PGS.Vũ Hải Quân: Cần khấu trừ thuế với các khoản hiến tặng cho giáo dục

15/01/2024 09:52
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo PGS.TS Vũ Hải Quân cần có chính sách khấu trừ thuế cho các khoản tài trợ, quyên góp cho giáo dục. Thủ tục hiến tặng cũng cần đơn giản, thuận tiện hơn.

Hiến tặng là một trong những nguồn thu lớn đối với các trường đại học, nhất là các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiến tặng chưa thực sự được chú trọng. Thậm chí, nhiều doanh nhân muốn hiến tặng nhưng vẫn gặp khó khăn trong các quy định.

Nhiều cơ sở giáo dục vẫn còn lúng túng trong việc kêu gọi cũng như tiếp nhận hiến tặng. Đội ngũ người làm công tác vận động, quản lý tài trợ tại các cơ sở giáo dục đa phần là kiêm nhiệm, thiếu chuyên nghiệp. Trên cả nước chỉ có một số ít cơ sở giáo dục thành lập quỹ phát triển đứng ra kêu gọi và tiếp nhận hiến tặng cho giáo dục .

Đơn vị đầu tiên hoạt động theo mô hình quỹ giáo dục của đại học

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Trên cơ sở Nghị định về tổ chức hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện (mới nhất là Nghị định 93/2019/NĐ-CP), thì Nhà nước đã có những bước sơ khởi cho việc hiến tặng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Đối với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở các quy định đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ hoạt động của Quỹ phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2009, có thể được xem là đơn vị đầu tiên trong cả nước hoạt động theo mô hình quỹ giáo dục của đại học, hoạt động trên cơ sở vận động tài trợ và đóng góp tự nguyện của xã hội cho hoạt động giáo dục tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Quỹ phát triển có tư cách pháp nhân và con dấu riêng.

Việc tiếp nhận tài trợ tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thông qua quỹ phát triển sẽ thực hiện chủ yếu theo 2 hình thức nhận tài trợ bằng tiền và hiện vật.

Đối với tài trợ bằng tiền: Quỹ phát triển chủ yếu tiếp nhận thông qua các ngân hàng. Mục đích, đối tượng tài trợ sẽ thực hiện theo thỏa thuận ban đầu với nhà tài trợ, và thực hiện thu, chi, hạch toán, quyết toán, báo cáo và công khai tài chính theo quy định pháp luật.

Đối với khoản tài trợ hiện vật: đơn vị thụ hưởng sẽ tiếp nhận theo quy định tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi hoàn tất các hồ sơ thủ tục liên quan, giá trị hiện vật sẽ được quy đổi sang Việt Nam đồng khi thực hiện biên bản xác nhận tài trợ.

Quỹ phát triển sẽ thực hiện các biên bản xác nhận tài trợ để hỗ trợ nhà tài trợ thực hiện việc miễn thuế cho các khoản thu nhập dùng cho mục đích hiến tặng.

Trong khi đó, Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Qũy phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Trong suốt 15 năm xây dựng và phát triển, quỹ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành của các cấp, các ngành, của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông; cùng sự hỗ trợ của lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ.

Quỹ vinh dự được đồng chí cố Thủ tướng Phan Văn Khải nhận lời mời làm Chủ tịch danh dự Quỹ phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2018. Trong giai đoạn phát triển mới, quỹ tiếp tục nhận được ủng hộ to lớn của đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong việc chỉ đạo chiến lược, cố vấn và trực tiếp đồng hành cùng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong kết nối, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp có tiềm lực mạnh hợp tác, góp phần phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, quỹ được chỉ đạo điều hành bởi Hội đồng Quản lý quỹ với thành viên là các vị lãnh đạo, các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản lý giáo dục, tài chính, sản xuất kinh doanh và truyền thông. Bên cạnh đó, hoạt động của quỹ còn được sự hỗ trợ của các thành viên Ban cố vấn, Ban kiểm soát. Sự đóng góp nhiệt tình, tận tâm của các thành viên Hội đồng Quản lý quỹ, Ban cố vấn, Ban kiểm soát đã góp phần quan trọng cho quỹ xây dựng và triển khai chiến lược hoạt động hiệu quả cũng như kết nối được với ngày càng nhiều mạnh thường quân.

Quỹ phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên hoạt động theo mô hình quỹ giáo dục của đại học. (Ảnh: website Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Quỹ phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên hoạt động theo mô hình quỹ giáo dục của đại học. (Ảnh: website Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

50% nhà tài trợ là cựu sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Cũng theo Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh tính đến thời điểm hiện tại, sau 15 năm hoạt động, quỹ đã nhận sự hỗ trợ tài trợ của hơn 200 cá nhân, tổ chức doanh nghiệp với tổng giá trị tài trợ bằng hiện kim là hơn 208 tỷ đồng và tài trợ hiện vật tương đương với hơn 128 tỷ đồng. Khoảng 50% cá nhân, lãnh đạo của các doanh nghiệp tài trợ cho quỹ phát triển là cựu sinh viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn tài trợ được sử dụng cho các hoạt động như: Tài trợ học bổng, cho sinh viên vay ưu đãi học tập không lãi suất; Tài trợ cho các dự án, công trình; Tài trợ cơ sở vật chất hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học; Tài trợ tổ chức các chương trình, sự kiện có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hoặc mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh, sinh viên...

Theo đó, quỹ tài trợ học bổng nhằm khen thưởng sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, trong các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế; động viên, hỗ trợ cho sinh viên hiếu học có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, thực hiện chủ trương xuyên suốt của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: “không để sinh viên phải nghỉ học vì khó khăn về kinh tế”.

Một số chương trình học bổng thường niên tiêu biểu do quỹ triển khai có thể kể đến như: Chương trình học bổng toàn phần dành cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như các em mồ côi, khuyết tật được triển khai từ năm học 2019-2020. Sinh viên được lựa chọn trao học bổng sẽ nhận được khoản hỗ trợ 20 triệu đồng trong năm học đầu tiên tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và 10 triệu đồng cho các năm học tiếp theo.

Chương trình học bổng vượt khó, học tốt bắt đầu triển khai từ năm học 2019-2020 dành cho sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có hoàn cảnh khó khăn, có kết quả học tập từ khá trở lên. Mỗi năm, chương trình trao khoảng 200 suất học bổng, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng.

Chương trình học bổng thủ khoa đầu vào dành cho học sinh, sinh viên thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học và tuyển sinh vào lớp 10 của Trường Phổ thông Năng khiếu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình được triển khai từ năm học 2012-2013 đến nay.

Học bổng sau đại học dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc.

Chương trình học bổng dành cho sinh viên thuộc các lĩnh vực đào tạo do nhà tài trợ lựa chọn như các chương trình học bổng Toshiba, POSCO, Pony Chung…

Chương trình cho sinh viên vay ưu đãi học tập tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với lãi suất 0% dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vay đóng học phí, chương trình được triển khai từ năm học 2020-2021 với sự đồng hành tài trợ của Taekwang Vina và Becamex IDC. Mỗi học kỳ, sinh viên tham gia chương trình sẽ được vay số tiền tương đương với học phí của học kỳ đó hoặc tối đa 20 triệu đồng. Một năm sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, hoặc ngay khi có việc làm sau khi tốt nghiệp, sinh viên có 2 năm để hoàn trả số tiền đã vay cho ngân hàng.

Tài trợ cho các dự án, công trình; tài trợ cơ sở vật chất hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu với một số chương trình tài trợ tiêu biểu như: đầu tư trang thiết bị nội thất khu Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Xây dựng phòng thực hành thăm dò chức năng Khoa Y Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (10 tỷ đồng); Xây dựng Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng (17 tỷ đồng), Chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo và Công nghệ Robot (30 tỷ đồng)…

Nguồn tài trợ của quỹ được sử dụng một phần vào hoạt động trao học bổng cho sinh viên. (Ảnh: website Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn tài trợ của quỹ được sử dụng một phần vào hoạt động trao học bổng cho sinh viên. (Ảnh: website Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm ghi nhận thành tích nghiên cứu xuất sắc cũng như khuyến khích sinh viên, giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, hằng năm VNU-F đã vận động và tài trợ cho các giảng viên, sinh viên đạt các giải thưởng lớn về khoa học công nghệ trong và ngoài nước, có thành tích nổi bật trong công bố quốc tế; các hội nghị, hội thảo về khoa học công nghệ; các đề tài nghiên cứu khoa học…

Tài trợ tổ chức các chương trình, sự kiện có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hoặc mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh, sinh viên. Một số ví dụ như: Hội thảo toàn quốc “Chủ trương chính sách Công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 tầm nhìn 2045”; “Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045"; đường chạy nghị lực “VNU Will Run”; cuộc thi Tiếng Anh “Star Awards”...

Tài trợ cho các quỹ như Quỹ khởi nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển các hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung; Quỹ trường tồn (Endowment Fund) hoạt động trên nguyên tắc bảo tồn vốn, tiền lời từ hoạt động đầu tư nguồn vốn được sử dụng vào các hoạt động hỗ trợ giáo dục tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ ký kết hợp tác giữa Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị tài trợ. (Ảnh: website Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Lễ ký kết hợp tác giữa Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị tài trợ. (Ảnh: website Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Cần có chính sách khấu trừ thuế cho các khoản tài trợ, quyên góp cho giáo dục

Khoản 2, Điều 98, Luật Giáo dục 2019 quy định “Các khoản đóng góp, tài trợ cho giáo dục của tổ chức, cá nhân được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế”.

Khoản 4, Điều 12, Luật 34/2018/QH14 cũng nêu: “Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục; ưu tiên cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học; có chính sách miễn, giảm thuế đối với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên”.

Mặc dù đã có quy định nêu trên nhưng hoạt động hiến tặng ở nước ta vẫn còn nhiều lúng túng, chưa tạo được động lực vì thiếu hướng dẫn cụ thể.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, văn hóa hiến tặng cho giáo dục ở Việt Nam chưa phát triển bằng các nước trên thế giới vì một số nguyên nhân sau:

Quan điểm giáo dục là trách nhiệm của Nhà nước vẫn còn phổ biến. Văn hóa hiến tặng cho giáo dục chưa phải là thói quen. Hoạt động vận động tài trợ, quản lý nguồn quỹ tài trợ chưa được thực hiện chuyên nghiệp, tính giải trình chưa cao nên chưa tạo được niềm tin ở nhà tài trợ.

Truyền thông về quy định, quy trình, thủ tục tài trợ chưa được thực hiện tốt, nhà tài trợ khó tìm kiếm, tiếp cận thông tin.

Đội ngũ người làm công tác vận động, quản lý tài trợ tại các cơ sở giáo dục đa phần là kiêm nhiệm, thiếu chuyên nghiệp.

Thầy Vũ Hải Quân đề xuất cần có chính sách khấu trừ thuế với các khoản hiến tặng cho giáo dục. (Ảnh: website Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)
Thầy Vũ Hải Quân đề xuất cần có chính sách khấu trừ thuế với các khoản hiến tặng cho giáo dục. (Ảnh: website Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Chính vì thế, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần có chính sách khấu trừ thuế cho các khoản tài trợ, quyên góp cho giáo dục. Thủ tục hiến tặng cần đơn giản, thuận tiện và cần được truyền thông rộng rãi hơn.

Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức hiến tặng có thể được vinh danh bằng nhiều hình thức như: đặt tên cho học bổng, tòa nhà, giảng đường…

Công tác vận động, sử dụng, quản lý nguồn hiến tặng được thực hiện một cách chuyên nghiệp, công khai, minh bạch.

Phát triển các chiến lược thúc đẩy kết nối với các cựu sinh viên, vinh danh các cựu sinh viên có đóng góp cho nhà trường.

Xây dựng các chương trình kêu gọi tài trợ rõ ràng, có mục tiêu, với những con số và đối tượng cụ thể.

Đẩy mạnh truyền thông về hoạt động hiến tặng cho giáo dục. Có chính sách phát triển đội ngũ quản lý, vận động hiến tặng có năng lực tốt, khả năng làm việc, giao tiếp chuyên nghiệp, ý thức cao về ý nghĩa, giá trị của công việc mình đảm nhiệm.

Nhật Lệ