Nhà tù Côn Đảo đẹp quá, mẹ nhỉ!

10/06/2011 00:55
Một chuyến du lịch quả là dài đối với hai anh em, nhất là với Nấm. Đi xe, đi tàu rồi máy bay! Hai anh em qua được hết mà không hề “sứt mẻ” gì.

Một chuyến du lịch quả là dài đối với hai anh em, nhất là với Nấm. Đi xe, đi tàu rồi máy bay! Hai anh em qua được hết mà không hề “sứt mẻ” gì. Để rồi thoả thích vẫy vùng trong sóng nước Côn Đảo. Da rám nắng, đen sạm nhưng đến giờ này, mẹ mừng là hai anh em vẫn… “phình phường”!

Với Tin, Côn Đảo, chốn ngục tù không rõ lắm trong suy nghĩ của con, nên băn khoăn rằng: mình đi tham quan nhà tù và bị ám ảnh bởi cảnh tù nhân. Và, con cảm nhận rằng: bây giờ không còn ai bị bỏ tù nữa thì phá bỏ nhà tù đi, tại sao lại còn sơn sửa lại, còn làm thêm mấy hình người giả để làm gì? Với con, Côn Đảo chỉ là chốn trời nước mênh mông, đầy nắng và gió.

Vậy thôi à... Có lẽ, con chưa đủ sức để cảm nhận được rằng, hòn đảo xinh đẹp này lại là nơi lao tù hà khắc nhất, khi mà 20 vạn người không có ngày về... Còn với Nấm, được vẫy vùng trong sóng nước Côn Đảo, được mẹ và các cô chú đưa đi hết nơi này đến nơi khác, được ngắm gió trời, được nhìn sóng biển, được cảm nhận xe thế nào, tàu thuỷ thế nào, máy bay thế nào, vậy là quá “no” với con rồi còn gì…

 


Lang thang trong nhà công quán, cạnh bảo tàng Côn Đảo, mẹ phát hiện ra một gian phòng đặc biệt, trưng bày toàn bộ tư liệu về nhà soạn nhạc người Pháp Camille Saint-Saëns, người từng có mặt ở Côn Đảo một tháng để hoàn thành ba chương cuối của vở nhạc kịch bất hủ Brunehilda. Để rồi khi trở về Pháp, trong bức thư gửi Chúa đảo, cám cảnh trước những tội ác của “mẫu quốc” với người tù bản địa, ông đã viết như vầy: “Ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp”.

Lớn lên, hai con sẽ tự mình ra thăm Côn Đảo nhé...

Tin là tên gọi ờ nhà của bé Trần Võ Minh Trí (7 tuồi), Nấm là tên gọi ở nhà của bé Trần Võ Mộc Nhiên (2 tuổi). Câu chuyện do chị Nguyễn Thị Thanh Trang (TP.HCM) chia sẻ.

Theo SGTTVN