LTS: Công tác tuyển sinh Đại học, Cao đẳng đợt 1 năm 2016 vừa kết thúc, tuy dư luận không bức xúc vì cảnh hỗn loạn, phải hồi hộp chờ đợi như năm 2015, nhưng tỷ lệ hồ sơ “ảo” năm nay lên tới 70 % đã khiến nhiều trường tốp trên không tuyển đủ thí sinh, tốp dưới càng “khốn đốn” trong khi học sinh dù đủ điểm cao vẫn không vào được trường mình yêu thích.
Góp ý, phân tích về công tác tuyển sinh cũng như chất lượng đào tạo của các trường Đại học hiện nay, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Cứ mỗi kì tuyển sinh Đại học, Cao đẳng sắp đến, các trường Đại học ở tốp đầu và tốp giữa vẫn thường được phụ huynh, học sinh nhắm đến nhiều nhất và các trường này cũng luôn trong tình trạng “an tâm”, không lo thiếu chỉ tiêu đầu vào.
Tuy nhiên, qua kì xét tuyển Đại học đợt 1 vừa qua, dư luận lại được chứng sự thất vọng của các trường và thí sinh vì nhiều trường, ngành học hót vẫn bị thiếu hụt nhiều chỉ tiêu, buộc phải sử dụng đến chỉ tiêu, nguyện vọng 2, 3 để thu hút thí sinh vào học.
Sắp có phương án tuyển sinh năm 2017 (Ảnh: vietnamnet.vn). |
Với các trường tốp dưới lại càng chật vật, khó khăn hơn khi các trường tốp trên có tình trạng hạ điểm chuẩn, ra sức vơ vét thí sinh khiến những trường này “khốn đốn” không biết lấy đâu ra thí sinh cho đủ chỉ tiêu đào tạo.
Có cán bộ quản lý một trường Đại học đã phải thốt lên rằng: “Thí sinh đang ở đâu khi số lượng các em đạt điểm sàn là gần 600 nghìn em (theo thống kê của Bộ Giáo dục) tức thừa sức để vào các trường Đại học?”.
Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu? Theo tôi, có các nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, tổng chỉ tiêu Đại học năm nay không giảm, vẫn giữ mức 420.000 thí sinh nhưng nguồn tuyển giảm đáng kể so với 2015 (số thí sinh dự thi Trung học Phổ thông ở cụm do trường Đại học chủ trì giảm).
Mang danh trường tốp trên mà ra sức vơ vét thí sinh là kém văn hóa |
Nếu năm ngoái, số thí sinh dự thi Trung học Phổ thông Quốc gia là hơn một triệu, nhưng năm nay số này giảm xuống còn hơn 870.000 (giảm khoảng 12%).
Trong đó có tới 519.000 em thi để xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng (chiếm 70%), số còn lại chỉ để xét Tốt nghiệp. Tỉ lệ thí sinh chỉ để xét Tốt nghiệp năm 2016 chiếm 32%, tăng 4% so với năm 2015 (28%).
Thứ hai, thông tin hàng trăm ngàn cử nhân, Thạc sĩ thất nghiệp trên các phương tiện truyền thông có tác động đáng kể đến thái độ, lựa chọn nghề nghiệp, bậc học của thí sinh và phụ huynh.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đến hết quý I năm 2016, cả nước có trên 225 ngàn sinh viên có trình độ Đại học và sau Đại học thất nghiệp.
Nhiều cử nhân phải giấu bằng Đại học để đi học Trung cấp, làm công nhân.
Việc làm là yếu tố quan trọng hàng đầu khiến phụ huynh và học sinh ngày càng thận trọng, cân nhắc hơn khi chọn lựa ngành học và bậc học.
Ví dụ, mấy năm trước đây, ngành quân đội và công an, điểm tuyển sinh vào đầu chỉ thuộc dạng thường, ít học sinh lựa chọn. Nhưng 2 năm nay, điểm tuyển sinh đầu vào công an và quân đội cao ngất ngưởng. Có quá nhiều học sinh đăng ký, bởi mấy ngành này đảm bảo được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, người học và phụ huynh khỏi lo lắng.
Thứ ba, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp của nhà trường, địa phương có dấu hiệu khởi sắc, tốt lên.
Hoạt động truyền thông, định hướng dư luận xã hội cũng có chiều hướng tích cực, giúp cho phụ huynh và học sinh có nhiều “kênh” để suy xét, quyết định tương lai nghề nghiệp của mình.
Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp thí sinh khi đến đăng ký xét tuyển, mặc dù đủ điểm vào học Đại học nhưng lại xin học hệ Cao đẳng, Trung cấp.
Điều này cho thấy nhận thức, tâm lý sính bằng cấp đã phần nào thay đổi, Đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời.
Theo tôi nhìn nhận, mùa tuyển sinh Đại học năm nay có nhiều điểm tích cực như nhiều học sinh đã chọn học nghề thay vì vào các trường Đại học. Chất lượng các trường Đại học cũng ngày càng được nâng cao.
Giáo viên thất nghiệp và trách nhiệm giáo dục |
Một viễn cảnh mới mở ra, các trường hoặc các ngành trong cùng một trường có chất lượng đào tạo tốt, tỷ lệ sinh viên có việc làm cao sẽ có sức hút tốt, tuyển sinh thuận lợi.
Ngày càng có nhiều trường và ngành học mới, kéo theo tiêu chí tuyển sinh tăng khiến cơ hội được vào Đại học của các thí sinh những năm gần đây tăng lên; ngay cả các em thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông cụm địa phương cũng có nhiều cơ hội.
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo các trường Đại học hiện nay vẫn là một vấn đề đáng lo khi đầu vào bao nhiêu thì có bấy nhiêu đầu ra.
Điều này, dẫn đến “cung không đủ cầu”, sinh viên được đào tạo không đáp ứng được yêu cầu chất lượng khi đi làm, hầu hết khi vào các cơ quan, doanh nghiệp đều mất một thời gian dài để “đào tạo lại” lực lượng này.
Gần đây, có hàng nghìn sinh viên ở các Đại học ở Tây Nguyên và phía Nam có nguy cơ bị nhà trường đình chỉ học tập vì kết quả học tập theo hình thức tín chỉ không đạt yêu cầu.
Nhiều người coi đây là một việc rất bình thường và cần thiết để các trường Đại học loại bớt số sinh viên lười nhác, ý thức học tập sa sút, nhằm nâng cao chất lượng đầu ra.
Cuối năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 32 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục Đại học, theo đó quy mô sinh viên chính quy ở một trường Đại học tối đa không quá 15.000 sinh viên.
Bằng mọi cách thì hệ thống cũng không "tiêu" hết được số giáo viên thừa |
Quy định mới này góp phần giảm bớt tình trạng các trường Đại học chạy đua theo số lượng mà xem nhẹ việc nâng cao chất lượng giáo dục Đại học.
Riêng lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có văn bản yêu cầu các trường Sư phạm giảm chỉ tiêu và các trường ngoài Sư phạm không được đào tạo và cấp chứng nhận vì tình trạng dư thừa.
Hiện số giáo viên dư thừa trên 35 nghìn người, dự kiến đến năm 2020 số giáo viên thất nghiệp lên tới 70 nghìn người.
Trước thực trạng trên, tôi tin rằng, muốn tồn tại và phát triển thì các trường Đại học và Cao đẳng sẽ phải tự “lột xác” để làm “cách mạng” về chất lượng giáo dục đồng thời cũng phải biết chịu trách nhiệm về sản phẩm mình đào tạo.