Vì sao hiến tặng cho giáo dục đại học còn hạn chế?
Bên cạnh các nguồn thu chính đến từ học phí, ngân sách nhà nước, hợp tác với doanh nghiệp... các trường đại học cũng có thể phát triển từ nguồn hiến tặng. Hoạt động hiến tặng có nhiều hình thức đa dạng như hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy... Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, hoạt động này vẫn còn hạn chế.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, hiến tặng là một hoạt động tích cực, thể hiện sự chung tay của toàn xã hội trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai. Hiện nay, ở Việt Nam, hiến tặng cho giáo dục vẫn chủ yếu thông qua các hoạt động tặng học bổng cho người học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn cho rằng: "Về hành lang pháp lý, các quy định liên quan đến việc hiến tặng có thể chưa linh hoạt hoặc chưa rõ ràng, khiến cho những cá nhân, tổ chức gặp khó khăn trong quá trình thực hiện hoạt động này.
Bên cạnh đó nhiều cá nhân, tổ chức có tài sản muốn hiến tặng cho giáo dục nhưng lại không có đủ thông tin về cách thức và ưu đãi của việc hiến tặng. Hiện nay, rất ít cơ sở giáo dục ở Việt Nam công khai trên cổng thông tin điện tử về tiếp nhận và sử dụng nguồn tài sản do các nhân tổ chức hiến tặng như các cơ sở giáo dục nước ngoài đang làm".
Ngoài ra, theo thầy Hoàn, sự quản lý và minh bạch trong việc sử dụng nguồn hiến tặng cũng là một vấn đề quan trọng. Nhiều nhà tài trợ có thể lo ngại về việc tài sản hiến tặng không được sử dụng hiệu quả hoặc không rõ ràng về mục đích sử dụng của nguồn tài nguyên này dẫn đến tâm lý e ngại khi thực hiện.
Thạc sĩ Nguyễn Thái Châu - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính - Marketing (UFM) cho rằng, một số tổ chức, doanh nghiệp có quan điểm "chi cho giáo dục và đào tạo là trách nhiệm của nhà nước" nên họ hiếm khi tham gia vào hoạt động hiến tặng, quyên góp cho sự phát triển của trường đại học.
Thầy Châu lý giải: "Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp thường yêu cầu nhân lực là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc để đảm bảo chất lượng công việc nhưng lại không muốn đầu tư bất kỳ chi phí nào cho quá trình đào tạo. Hơn thế nữa, kết quả của hiến tặng trong giáo dục đại học không thể có kết quả ngay mà còn phải trải qua quá trình ít nhất là 4 năm hoặc kéo dài hơn thế".
Cùng trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến văn hóa hiến tặng cho giáo dục ở nước ta chưa phát triển bằng các nước trên thế giới. Trong đó có một yếu tố quan trọng là tại Việt Nam chưa phổ biến thói quen tài trợ, hiến tặng cho giáo dục.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung bày tỏ: "Bên hiến tặng đôi khi chưa nắm rõ quy trình sử dụng nguồn hỗ trợ của mình, do đó nảy sinh tâm lý e ngại hỗ trợ; còn bản thân các đơn vị đại học vẫn chưa biết cách tổ chức, vận động và quản trị các khoản thu từ nguồn hiến tặng chuyên nghiệp, bài bản, minh bạch, qua đó tạo niềm tin cho các nhà tài trợ.
Ngoài ra, các thủ tục hành chính đối với tổ chức, cá nhân có nguyện vọng hiến tặng cho giáo dục hay việc miễn giảm thuế cho các khoản tài trợ giáo dục còn phức tạp cũng dẫn đến sự hạn chế nhất định".
Trường đại học e dè, đôi khi không dám tiếp nhận hiến tặng
Ngoài khó khăn trong thu hút nguồn hiến tặng, đôi khi chính trường đại học cũng e dè, không dám tiếp nhận hiến tặng vì còn tồn tại nhiều vướng mắc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn giãi bày: "Hiện tại, đã có Nghị định số 80/2020NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ về việc ban hành Nghị định Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần có các quy định hướng dẫn cụ thể hơn về các chính sách hiến tặng cho giáo dục, tạo sự thuận lợi và thông thoáng để các cơ sở giáo dục mạnh dạn tiếp nhận nguồn hiến tặng có yếu tố nước ngoài".
Cũng theo thầy Hoàn, cần có sự hỗ trợ từ cả Chính phủ, tổ chức xã hội và doanh nghiệp để tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho việc hiến tặng cho giáo dục ở Việt Nam. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng nên tăng cường thông tin và minh bạch về các dự án giáo dục cần được thực hiện để tạo niềm tin và sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Bàn về khía cạnh này, Thạc sĩ Nguyễn Thái Châu cho hay: "Hoạt động hiến tặng cho giáo dục đại học ở Việt Nam còn thông qua các quỹ học bổng, các quỹ tài trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất... Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta chưa có được những chính sách, hướng dẫn cụ thể về hiến tặng nên đôi khi chính nhà trường cũng e dè khi được hiến tặng. Tôi hy vọng trong tương lai gần, nhà nước sẽ ban hành những chính sách cụ thể để thuận tiện cho nhiều bên, thúc đẩy hoạt động hiến tặng phát triển".
Tương tự, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung cũng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn trong việc hiến tặng - nhận tài trợ giáo dục đại học, bên cạnh tâm ý của cá nhân, tổ chức có nguyện vọng hiến tặng và nỗ lực của các trường đại học trong việc tiếp nhận, nếu có một quy định, hướng dẫn cụ thể hơn sẽ tạo thuận lợi cho các bên, từ đó góp phần đẩy mạnh văn hóa hiến tặng.
Xây dựng thương hiệu trường đại học để thu hút nguồn hiến tặng
Ngoài ra, có thể thấy, thương hiệu cũng là một trong những lý do quyết định đến việc trường đại học có được nguồn hiến tặng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn cho rằng, xây dựng thương hiệu cho một cơ sở giáo dục đại học là một quá trình lâu dài, nhưng nó có thể góp phần lớn vào việc thu hút hiến tặng và thúc đẩy văn hóa hiến tặng. Thầy Hoàn cũng đưa ra một số giải pháp để xây dựng thương hiệu trường đại học.
Thứ nhất, đặt chất lượng giáo dục và hoạt động nghiên cứu khoa học làm trung tâm của hoạt động cơ sở giáo dục đại học. Nếu cơ sở giáo dục đại học đó đạt được thành công trong đào tạo và nghiên cứu xuất sắc sẽ làm gia tăng giá trị thương hiệu của trường.
Thứ hai, xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với cộng đồng, doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Sự liên kết tích cực với cộng đồng giúp trường trở thành một phần quan trọng của xã hội và tạo ra cơ hội hiến tặng từ các đối tác trong cộng đồng đó.
Thứ ba, sử dụng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác để tiếp cận và tương tác với cộng đồng và cựu sinh viên. Cập nhật thường xuyên về các thành tựu, sự kiện và hoạt động của trường sẽ giúp xây dựng thương hiệu trực tuyến tích cực.
Thứ tư, tạo ra các chương trình hỗ trợ cho sinh viên và cựu sinh viên, bao gồm cơ hội nghề nghiệp, sự giúp đỡ tài chính và các chương trình liên quan khác. Sự thành công của sinh viên và cựu sinh viên sẽ là một yếu tố quan trọng để tăng cường thương hiệu của trường.
Thứ năm, tăng cường và đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học quốc tế và tham gia vào các chương trình học quốc tế. Điều này có thể tăng cường danh tiếng quốc tế và thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế.
Thứ sáu, tổ chức các sự kiện, hội thảo và chương trình quảng bá để tăng cường nhận thức về thương hiệu của trường trong cộng đồng và giới doanh nghiệp.
Thứ bảy, xây dựng một môi trường thân thiện, chăm sóc sinh viên và đối tác, tạo ra một hình ảnh tích cực và ấn tượng lâu dài về trường đại học.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Thái Châu cho rằng, xây dựng thương hiệu là một trong những chiến lược dài hạn để trường đại học thu hút được các nguồn tài trợ.
Thạc sĩ Thái Châu chia sẻ: "Tầm nhìn đến năm 2045, Trường Đại học Tài chính - Marketing được xếp hạng trong top 500 trường đại học hàng đầu khu vực Châu Á (theo chuẩn xếp hạng có uy tín) và trở thành một trường đại học theo định hướng ứng dụng hàng đầu Việt Nam. Đồng thời là một trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ có uy tín cao trong lĩnh vực kinh doanh và quản lý của Việt Nam và khu vực ASEAN.
Nhà trường hướng tới xây dựng môi trường tôn trọng sự khác biệt và cộng hưởng sức mạnh hợp tác, gắn kết các thế hệ giảng viên, viên chức và người học để tạo nên thương hiệu riêng và hợp lực mạnh mẽ nhất".
Còn Giám đốc Trung tâm truyền thông HUTECH khẳng định, thương hiệu là yếu tố quan trọng tác động và quyết định đến hầu hết các hoạt động của một trường đại học, trong đó có hoạt động hiến tặng. Vì khi nhà trường tạo dựng được uy tín, khẳng định được chất lượng giảng dạy thì nhà hảo tâm mới tin tưởng và hướng đến.
"Xây dựng và phát triển thương hiệu chính là một trong những chiến lược quan trọng tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Trong gần 30 năm xây dựng và phát triển, nhà trường luôn nghiêm túc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững - lấy người học làm trung tâm, qua đó tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tiên tiến nhất; thường xuyên thực hiện đánh giá, kiểm định để nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, năng động để sinh viên phát triển toàn diện", Thạc sĩ Xuân Dung chia sẻ.
Chia sẻ thêm về hoạt động hiến tặng cho Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh những năm qua, thầy Hoàn cho biết, hàng năm nhà trường thường xuyên tiếp nhận các nguồn hiến tặng từ các tổ chức và cá nhân thông qua các quỹ hoặc chương trình học bổng cho người học. Nhà trường cũng đã tiếp nhận viện trợ không hoàn lại hệ thống chiết rót và đóng gói thực phẩm tự động từ chính phủ Đức; bộ thiết bị phân tích nhanh chất lượng không khí lưu động từ Tập đoàn Tokan Holdings (Nhật Bản); tiếp nhận thiết bị nghiên cứu từ dự án hợp tác nghiên cứu khoa học từ Trường Đại học Ghent (Bỉ).
"Các thiết bị này được quản lý, sử dụng hiệu quả, phục vụ tốt cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên nhà trường. Nhà trường cam kết và luôn sử dụng đúng mục đích tài sản được các tổ chức và cá nhân hiến tặng. Tuy nhiên, có một điều rất tiếc rằng quá trình tiếp nhận những thiết bị này vô cùng khó khăn cho cả bên tài trợ và bên nhận vì phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ, hải quan, thuế… Điều này dễ làm nản lòng các tổ chức hay cá nhân muốn tài trợ cho giáo dục", thầy Hoàn tâm tư.
Theo Thạc sĩ Xuân Dung, trong những năm qua, hoạt động hiến tặng tại HUTECH chủ yếu bằng học bổng cho sinh viên và tài trợ trang thiết bị thực hành, hoạt động nghiên cứu hay các dự án của trường. Trong thời gian tới, nhà trường hy vọng sẽ tiếp tục nhận được các nguồn hiến tặng, tài trợ từ các nhà hảo tâm cho quỹ học bổng, hoặc đầu tư vào các hạng mục cụ thể trong trường như các công trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập - thực hành hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập, nghiên cứu. Qua đó cùng đồng hành với nhà trường tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ, khích lệ sinh viên học tập và phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Thái Châu cũng nhận định thêm: Mối quan hệ có thể được xem là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy hoạt động hiến tặng cho trường đại học. Theo đó, cựu sinh viên là nguồn lực quan trọng, giúp nhà trường có được nguồn hiến tặng.
Nhìn vào thực tế cho thấy ở một số trường đào tạo chuyên ngành kinh tế, nhiều cựu sinh viên có thể là lãnh đạo tại các tổ chức tài chính, ngân hàng. Trường cũng có thể nhận được nguồn hiến tặng lớn từ chính cựu sinh viên. Như vậy, chúng ta nên xem cựu sinh viên là một tài sản, mối quan hệ mà nhà trường cần xây dựng và duy trì lâu dài.