Ngượng chín mặt vì con thích nói leo

01/07/2011 08:48
Cứ 5-10 phút, bé Chuột lại chạy ào vào ôm cổ mẹ, hét lên: “Mẹ ơi, con muốn ăn kem”, “Mẹ ơi, con buồn ị”, “Mẹ ơi...”...

Cứ 5-10 phút, bé Chuột lại chạy ào vào ôm cổ mẹ, hét lên: “Mẹ ơi, con muốn ăn kem”, “Mẹ ơi, con buồn ị”, “Mẹ ơi...”.. mà không thèm để ý đến sự có mặt của khách.

1. Hôm rồi đi lễ nhà thờ gặp lại chị bạn cũ. Chị có cô con gái 5 tuổi, rất xinh nhưng phải tội nói leo. Mẹ đứng nói chuyện với mọi người là bé cứ chen vào giữa hóng chuyện, hay nói chen vào với mẹ đòi mẹ làm cái này, cái kia cho bé. Sonic – con chị bạn tôi, hỏi mẹ điều gì mà mẹ chưa kịp trả lời là bé cứ hét to lên để cắt ngang lời mẹ. Mẹ cứ vừa nói chuyện với bạn vừa phải trả lời và dỗ con.

Cuối cùng mẹ chẳng biết mình đang nói cái gì với con và ngay cả nội dung câu chuyện với bạn bè cũng bị rời rạc bởi cô con gái thích chen ngang. Tức quá, chị bạn tôi phát ngay vào tay con một cái rõ đau, thế là Sonic khóc toáng cả lên làm ai cũng chú ý, còn mẹ thì xấu hổ với mọi người.

2. Cũng như mẹ Sonic, nhiều bậc phụ huynh thấy bực mình vì tật hay nói leo của con, nhất là khi có khách đến nhà. Đang trò chuyện với khách và khen con ngoan, thì liền ngay sau đó chị Nga (Thanh Nhàn – Hà Nội) bị bé Chuột (6 tuổi) đang chơi ngoài sân chạy vào “cướp lời” của mẹ: “Mẹ, thứ bảy đưa con đi vườn thú nhé”.

Rồi sau đó, cứ 5-10 phút, bé Chuột lại chạy ào vào ôm cổ mẹ, hét lên: “Mẹ ơi, con muốn ăn kem”, “Mẹ ơi, con buồn ị”, “Mẹ ơi...”,.... mà không thèm để ý đến sự có mặt của khách. Những lúc như thế, chị Nga toàn phải gật đầu “ừ ừ” cho xong chuyện để còn tiếp khách.

 

3. Một đứa trẻ hay cướp lời người lớn thường bị gán cho tội hỗn láo, vô lễ và cứng đầu, nhưng động cơ thật sự của bé có lẽ là không nghiêm trọng đến vậy. Hành vi này thường thấy ở trẻ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, từ khi các bé bắt đầu nói rành (2-3 tuổi) đến tận sau này, khi đã trưởng thành, nếu không được bố mẹ uốn nắn ngay. Nhưng thường gặp nhất có lẽ ở các bé 7-9 tuổi.

Theo các nhà tâm lý trẻ em, trẻ làm vậy không phải vì muốn tỏ ra chống đối, hỗn xược nên bố mẹ chớ mắng mỏ, tỏ vẻ tức giận hay dùng các biện pháp mạnh để xử lý ngay. Trước tiên, bạn cần hiểu được nguyên do khiến con hay nói leo: Nhu cầu giao tiếp của trẻ rất lớn. Khi biết nói và nhận thức được thế giới xung quanh, bé rất muốn gây sự chú ý hoặc kể chuyện cho mẹ, ngay cả khi nhà có khách. Ngoài ra, nguyên nhân có thể do bé mệt, đói, muốn đi vệ sinh, xem hoạt hình… trong lúc mẹ đang nói chuyện.

Để sửa tính này của con, các bậc phụ huynh có thể tham khảo các bước sau:

- Không nên đánh con trước mặt người khác vì sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Các mẹ đừng suy nghĩ là trẻ con không có lòng tự tọng nhé! Một khi các bé đã hình thành thói quen xấu như nói leo, la hét giữa đám đông,... là lúc ấy lòng tự trọng của bé cao lắm đấy! Nếu lúc ấy người lớn không cư xử khéo léo sẽ làm bé bị tổn thương rất lớn!

- Trước hết, bạn có thể nhắc bé rằng: “Chờ mẹ nói xong rồi mẹ sẽ nghe con nói”. Bạn cần dạy bé nhớ nguyên tắc: “Ai cũng có quyền nói nhưng phải theo thứ tự. Mẹ sẽ nghe con nói sau”. Để được như vậy, bạn cũng cần làm gương cho con, không xen ngang khi bé chưa nói hết ý.

- Muốn con ngoan, chính cha mẹ phải là người làm gương cho bé: Đừng ngắt lời khi bé nói hay tranh phần nói với trẻ.

- Một cách đơn giản dạy cho bé phép lịch sự là ngay cả khi nhà không có khách, bạn cũng không nên để bé tự do nói leo. Các bé rất háo hức được cắt ngang lời bố mẹ; vì thế, hãy dạy bé nói: “Con có chuyện này, con nói ngay được không?”.

Sau đó, bé nhận được sự đồng ý của bạn mới được nói. Nếu không, bạn có thể đề nghị: “Chờ một lát, bố mẹ nói sắp xong rồi”. Bạn sẽ thấy bé rất bồn chồn nhưng có thể vẫn kiên nhẫn chờ. Cách này giúp bé hình thành thói quen tốt.

Theo MaskOnline