẹ Bajar vắt chính sữa mẹ để rửa mặt cho con. Chăm con đấy, nhưng vẫn phải để con tự tung tự tác mà lớn lên, vì không có điều kiện.

Bayar tập bò giữa thảo nguyên nắng gió, bên cạnh lũ bò hiền lành
Bayar tập bò giữa thảo nguyên nắng gió, bên cạnh lũ bò hiền lành
Những em bé (Babies), cái tên gợi sự tò mò, cộng thêm lời giới thiệu "Trong suốt chiều dài 80 phút phim, khán giả sẽ theo sát cuộc sống của bốn đứa trẻ đến từ bốn đất nước Nhật Bản, Mỹ, Mông Cổ và Namibia", bấy nhiêu đủ kéo tôi đến với "Babies" khi bộ phim được chiếu trong LHP Quốc tế Việt Nam cuối năm ngoái, và reo lên khi tình cờ tìm lại bộ phim này đã ra DVD.

Có thể đoán được, bộ phim tài liệu Pháp này sẽ kể câu chuyện của 4 em bé đến từ 4 nền văn hóa hoàn toàn khác nhau: từ một nước châu Phi nghèo đói, từ thảo nguyên mênh mông của Mông Cổ, từ 2 cường quốc hàng đầu thế giới (1 phương Đông, 1 phương Tây). Đoàn phim đã theo sát cuộc đời của cả 4 bé từ khi những người mẹ sắp sinh, khi bé vừa chào đời, và những tháng đầu tiên các bé khám phá và làm quen với cuộc sống trên trái đất, để rồi chắt lọc, chọn ra những khoảnh khắc đáng yêu của mỗi bé, kết thành một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng không thể chỉ "xem rồi thôi". Bởi dù đạo diễn phim không cố tình so sánh, thì người xem vẫn buộc phải thấy 4 bé thật sự khác biệt ngay ở hoàn cảnh chào đời.

Cậu bé Ponijao
Cậu bé Ponijao


Nhưng nếu chỉ có thế thì bộ phim đơn giản quá. Ponijao hay Bayarjagar có thể thiếu thốn về mặt vật chất, nhưng hành trình những tháng đầu đời của bé lại là cuộc khám phá vĩ đại, hài hòa với thiên nhiên.

Ponjao có thể gặm khúc xương bé nhặt lên từ dưới đất, hay mải mê ngắm nhìn bọn côn trùng bò lổm ngổm, rồi nghịch tay để tạo ra... âm nhạc. Bayar chơi đùa với chính bàn chân của bé, hay chơi đùa với một cuộn giấy vệ sinh trong khi đang bị... buộc dây gắn với chân giường, vừa nhai giấy vừa "luyên thuyên" và cười một mình. Trong khi Mari lại quấy khóc giữa rừng đồ chơi xịn, hoảng sợ khi được đưa vào thăm vườn thú, hay Hattie sợ hãi khóc thét khi đang ở bể tắm sục dù có mẹ bên cạnh...

Không thể "đề cao" cách bỏ mặc con vạ vật với tự nhiên như cách những người phụ nữ Namibia làm, nhưng chợt nhận ra, bảo bọc, cách người Việt ôm ấp, bảo bọc con chưa hẳn đã là cách tốt nhất, nếu không muốn nói, chính điều đó đã lấy đi cơ hội cho bé tự khám phá cuộc sống, tự gần gũi với tự nhiên.

Khoảnh khắc các bé biết bò, ấn tượng nhất cũng là Bayar một mình bi bô giữa thảo nguyên mênh mông. Hay khi các bé đều bi bô tập nói, cũng lại Ponjao và Bayar khiến ta bật cười vì cách các bé chơi đùa với ngôn ngữ đầu đời, với những tiếng động xung quanh. Rồi "nhờ" sống với thiên nhiên mà Ponijao thì chạy vèo vèo, thậm chí còn vừa đi vừa giữ thăng bằng khi để một cái hộp trên đầu, trong khi các bạn còn đang mày mò... tập đứng. Ngay cả Hattie, dù là một người Mỹ chính hiệu, nhưng bé cũng sống rất tự nhiên chứ không hề được bảo bọc quá mức, như cảnh Hattie tự khám phá quả chuối, hay nheo mắt nhíu mày quan sát chú mèo, chạy theo chú chim hải âu trên bờ biển...

Đứa trẻ nào cũng thật sự đáng yêu, nhưng bất ngờ không, khi tôi lại bị chinh phục nhiều hơn bởi 2 thiên thần Namibia và Mông Cổ. Này là Ponijao hết dùng tay chơi trong miệng chú chó, đến "lưỡi đấu lưỡi" với chú chó thì quả là... hết hồn, để rồi bé đã biết chống tay và đầu xuống đất để... nhìn thế giới. Kia là Bayar như một thành viên của thảo nguyên, hết tròn mắt nhìn gà vẫy cánh ngay trên giường, rồi dê sẵn sàng vào xin tí nước ở chậu tắm của bé, lại thấy bé bò lổm ngổm giữa những chú bò, nghịch ngợm với 2 chú dê.

Rất kiệm lời, những lời thoại chủ yếu bằng ngôn ngữ bản địa, nhưng người xem như đang được đối thoại với 4 bé, để nghĩ xem ở phút giây ấy, bé đang nghĩ gì, rồi đoán xem tiếp theo bé sẽ làm gì, vừa âu yếm, vừa nhẹ nhõm.

Hình ảnh Hattie nấc cụt, rồi rặn ị, hình ảnh Mari mắt nhớn nhác vì phải xoay theo chiếc xúc xắc mà bố bé lắc vội vàng khi mải nghe điện thoại, hay cảnh Bayar bị anh trêu, vừa khóc vừa... nín xem người lớn có để ý mình không, rồi Ponjao ngồi ngủ gà ngủ gật... là những hình ảnh rất đáng yêu, mà chắc chắn các nhà làm phim phải chịu khó "săn" mới có được.

Nếu muốn, bạn có thể tìm mua DVD bộ phim tài liệu của đạo diễn Thomas Balmes đã từng lọt vào Top 10 phim ăn khách nhất trong tuần tại Bắc Mỹ này. 80 phút của bộ phim không chỉ là hành trình của 4 đứa trẻ từ khi chào đời đến  khi nhân vật cuối cùng trong 4 bé đã có thể vươn mình đứng dậy, mà còn là hành trình để mỗi người xem phim cười đó, xúc động đó, và lắng lại nhiều suy nghĩ, về cách nuôi dạy con, về sự gần gũi với tự nhiên, về hạnh phúc bắt nguồn từ đâu?...

Theo Phunutoday