Trong bối cảnh giáo dục đại học không ngừng mở rộng và hội nhập, để tạo nên sức bật cho các cơ sở giáo dục đại học, đội ngũ trí thức quốc tế là nguồn bổ sung vô cùng cần thiết và việc thu hút giảng viên từ nước ngoài trở thành xu hướng tất yếu. Điều này không chỉ làm phong phú môi trường học thuật mà còn góp phần cải thiện danh tiếng, vị trí xếp hạng của một trường đại học, sản lượng nghiên cứu và trải nghiệm giáo dục tổng thể cho sinh viên.
Theo đó, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn thể hiện rõ quan điểm để phát triển nguồn lực cho giáo dục thì vừa cần tập trung phát triển nhân lực trong nước, vừa phải đẩy mạnh thu hút đội ngũ chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ và làm giàu nguồn lực trong nước. Những năm trở lại đây, nhiều trường đại học ở nước ta không chỉ thu hút nhân tài người Việt Nam từ khắp nơi trở về mà còn tuyển dụng giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc tại cơ sở giáo dục đại học chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Cùng với những thách thức về nguồn lực tài chính, khả năng thu hút, giữ chân nhân sự phù hợp thì một số rào cản về thủ tục hành chính, chính sách đãi ngộ cũng tạo ra những trở ngại đáng kể.
Chứng minh kinh nghiệm của giảng viên nước ngoài là câu chuyện không đơn giản
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tương lai gần, nhu cầu tuyển dụng giảng viên nước ngoài tại các trường đại học sẽ ngày càng gia tăng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và nâng cao chất lượng đào tạo.
Song, quá trình tuyển dụng hiện nay còn nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài, khiến không ít giảng viên quốc tế cảm thấy nản lòng, không thể chờ đợi thêm. Khi đó, các trường lại phải bắt đầu quá trình tuyển dụng lại từ đầu, tốn kém cả thời gian lẫn nguồn lực mà vẫn chưa chắc tìm được ứng viên phù hợp.

Quy trình thực hiện các thủ tục xin giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hiện nay còn phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng lao động của cơ sở đào tạo đại học cũng như kế hoạch công tác của giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài.
Trong tiến trình hội nhập nhằm thúc đẩy chất lượng giáo dục, cơ sở đào tạo trong nước rất cần có sự đổi mới về cơ chế, chính sách từ các cấp quản lý có thẩm quyền để tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi trong việc tuyển dụng, thu hút, tiếp nhận giảng viên, chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, trao đổi nghiên cứu tại Việt Nam.
Để làm được điều đó, các trường đại học cần có quyền tự chủ nhiều hơn trong việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài. Việc trao quyền chủ động sẽ giúp cơ sở giáo dục linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm, lựa chọn và thu hút nhân tài phù hợp với định hướng phát triển của mình.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn đề xuất, sau khi tuyển dụng, các trường báo cáo kết quả lên cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát, thay vì bị ràng buộc bởi quy trình xét duyệt kéo dài ngay từ đầu. Đồng thời, cần có sự điều chỉnh chính sách theo hướng đơn giản hóa giúp cởi mở linh hoạt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn để giảng viên quốc tế có thể nhanh chóng bắt đầu công việc, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu tại các trường đại học trong nước.
Còn theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tuyển dụng giảng viên cơ hữu nước ngoài là một nhu cầu cần thiết, nhưng quá trình này đang vướng mắc với một số rào cản, từ thủ tục xin chỉ tiêu lao động đến hồ sơ cấp giấy phép làm việc. Trong khi đó, thời gian xét duyệt hồ sơ kéo dài, thủ tục hành chính còn phức tạp, giấy xác nhận kinh nghiệm và công nhận học hàm của mỗi quốc gia lại có quy định khác nhau.
Theo quy định hiện hành, trường đại học phải giải trình với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương về lý do không tuyển giảng viên trong nước mà lại lựa chọn giảng viên nước ngoài. Đây cũng là một quy trình trong thủ tục dẫn đến trở ngại vì làm chậm quá trình tuyển dụng và ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy, gia tăng chi phí và áp lực hành chính cho các trường đại học.

Nói cách khác, trong quá trình làm hồ sơ, việc chứng minh kinh nghiệm và thời gian làm việc của giảng viên không đơn giản. Ngoài ra, việc giải trình vì sao không sử dụng giảng viên là người lao động Việt Nam thay cho việc tuyển người có quốc tịch nước ngoài cũng là câu chuyện khó đối với các trường đại học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều quy định nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy, song, quá trình tuyển dụng giảng viên có yếu tố nước ngoài vẫn còn nhiều thách thức về thủ tục hành chính, khó khăn cho cơ sở giáo dục đại học. Nhất là việc chứng minh kinh nghiệm làm việc của giảng viên do đó Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc cho rằng, thủ tục này không chỉ mất nhiều thời gian mà còn phức tạp do mỗi quốc gia có quy định xác nhận kinh nghiệm khác nhau, dẫn đến tình trạng kéo dài hồ sơ, làm chậm tiến độ giảng dạy.
Để khắc phục tình trạng, chúng ta nên giảm bớt một số thủ tục hành chính trong việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường đại học trong quá trình tuyển dụng. Thay vì yêu cầu xét duyệt trước với nhiều khâu cồng kềnh, cơ quan quản lý có thể chuyển sang hình thức hậu kiểm, tức là kiểm tra, giám sát sau khi các trường đã hoàn tất quy trình tuyển dụng. Việc trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học không chỉ giúp rút ngắn thời gian tuyển dụng mà còn làm tăng tính linh hoạt trong việc thu hút giảng viên chất lượng cao. Khi đó, các cơ sở giáo dục có thể chủ động trong chiến lược nhân sự, trong khi cơ quan quản lý vẫn đảm bảo được yếu tố kiểm soát chất lượng của nhà trường.
Cần xây dựng chính sách thu hút nhân tài nước ngoài minh bạch và thông thoáng
Hiện nay, việc sử dụng lao động là người nước ngoài tại các trường đại học theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hàng loạt văn bản dưới luật khác. Trong đó, liên quan đến giấy phép lao động đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có quy định người lao động nước ngoài là chuyên gia phải đáp ứng một trong hai điều kiện: Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc; Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc.
Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo của một trường đại học tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, chúng ta cần xem lại quy định về yêu cầu 3-5 năm kinh nghiệm của ứng viên là người nước ngoài. Bởi lẽ, trong thực tế, nhiều ngành đào tạo mới xuất hiện, thậm chí mới được mở lần đầu nhằm bắt kịp xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội trên thế giới, nên việc chứng minh kinh nghiệm cùng thời gian giảng dạy trước đó là rất khó khăn.
Bên cạnh đó, để đáp ứng đủ các quy định về giấy phép lao động, giảng viên người nước ngoài phải mất nhiều thời gian để chứng minh, thể hiện được quá trình làm việc của bản thân trước khi đến Việt Nam. Quy định về kinh nghiệm có giá trị ý nghĩa tích cực, nhưng thực tế triển khai lại có mặt chưa thuận lợi.

Đề xuất giải pháp trong chính sách chung để thu hút người nước ngoài tham gia giảng dạy đại học ở Việt Nam, cần có những điều chỉnh hợp lý trong chính sách tuyển dụng, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính. Một trong những cách thức là nên trao quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xác nhận bằng cấp của giảng viên nước ngoài, từ đó quyết định họ có đủ điều kiện giảng dạy tại Việt Nam hay không. Việc này không chỉ giúp giảm bớt quy trình kiểm tra, xác minh chồng chéo giữa các cơ quan, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học trong việc thu hút nhân tài quốc tế.
Hiện nay, thủ tục chứng minh kinh nghiệm, bằng cấp thường mất nhiều thời gian do yêu cầu xác thực từ nhiều bên liên quan, trong khi mỗi quốc gia lại có hệ thống giáo dục và quy định cấp bằng, học hàm khác nhau. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp đảm nhiệm vai trò này, thì quá trình tuyển dụng có thể sẽ trở nên nhanh chóng, vẫn đảm bảo được sự minh bạch, và hạn chế tình trạng hồ sơ kéo dài.
Cụ thể theo quy định hiện hành, Điều 154, Bộ luật Lao động; Điều 7, Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2020/NĐ-CP; có 20 trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động, hay còn gọi là miễn giấy phép lao động.
Song, vị lãnh đạo đề xuất mở rộng thêm phạm vi áp dụng và có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn đối với 2 trường hợp miễn giấy phép lao động, bao gồm: thứ nhất là người nước ngoài được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu thuộc quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc Liên Hợp Quốc, cơ sở, tổ chức được thành lập theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; thứ hai là người nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận đến Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu.
Mặt khác, việc trao quyền tự chủ hơn cho các cơ sở giáo dục đại học còn giúp nâng cao tính linh hoạt trong quản lý nhân sự giảng dạy tại các trường, dễ dàng tiếp cận và thu hút giảng viên quốc tế theo nhu cầu thực tế. Từ đó, môi trường học thuật trở nên cởi mở hơn, năng động hơn, sinh viên có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, nâng cao vị thế của các cơ sở giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.