Ôn thi tốt nghiệp THPT: Trò chưa thi, thầy chưa nghỉ hè

15/06/2023 06:32
Mộc Trà
GDVN-Với phương châm “trò chưa thi, thầy chưa nghỉ”, nhiều nhà trường tận dụng thời gian buổi tối ôn tập cho HS; thầy cô trường nội trú đồng hành với HS 24/24.

“Trò chưa thi, thầy chưa nghỉ hè”

Chỉ còn 2 tuần nữa là chính thức diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023. Đây là giai đoạn “nước rút”, nhiều nhà trường tận dụng thời gian buổi tối để đồng hành cùng học sinh trong việc ôn tập, trang bị kiến thức.

Trao đổi với phóng viên, thầy giáo Đỗ Thành Công - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trạm Tấu (Yên Bái) cho biết: “Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, trường có 137 thí sinh dự thi chính thức và 100% có nguyện vọng xét tuyển đại học. Trong đó, 133/137 học sinh của nhà trường đăng ký chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, chỉ có 4 thí sinh chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên.

Thầy giáo Đỗ Thành Công - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trạm Tấu (Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Thầy giáo Đỗ Thành Công - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trạm Tấu (Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Trên cơ sở đó, các tổ hợp chia theo từng lớp để học sinh có trình độ khá, giỏi, có đích vào trường đại học, cao đẳng sẽ ôn luyện riêng. Đối với học sinh học lực trung bình, và dưới trung bình, nhà trường cũng có những định hướng ôn tập phù hợp.

Qua phân loại, hiện tại, toàn trường còn 6 học sinh có học lực yếu hơn so với mặt bằng chung các bạn, nên nhà trường bố trí các tiết học tăng cường, giáo viên sẽ kèm cặp riêng, tập trung củng cố kiến thức nền tảng, luyện tập dạng bài ở mức độ nhận biết, thông hiểu.

Bên cạnh đó, đối với các học sinh khác, các thầy cô cũng sẵn sàng đồng hành miễn phí, luyện đề và tháo gỡ những khó khăn cho các em. Đối với cả học sinh ở bán trú và không thuộc diện bán trú, các thầy cô đều vận động các em đến học. Đây là giai đoạn ôn thi “nước rút”, các thầy cô chủ yếu tập trung luyện đề cho học sinh”.

Đặc biệt, tiến hành song song với việc ôn tập trên cổng luyện thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cung cấp.

Bên cạnh lịch ôn tập vào hai buổi sáng - chiều, đều đặn các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, các thầy cô giáo của Trường Trung học phổ thông Trạm Tấu lại lên lớp để củng cố thêm kiến thức cho các học sinh. Mỗi buổi ôn tập thường kéo dài khoảng 2 tiếng.

“Hiện tại, các em đã tham gia một kỳ thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức và thêm một đợt thi thử của nhà trường. Dự kiến, nhà trường sẽ tổ chức cho các em học sinh thêm một đợt thi thử nữa, bắt đầu vào ngày 20/6” - thầy Công cho biết thêm.

Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh xa gia đình, học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện về ôn tập tại Trường Trung học phổ thông Trạm Tấu, đều được nhà trường hỗ trợ chi phí sinh hoạt.

“Đồng thời, nhà trường cũng vận động các thầy cô quyên góp để ủng hộ các em học sinh trong thời gian kỳ thi chính thức diễn ra. Bên cạnh đó, tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện cấp kinh phí hỗ trợ cho 116 thí sinh là dân tộc thiểu số của nhà trường trong những ngày dự thi, để giảm bớt khó khăn” - vị Hiệu trưởng thông tin.

Học sinh lớp 12 cả diện ở nội trú và cả diện không ở nội trú đều được thầy cô vận động đến ôn tập buổi tối tại Trường Trung học phổ thông Trạm Tấu. Ảnh: NVCC.

Học sinh lớp 12 cả diện ở nội trú và cả diện không ở nội trú đều được thầy cô vận động đến ôn tập buổi tối tại Trường Trung học phổ thông Trạm Tấu. Ảnh: NVCC.

Đặt mục tiêu giữ vững thành tích 100% đỗ tốt nghiệp, tỉ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng cao hơn năm trước, thầy và trò Trường Trung học phổ thông Trạm Tấu tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác ôn tập, củng cố kiến thức. Các thầy cô dành trọn tâm huyết để kèm cặp học trò, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của học trò trong quá trình ôn tập cũng như khắc phục những hạn chế của kỳ thi thử.

“Trong giai đoạn ôn thi “nước rút”, bên cạnh việc đồng hành cùng học sinh trong việc ôn tập, bồi dưỡng lại kiến thức, các thầy cô, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở học trò của mình, thay cha mẹ ở bên để động viên các em, đảm bảo sức khỏe, tinh thần trước kỳ thi tốt nghiệp sắp tới” - thầy Đỗ Thành Công chia sẻ.

Với phương châm “Trò chưa thi, thầy chưa nghỉ hè”, các thầy cô giáo Trường Trung học phổ thông Trạm Tấu sẵn sàng đồng hành cùng học sinh đến sát ngày diễn ra kỳ thi, giúp các em có được hành trang kiến thức và tâm lý tốt nhất tự tin bước vào kỳ “vượt vũ môn” với kỳ vọng đạt kết quả cao.

Thầy cô đồng hành cùng học sinh nội trú ôn thi đến khuya

Lớp ôn buổi tối cũng là một trong những đặc trưng của các trường nội trú. Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 - Nghệ An, giai đoạn này cũng chính là giai đoạn các lớp ôn sáng đèn đêm để “chạy đua” bổ sung kiến thức.

Theo thầy Nguyễn Đậu Trương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 Nghệ An, mặc dù nhà trường đặt mục tiêu thầy và trò nỗ lực nâng cao hiệu quả thi tốt nghiệp, song, trong tổ chức dạy học thời gian này nhà trường phải linh hoạt thời khóa biểu, ưu tiên sức khỏe học sinh và hiệu quả ôn tập.

Theo đó, những ngày thời tiết nắng nóng, lịch ôn tập buổi sáng của học sinh thường bắt đầu từ 7 giờ - 9 giờ 30 phút, buổi chiều từ 15 giờ 30 phút - 17 giờ 30 phút, với nguyên tắc mỗi ngày không quá 4 tiếng, tạo khoảng trống cho học sinh tự học, vui chơi, giải trí. Nhà trường cũng ưu tiên cơ sở vật chất như phòng học, thư viện, phòng máy tính… để học sinh sử dụng cả ngày lẫn đêm phục vụ ôn thi.

Theo thầy Nguyễn Đậu Trương, đây là giai đoạn ôn thi quyết liệt nhất của học sinh lớp 12: “Năm nay, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 Nghệ An có 219 học sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hiện tại, các em đã làm 4 bài thi thử và sắp tới, khoảng 20/6, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức một kỳ thi thử nữa, để các em sẵn sàng trước kỳ thi chính thức”.

Bên cạnh những giờ ôn tập vào hai buổi sáng và chiều theo kế hoạch đã được phân công của nhà trường, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 Nghệ An còn có thêm giờ tự học vào buổi tối.

“Giai đoạn này, các buổi tối không chỉ là giờ tự học của học sinh, mà các thầy cô còn rất tâm huyết, chủ động đến trường dạy kèm thêm cho các em ca tối. Đến khoảng 10 giờ đêm, các lớp ôn tan, thì các thầy cô trực đêm lại trở thành người sát sao, đồng hành với các em, để các em an tâm hơn.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 Nghệ An có thêm những giờ ôn tập buổi tối. Ảnh: NVCC.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 Nghệ An có thêm những giờ ôn tập buổi tối. Ảnh: NVCC.

Trước đây, nhà trường vẫn duy trì có thầy cô trực đêm. Tuy nhiên, giai đoạn này, các thầy cô trực đêm sẽ vất vả hơn rất nhiều. Bởi lẽ, khi có bất kỳ học sinh nào còn đang ôn thi, thì thầy cô luôn luôn bao quát và đồng hành, có em thức đêm ôn muộn đến hơn 1 giờ, lại có em dậy rất sớm từ 3-4 giờ sáng để ôn... nên thầy cô lúc nào cũng phải sẵn sàng...” - vị Hiệu trưởng chia sẻ.

“Trong giai đoạn này, các thầy cô cũng thường xuyên động viên về mặt tâm lý, khuyến khích mỗi học sinh, vì chặng đường đang gần đến đích. Bên cạnh đó, nhà trường cũng quan tâm hơn đến chế độ chăm sóc cho các em, ưu tiên hơn trong chế độ dinh dưỡng, một số bữa ăn được tăng cường, đảm bảo sức khỏe trước kỳ thi” - thầy Nguyễn Đậu Trương thông tin thêm.

Là một trong các thầy cô tham gia trực đêm tại ký túc xá của học trò, thầy Lê Viết Phương - giáo viên môn Sinh học (Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 Nghệ An) bày tỏ: “Thời gian này, nếu với học sinh trường bình thường có gia đình chăm sóc, động viên yên tâm ôn thi; còn với học trò nội trú thì hầu hết đều tự lập, tự học. Thầy cô trở thành cha mẹ thứ hai của các em.

Vì vậy, chúng tôi thường xuyên sát sao, đồng hành cùng các em. Các thầy cô phân công lịch trực đêm và kịp thời cùng các em tháo gỡ những khó khăn trong các buổi ôn tập. Trong thời gian tự học buổi tối của học sinh, khi các em gặp những bài toán khó, những vấn đề cần được giải quyết kịp thời, các thầy cô trực đêm luôn luôn hỗ trợ đúng chuyên môn để giải đáp cho các em, nâng cao trình độ cho các em trong quá trình giải bài tập.

Thầy Lê Viết Phương - giáo viên môn Sinh học tận tình hướng dẫn học sinh trong cả 3 ca ôn tập mỗi ngày. Ảnh: NVCC.

Thầy Lê Viết Phương - giáo viên môn Sinh học tận tình hướng dẫn học sinh trong cả 3 ca ôn tập mỗi ngày. Ảnh: NVCC.

Thông thường, thời gian ôn tập của các em thường diễn ra trong khoảng từ 7 giờ 15 phút đến 10 giờ 15 phút, sau đó, các em di chuyển về ký túc xá. Tuy nhiên, có những em vẫn hăng say, muốn dành thời gian để ôn tập thêm tại phòng, vì đây là giai đoạn “nước rút”, các thầy cũng sẽ sẵn sàng túc trực một cách sát sao. Có những em thậm chí ôn tập đến hơn 1 giờ đêm, giáo viên động viên và nhắc nhở học sinh nghỉ để đảm bảo sức khỏe cho ngày hôm sau”.

Thầy Lê Viết Phương cũng chia sẻ riêng về công tác ôn tập đối với môn Sinh học: “Năm nay, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 Nghệ An có gần 20 học sinh đăng ký xét tuyển đại học với môn Sinh, cụ thể là thi khối B; ngoài ra cũng có khoảng 98 học sinh tại 3 lớp 12A1, 12A2, 12A3.

Đối với những học sinh nhắm đến mục tiêu tốt nghiệp trung học phổ thông, chúng tôi đặt trọng tâm vào các kiến thức cơ bản, để các em có thể nắm chắc các câu hỏi thuộc về nhận biết, thông hiểu và một số câu hỏi vận dụng; còn những câu hỏi vận dụng cao thì không đi sâu.

Học sinh kết hợp giải đề online ở phòng vi tính của nhà trường. Ảnh: NVCC.

Học sinh kết hợp giải đề online ở phòng vi tính của nhà trường. Ảnh: NVCC.

Còn đối với các em học sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, chúng tôi đã truyền đạt hết các kiến thức từ trước đó và giai đoạn “nước rút” này, chú trọng luyện đề cho các em, sau đó, tách nhóm và kiểm tra thử ngẫu nhiên, xem các em còn “hổng” ở đâu thì bổ sung lại ở đó.

Tại Nghệ An, cũng có hệ thống đề thi online, nên vào mỗi tối, chúng tôi cho học sinh vào phòng máy tính để luyện đề thêm. Đảm bảo đa dạng phương thức ôn tập cũng là cách để nâng cao chất lượng thí sinh”.

Mộc Trà