LTS: Là Đại biểu Quốc hội, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc dành nhiều thời gian nghiên cứu về công tác cán bộ.
Qua thực tiễn, ông cũng rút ra những bài học về công tác cán bộ trong xây dựng Đảng hiện nay.
Loạt bài viết sau đây được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thực hiện vào dịp Tết Mậu Tuất 2018 sẽ đề cập rõ vấn đề này.
PV: Vì sao ông dành khá nhiều thời gian quan tâm tới vấn đề cán bộ trong công tác xây dựng Đảng hiện nay?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Nói đến công tác cán bộ đầu tiên phải nói đến công tác ban hành thể chế, chính sách cho đến việc tạo nguồn, đề bạt, cất nhắc, luân chuyển cán bộ...
Trong đó, công tác nhân sự chỉ là một bộ phận nhỏ của công tác cán bộ.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ.
Người đã khẳng định:“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở về công tác cán bộ, trong đó lưu ý việc lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết (Ảnh: TTXVN). |
Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở về công tác cán bộ, trong đó ông lưu ý việc lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước.
Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn.
Từ đó có thể thấy rằng cán bộ là bộ phận, mắt xích quan trọng cấu thành bộ máy quản lý nhà nước.
Công tác cán bộ cũng giống như căn nhà. Căn nhà có vững chắc hay không, có chống chọi được với phong ba bão táp hay không đều do vật liệu tạo nên ngôi nhà đó.
Nói cách khác, bộ máy quản lý nhà nước có thực sự hiệu quả hay không đều do bộ phận cấu thành là công tác cán bộ.
Có ông "tay đã nhúng chàm" nhưng vẫn đang nghĩ ...họ chừa mình ra |
Tuy nhiên, công tác cán bộ thời gian vừa qua để lại cho chúng ta nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.
Những vụ việc tham nhũng, hối lộ, làm trái quy định đều do công tác cán bộ mà ra.
Không ít cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao bị đưa ra xử lý vì có vi phạm trong quản lý điều hành. Đây là tình trạng báo động.
Do đó, đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này đối với sự phát triển của đất nước.
Thời gian vừa qua, hàng loạt cán bộ, nguyên cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao tại một số Bộ, ngành, địa phương (Bộ Công Thương, Thanh Hóa...), bị đưa ra xử lý trách nhiệm vì có vi phạm về công tác tổ chức cán bộ, quản lý điều hành. Theo ông việc này có nguyên nhân từ đâu?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Những sai phạm của cán bộ, nguyên cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao xảy ra thời gian vừa qua khiến cho nhân dân rất bức xúc. Có thể kể đến một số nguyên nhân sau:
Trước hết những quy định về công tác cán bộ chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở.
Người sử dụng các quy định đó, trước hết là người đứng đầu; độ ngũ cán bộ tham mưu, tập thể có thẩm quyền (Ban Thường vụ đối với cấp ủy, Ủy ban nhân dân đối với cấp chính quyền) thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bổ nhiệm...
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội. Ảnh: Hoàng Lực. |
Mặt khác, chúng ta đánh giá cán bộ hiện nay chủ yếu dựa vào những tiêu chuẩn mang tính định tính chứ không phải là định lượng.
Định tính là việc chúng ta xác định chất lượng cán bộ thông qua phiếu tín nhiệm, bằng cấp, trong khi hiện tượng bằng cấp giả, mua bằng, bằng thật nhưng chất lượng giả diễn ra nhiều nơi.
Hầu hết các cán bộ vi phạm được phát hiện trong thời gian qua là những người (một mặt) không đủ các tiêu chuẩn về mặt định lượng.
Tức là năng lực cán bộ chưa được kiểm chứng, chưa trải qua thử thách, đặc biệt là lòng tham chưa được kiểm soát, cho nên mới có những sai phạm tày đình như vậy.
Thậm chí khi tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm cũng có xu hướng phe cánh.
Khổng Tử nói: Một ngôi làng tốt thì mới bầu được người tốt, còn ngôi làng xấu bầu ra người tốt nhất thì người đó là người xấu nhất.
Bên cạnh đó, công tác cán bộ chúng ta còn thiếu chặt chẽ, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát, buông lỏng quản lý, dẫn đến việc bổ nhiệm cán bộ “nhầm” người diễn ra khá phổ biến.
Lợi dụng quy định đó, có người còn đưa cả con em, họ hàng thân tộc, thậm chí còn đưa đồng hương vào bộ máy, tạo ra những “cánh hẩu”, nhằm mục đích trục lợi quyền lực.
Khi có quyền lực thì họ (số ít) sẽ trục lợi về kinh tế. Đây là điều rất đáng báo động.
Ông vừa đề cập tới vấn nạn "con ông cháu cha" trong việc đề bạt, bổ nhiệm, nhưng thực tế cũng chứng minh nhiều trường hợp là “con ông cháu cha” có năng lực và được trọng dụng, cất nhắc. Cần nhìn nhận vấn đề này sao cho đúng bản chất để tránh sự hoài nghi của dư luận, thưa ông?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Việc “con ông cháu cha” kế tục sự nghiệp cha ông là truyền thống hết sức tốt đẹp.
Dân gian cũng có câu “hổ phụ sinh hổ tử”. Nếu một gia đình có truyền thống thực sự tốt đẹp thì sẽ sản sinh ra những người con kế thừa được tư chất, phẩm hạnh của cha ông.
Còn hiện tượng đề bạt, cất nhắc người nhà, người quen... dù không đủ tiêu chuẩn |
Nhưng hiện nay truyền thống đó đang bị lạm dụng.
Phải nhìn nhận một thực tế rằng, nếu không phải "hổ phụ" sẽ không thể sinh ra được "hổ tử".
Tức là, nếu người cha tâm không sáng, chí không minh, có hành vi vun vén cho lợi ích gia đình bằng cách đưa con em mình vị trí “ngon”, bất chấp tiêu chuẩn, năng lực trí tuệ, phẩm hạnh thì đó là một dạng tham nhũng, hay còn gọi là “tham nhũng quyền lực”.
Để giải quyết vấn đề này chỉ còn cách thay đổi chế độ nhân sự (sẽ đề cập rõ trong bài sau - pv).
Công tác cán bộ phải thực sự khách quan công bằng. Đó là cách để minh định đâu là “con ông cháu cha” thực sự xứng đáng, đâu là người không xứng đáng để xử lý.
(Còn nữa)