Năm Đinh Dậu 2017, ghi nhận nhiều cán bộ bị kỷ luật, xử lý, thậm chí bị đưa ra xét xử.
Bình luận về hiện tượng này, ông Vũ Mão (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) cho rằng:
“Rõ ràng tình hình hiện nay, công tác Đảng khác với tình hình xã hội thời kháng chiến.
Bây giờ chúng ta có vấn đề hội nhập quốc tế, có vấn đề cơ chế thị trường.
Khác ở chỗ, ngày xưa cán bộ có lý tưởng phấn đấu, hy sinh để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.
Đồng thời, con người được rèn luyện, từng trải trong gian khó, chỉ biết hy sinh mà ít đòi hỏi.
Bây giờ thời kỳ mới, cơ chế thị trường chi phối.
Trong cơ chế thị trường rõ ràng lợi nhuận, cạnh tranh từ đó dẫn đến đội ngũ cán bộ xuất hiện người ít chịu rèn luyện, chủ nghĩa cá nhân phát triển và lợi ích cá nhân được đề cao.
Đây là vấn đề rất đáng quan ngại trong tình hình hiện nay”.
Ông Vũ Mão (ảnh Ngọc Quang, nguồn giaoduc.net.vn). |
Theo ông Vũ Mão, "việc cán bộ bị sa ngã nó cũng chứng tỏ công tác quản lý trong tình hình hiện nay chưa tốt.
Cơ chế chính sách của chúng ta chưa tốt, chưa đưa ra được cơ chế chính sách trong tình hình mới.
Trong vấn đề cơ chế thị trường thì đội ngũ cán bộ được rèn luyện như thế nào vẫn là câu hỏi đang chờ giải pháp.
Việc ràng buộc nhiệm vụ, quyền hạn gắn với trách nhiệm như thế nào cần phải xác định rõ ràng".
Cũng liên quan đến công tác cán bộ, trao đổi với phóng viên về hiện tượng bổ nhiệm cán bộ nợ tiêu chuẩn, bổ nhiệm người nhà, người thân sai quy định tồn tại ở nhiều cơ quan ban ngành và địa phương, ông Vũ Mão khẳng định:
“Đúng là có hiện tượng, cán bộ cấp cao có chức, có quyền muốn duy trì quyền lợi cá nhân, gia đình, dòng tộc nên đưa hậu duệ vào bằng mọi cách.
Họ đưa con cháu vào các chức vụ cao.
Tôi cho rằng, đây là điều rất đáng trách và là nguy cơ lớn cần phải được ngăn chặn.
Quan tâm và bồi dưỡng, đề bạt cán bộ trẻ chúng ta rất khuyến khích nhưng đồng thời phản đối việc cài cắm cán bộ trẻ chỉ để phục vụ động cơ cá nhân.
Rồi những cán bộ trẻ này vì thiếu năng lực hay vì quá dễ dàng có được vị trí nên không chịu rèn luyện dẫn đến mau hư hỏng, thoái hóa”.
Ông Vũ Mão: Với cán bộ trẻ, chăm bẵm quá dễ sinh ra đặc quyền, đặc lợi! |
Ông Vũ Mão từng ví “Cán bộ trẻ luân chuyển như chuồn chuồn đạp nước”, trong cuộc trao đổi lần này ông đã phân tích sâu hơn cho phóng viên về nhận định này.
Theo ông Vũ Mão, “Gần đây (tôi nêu từ đại hội IX), người ta coi nó như mũi đột phá, rồi bị cường điệu hóa.
Ba khóa vừa qua IX, X, XI), việc luân chuyển cán bộ chưa đạt kết quả như mong muốn, có nhiều mặt trái dẫn đến chỗ, người ta thích đi luân chuyển loáng thoáng như “chuồn chuồn đạp nước”.
Cán bộ luân chuyển hai, ba năm rồi về trở lại được đặt vào vị trí cao hơn trong khi chưa để lại được bất cứ dấu ấn nào trong công tác. Tôi cho rằng, đó là vấn đề hoàn toàn sai.
Không ít người đã cố tình lồng ghép người nhà, người thân quen vào diện luân chuyển và họ ngụy biện rằng vẫn đảm bảo đúng quy trình.
Điều này phản ánh lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, rồi còn phải có chạy chọt dẫn đến tình trạng cán bộ trẻ không đi lên bằng thực chất, không từng trãi nên dễ hư hỏng, sa ngã.
Đây là một nguy cơ...”- ông Vũ Mão nhấn mạnh.
Trước nguy cơ lợi ích nhóm và tham nhũng trong công tác cán bộ, ông Vũ Mão hiến kế cho rằng:
“Để hạn chế tình trạng này, trước hết chúng ta phải xây dựng cơ chế, hệ thống pháp luật để những kẻ cơ hội không thể khai thác, lợi dụng cài cắm người nhà, người thân, trục lợi.
Chúng ta phải chống được cơ hội, nhóm lợi ích, tham nhũng trong công tác cán bộ, không thể để lộng hành, toan tính một cách tùy tiện theo ý họ.
Phải mạnh mẽ xử lý để có muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng được.
Phải có cơ chế mạnh, đánh mạnh nhằm triệt tiêu những việc làm sai trái. Khi làm được như vậy thì nhóm lợi ích có ý định không trong sáng sẽ bị vạch vòi, bị phê phán, trừng trị”.
Ông Vũ Mão: Còn nhiều sơ hở để cán bộ lộng quyền dẫn đến tham nhũng nghiêm trọng |
Ông Vũ Mão còn cho rằng: “Các hình thức kỷ luật của chúng ta hiện chưa nghiêm cho nên cần đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách và pháp luật rõ ràng, nghiêm minh.
Trước hết, cán bộ cấp cao, cán bộ có chức, có quyền phải làm gương để không có hiện tượng này xảy ra nữa.
Tình hình hiện nay, một số cán bộ có chức có quyền lại cố tình duy trì những việc làm sai trái, ở trên làm hỏng, ở dưới làm theo càng mạnh mẽ hơn”.
Một vấn đề khiến ông Vũ Mão trăn trở nhiều đó là việc nhiều cán bộ trẻ sai phạm, bị kỷ luật. Là người đi lên từ cơ sở, thông qua công tác đoàn, gắn bó với tuổi trẻ lâu dài ông Vũ Mão bày tỏ quan điểm:
“Tôi cho rằng, đây là nỗi đau.
Vì họ là những người trẻ được đào tạo, có triển vọng, lại được đưa vào cơ cấu nhưng rồi không đủ bản lĩnh nên đã đánh mất mình, thiếu tư cách đạo đức, thoái hóa biến chất.
Người trẻ bị kỷ luật dẫu sao đó cũng là sự mất mát của xã hội, của đất nước. Trong từng con người một, từng xã hội một, mỗi khi người trẻ sa ngã thì đó là sự mất mát rất đáng tiếc”.
Theo nguyên Chánh văn phòng Quốc hội: “Từ những sự sa ngã đó của cán bộ trẻ chúng ta cần rút ra được bài học.
Tất cả mọi người cần phải bình đẳng, không thể có người đặc quyền, đặc lợi. Ai muốn có vị trí đều phải rèn luyện, phấn đấu, phải có cống hiến, hy sinh, có thành tựu thì mới đưa vào vị trí xứng đáng”.
Ông Vũ Mão phân tích thêm: “Nói về sự hy sinh, ở thời bình nó khác với thời chiến. Thời chiến hy sinh tính mạng, thời bình phải chống chủ nghĩa cá nhân.
Hy sinh vì tập thể chứ không chỉ nghĩ cho cá nhân. Lâu nay, cán bộ ta nhiều người hư hỏng ở chỗ đó.
Một bài học quan trọng nữa là cần phải tạo điều kiện cho dư luận xã hội tốt hơn.
Công tác thông tin truyền thông báo chí cũng phải được làm tốt hơn để phát huy sức mạnh của báo chí”.