LTS: Tiếp tục cuộc trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam góp ý cho Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ông Vũ Mão, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, IX đã chỉ rõ 5 nhóm vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.
Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, là nền tảng để phát triển đất nước. Với ý nghĩa quan trọng đó, tôi đã nghiên cứu kỹ những nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII liên quan đến các vấn đề kinh tế. Lĩnh vực kinh tế rất rộng lớn, ở đây tôi xin được đóng góp ý kiến vào một số vấn đề cụ thể:
Về quan điểm và nhận thức đối với phát triển các lĩnh vực kinh tế
Một là, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế trên cơ sở kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu.
Hai là, công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn có chuyển biến, mức độ cơ giới hoá trong nông nghiệp tăng; nông nghiệp phát triển toàn diện hơn theo hướng khai thác những lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng nông thôn mới có nhiều tiến bộ.
Ba là, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung vào ngành chính, đẩy mạnh cổ phần hoá, triển khai thực hiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, nâng cao tính công khai, minh bạch và hiệu quả hoạt động.
Bốn là, phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và khu vực sản xuất nông nghiệp.
Năm là, giải quyết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá,xây dựng con người,thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Ông VŨ Mão nhận định, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển để đạt được hai mục tiêu, vừa nâng cao sức mạnh cho nền kinh tế, vừa góp phần quan trọng để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. ảnh: Ngọc Quang. |
Về phương hướng phát triển kinh tế
Một là, xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chú trọng những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế như GDP bình quân đầu người, tỉ trọng giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, tỉ trọng nông nghiệp, tỉ lệ đô thị hoá... những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về mặt xã hội như chỉ số phát triển con người, tuổi thọ bình quân, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập...
Bên cạnh đó, phải chú trọng những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về môi trường như tỉ lệ dân số sử dụng nước sạch, độ che phủ rừng, tỉ lệ giảm mức phát thải khí nhà kính...
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Ba là, cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công.
Bốn là, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Năm là, cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Về phát triển công nghiệp
Một là, thực hiện tốt chủ trương và có chính sách phù hợp để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học - công nghệ và tỉ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm.
Hai là, phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hoá chất, công nghiệp xây dựng, xây lắp, công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Ba là, chú trọng phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất vật liệu mới; từng bước phát triển công nghệ sinh học, công nghiệp môi trường và công nghiệp văn hoá.
Bốn là, phân bố công nghiệp hợp lý trên toàn lãnh thổ; nâng cao hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp; sớm đưa một số khu công nghiệp công nghệ cao vào hoạt động.
Về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Một là, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện cả về nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng hiện đại, bền vững.
Chọn cán bộ không thể "quân xanh quân đỏ", càng không thể "đánh trận giả" |
Hai là, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hoá một cách hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Ba là, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu.
Bốn là, xác định vai trò hạt nhân của doanh nghiệp trong nông nghiệp, đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp nhà nước; phát triển hợp tác xã kiểu mới; hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ.
Năm là, từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao.
Về phát triển khu vực dịch vụ
Một là, tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như du lịch, hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin.
Hai là, hiện đại hoá và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khóan, logistics và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác.
Ba là, đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách giá dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế; phát triển dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ, văn hoá, thông tin, thể thao, dịch vụ việc làm.
Bốn là, hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế. Chủ động phát triển mạnh hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước, tham gia vào mạng phân phối toàn cầu.
Về phát triển kinh tế biển
Một là, phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Hai là, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá; kinh tế hàng hải như kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển; du lịch biển, đảo.
Ba là, có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững.
Bốn là, tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế ven biển.
Trân trọng cảm ơn ông!