Ý kiến không tổ chức phòng giáo dục và đào tạo ở địa phương đã manh nha cách đây từ nhiều năm và trong bối cảnh hiện nay càng thấy phù hợp. Bởi, hiện nay đã có rất nhiều nhiệm vụ, chức năng quản lý của cơ quan này không còn đảm nhận mà chuyển sang Ủy ban nhân dân huyện (thị, thành). Đối với chuyên môn thì vai trò của phòng giáo dục và đào tạo cũng đang khá mờ nhạt.
Vì thế, việc duy trì phòng giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hiện nay cũng nên xem xét một cách thấu đáo. Ngoài một số chức vụ lãnh đạo ra, nhiều nhà giáo khi được điều động về công tác tại phòng giáo dục cũng không "mặn mà", làm vài năm, nếu có cơ hội, họ sẽ xin về đơn vị trường học quản lý, hoặc làm giáo viên dạy lớp để có thêm tiền phụ cấp đứng lớp.
![Ảnh minh họa: Doãn Nhàn So-do.png](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/juznus/2025_02_12/so-do-2526-4883.png)
Vai trò của phòng giáo dục và đào tạo ngày càng mai một
Về chức năng quản lý, phòng giáo dục và đào tạo ở các địa phương hiện nay đang quản lý 3 cấp học: mầm non; tiểu học; trung học cơ sở. Mỗi huyện thường có vài chục trường học, có những huyện lên đến gần trăm trường học. Tuy nhiên, trong thực tế, phòng giáo dục và đào tạo hiện nay không quản lý những mảng quan trọng mà thường chỉ là cơ quan tham mưu, trung gian cho ủy ban nhân dân huyện mà thôi. Các quyết định bổ nhiệm; thuyên chuyển; khen thưởng…giờ đây đều do phòng nội vụ và Ủy ban nhân dân huyện đảm nhận.
Cụ thể, đối với việc bổ nhiệm cán bộ quản lý các trường học hiện nay công việc chính là của phòng nội vụ và chủ tịch ủy ban nhân dân huyện kí quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
Khi tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho các nhà trường cũng chủ yếu là công việc của phòng nội vụ và cơ quan đứng ra tổ chức tuyển dụng là ủy ban nhân dân huyện. Phòng giáo dục và đào tạo chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp việc cho ủy ban nhân dân huyện.
Ngay cả việc chấm, công nhận sáng kiến kinh nghiệm hiện nay cũng được chuyển sang ủy ban nhân dân huyện. Kí các giấy khen của cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các trường học hiện nay ủy ban nhân dân huyện đảm nhận gần hết.
Kinh phí cấp hằng năm cũng do phòng tài chính và ủy ban nhân dân huyện quyết định, phân bổ và trường học rút tiền nhận tại kho bạc. Các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng hiện nay của cấp mầm non; tiểu học; trung học cơ sở đều do ủy nhân dân huyện hoặc tỉnh đảm nhận.
Đối với công tác chuyên môn thì vai trò của phòng giáo dục và đạo tạo cũng khá mờ nhạt vì thực tế cấp phòng chỉ có 1 chuyên viên phụ trách chung cho cả cấp học và có một phó trưởng phòng đóng vai trò lãnh đạo chung.
Vì vậy, mỗi lần thanh, kiểm tra chuyên môn các trường học thường chỉ có 1 phó trưởng phòng và 1 chuyên viên là người của phòng giáo dục và đào tạo. Các thành viên còn lại là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, thành viên cốt cán được điều động từ các trường học trên địa bàn tham gia.
Vậy nên, về cơ bản, khi có thanh tra, kiểm tra các nhà trường thì những người trực tiếp tiếp xúc với công việc là những thành viên cốt cán (tổ trưởng chuyên môn ở các trường khác) thực hiện.
Chẳng hạn như cấp trung học cơ sở sẽ có 1 chuyên viên phụ trách chuyên môn nhưng cấp học này có mười mấy môn học nên không thể nào đảm nhiệm hết được công việc mà phải có sự hỗ trợ của các thành viên hội đồng cốt cán.
Kiểm tra công việc của ban giám hiệu nhà trường thì thành viên đoàn thanh tra cũng là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của các trường khác. Vì thế, công tác thanh, kiểm tra cũng khó khách quan tuyệt đối vì anh kiểm tra trường tôi đợt này, đợt sau tôi kiểm tra trường anh.
Phòng giáo dục và đào tạo hiện nay có còn cần thiết nữa không?
Hiện nay, cơ cấu tổ chức của phòng giáo dục và đào tạo thường dao động khoảng trên 10 người, bao gồm lãnh đạo, chuyên viên, nhân viên.
Mỗi phòng giáo dục và đào tạo sẽ có 1 trưởng phòng và 3 phó trưởng phòng đảm nhận vị trí lãnh đạo.
Ngoài ra, sẽ có thêm một số chuyên viên phụ trách các mảng: 3 chuyên viên phụ trách chuyên môn cho 3 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở); 1 chuyên viên phụ trách mảng hoạt động ngoài giờ; 1 chuyên viên phụ trách tổ chức cán bộ; 01 chuyên viên phụ trách mảng thi đua-khen thưởng; 01 nhân viên văn phòng; 1 nhân viên kế toán; 01 bảo vệ.
Với số lượng lãnh đạo, chuyên viên như vậy, chúng ta thấy cũng khá mỏng nhưng công việc trung gian lại khá nhiều. Chỉ việc ban hành các văn bản cho từng bộ phận cũng tốn rất nhiều thời gian. Ngoài ra, lãnh đạo phòng còn tham gia hội họp với Huyện ủy; Ủy ban nhân dân huyện; Hội đồng nhân dân; đi cơ sở…
Người viết là giáo viên nhận thấy, thực tế cơ quan này có cũng được mà không cũng được vì đa số những văn bản chỉ đạo của sở, phòng na ná như nhau nên cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường đọc đi, đọc lại cùng một nội dung chỉ đạo. Vì thế, nếu bỏ phòng giáo dục và đào tạo cũng sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà trường.
Thứ nhất: việc bổ nhiệm; tuyển dụng hiện nay không phải của phòng giáo dục và đào tạo mà đơn vị này chỉ là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện và kết hợp với phòng nội vụ thực hiện công việc.
Thứ hai: việc phân bổ tài chính hiện nay cũng không phải của phòng giáo dục và đào tạo mà là nhiệm vụ của phòng tài chính và Ủy ban nhân dân huyện.
Thứ ba: các quyết định khen thưởng giáo viên, các trường học hiện nay đều do Ủy ban nhân dân huyện ký. Vì thế, thay vì các trường chuyển hồ sơ về phòng giáo dục và đào tạo thì các trường chuyển thẳng lên Ủy ban nhân dân huyện sẽ bớt đi một khâu trung gian.
Thứ tư: về chuyên môn hiện nay có một hệ thống hội đồng cốt cán liên thông giữa chuyên viên sở đến các thành viên cốt cán ở các trường học nên thường chỉ đạo trực tiếp về công tác chuyên môn nên nhiều khi trường biết trước các thông tin rồi thì phòng giáo dục mới ban hành văn bản hướng dẫn.
Thứ năm: kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay do các sở giáo dục và đào tạo tổ chức. Các trường trung học cơ sở thực hiện hồ sơ và nộp đến các trường trung học phổ thông. Nên vai trò của phòng giáo dục và đào tạo không rõ ràng trong kỳ thi này nhưng cứ phải báo cáo, xin phép khá phiền toái.
Thứ sáu: các công việc chung của ngành giáo dục ở các địa phương những năm gần đây chủ yếu là họp, giao ban trực tuyến từ sở giáo dục và đào tạo đến các nhà trường nên các trường học cũng khá thuận lợi khi tiếp cận các thông tin, chủ trương từ sở giáo dục. Đó là chưa kể cổng thông tin của sở cũng thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo, điều hành.
Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, có lẽ cũng nên xem xét có nên duy trì phòng giáo dục và đào tạo ở các địa phương không để bỏ qua bớt cấp trung gia.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.