Sáng nay (1/6), Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Dự luật này đã được đưa ra thảo luận từ kỳ họp thứ 8 và một số phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho đến sáng nay vẫn nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các Đại biểu Quốc hội.
Đề nghị quy định rõ số lượng cấp phó
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, quy định trong dự thảo luật về quyền và trách nhiệm của Thủ tướng chưa tương xứng.
"Nếu chúng ta quy định trách nhiệm của Thủ tướng thế này thì tôi cũng có thể làm Thủ tướng được, bởi vì chỉ có báo cáo trước Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ, báo cáo Chủ tịch nước và vắng mặt thì ủy quyền.
Tôi thấy là trách nhiệm quá nhỏ, cho nên tôi đề nghị là phải thiết kế nhiệm vụ quyền hạn của Thủ tướng phải rất rõ thì chúng ta mới quy trách nhiệm được, còn không thiết kế rõ thì không quy trách nhiệm cho Thủ tướng được. Mà tôi biết rằng Chính phủ có hẳn một Nghị định về trách nhiệm của người đứng đầu", ông Thuyền nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền. ảnh: TTBC. |
Từ lập luận trên, ông Thuyền đề nghị quy định về trách nhiệm của Thủ tướng ba vấn đề cụ thể:
Một là phải hoàn thành cơ bản nhiệm vụ của Quốc hội giao.
Hai là đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng và lãng phí.
Thứ ba là trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Về quy định cấp phó, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, cấp phó giúp việc cho cấp trưởng, cho nên quy định cứng trong luật là cần thiết.
Trước đó, tại hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách (chiều 15/4), ông Thuyền cũng đã góp ý cần quy định rõ số lượng Phó Thủ tướng. Tại hội nghị này, Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) cũng có chung quan điểm như ông Nguyễn Bá Thuyền.
Sáng nay, ông Thuyền đã phân tích: "Chúng ta đã đưa ra một nguyên tắc là các bộ không quá 5, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6.
Thế mà dưới lại thòng một câu là trường hợp đặc biệt sát nhập các cơ quan ngang bộ, điều động của cơ quan có thẩm quyền thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng số lượng Thứ trưởng, Phó các cơ quan ngang bộ.
Tôi cho rằng chúng ta vừa đưa ra nguyên tắc cứng thì lại có ý đồ đưa ra nguyên tắc mềm.
Tôi đề nghị phải bỏ chỗ này. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất rồi, không thể Ủy ban Thường vụ quyết cao hơn Quốc hội.
Hoặc là chúng ta muốn thiết kế mềm thì phải thiết kế ngay dự phòng trong này chứ nếu mà chúng ta quyết định để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cao hơn Quốc hội thêm về cấp phó nữa thì tôi cho rằng không hợp lý".
Về Văn phòng Chính phủ, hiện tại đang có chức danh Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Theo ông Thuyền thì không nhất thiết phải ghi là “Bộ trưởng”.
“Thí dụ, Tổng thanh tra Chính phủ đâu cần phải ghi Bộ trưởng, Tổng Thanh tra Chính phủ mới là Bộ trưởng. Thống đốc Ngân hàng nhà nước thì có cần ghi Bộ trưởng đâu.
Thế cho nên chỉ cần ghi Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là được mà không nhất thiết phải ghi là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ”, ông Thuyền nêu quan điểm.
Tinh giản biên chế, đề cao vai rò của người đứng đầu
Thực tế trong lĩnh vực hành chính, Phó Thủ tướng đứng ở vị trí thứ hai, sau Thủ tướng. Nhưng dự thảo luật lại không quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của Phó Thủ tướng”.
Đại biểu Lê Đình Khanh (đoàn Hải Dương) cũng nhận định, muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền thì trước hết phải có hệ thống pháp luật tốt.
Mọi quy định trong luật phải rõ ràng, minh bạch, hạn chế tối đa những quy định mở dễ dẫn đến vận dụng “A cũng đúng mà ngược lại là B cũng không sai”.
Ông Khanh bày tỏ: “Ngay cả những quy định rất đúng rồi nhưng nếu trên làm không chuẩn thì sai một li đi một dặm.
Tôi được biết quy định là mỗi Sở không quá 3 Phó Giám đốc. Có tỉnh hàng chục năm về trước cũng quy định cấp chức năng của Sở không quá 3 Phó Giám đốc.
Nhưng đến thời điểm này thì họ sửa lại là không quá 3 Phó Giám đốc như văn bản của Bộ Nội vụ hướng dẫn. Nhưng hiện thời đang có 4 Phó Giám đốc và lại thêm một nữa là 5.
Khi có ý kiến về việc ấy thì họ bảo là Trung ương cũng quy định không quá 4 Thứ trưởng, nhưng họ có đến 9 Thứ trưởng có chết ai đâu. Thôi mình nói thì cứ phải nói theo sách, nhưng mà làm thì phải vận dụng.
Tôi báo cáo với Quốc hội đây là chuyện thật 100%. Nghĩa là luật đã đúng nhưng mà dưới làm không nghiêm hoặc ở trên sai một li thì dưới trượt đi một dặm ngay. Như vậy là tình trạng nhờn pháp luật sẽ diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nữa".
Đại biểu Quốc hội Lê Đình Khanh. ảnh: vov. |
Ông Khanh cũng cho rằng, cần phải xây dựng một nền hành chính mạnh, đề cao vai trò của người đứng đầu, góp phần tinh giản biên chế từ trung ương tới địa phương.
“Cần hạn chế số lượng cấp phó một cách tối đa, tôi nói là kể cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao. Báo cáo Quốc hội, tôi được nghe ở Trung Quốc, quốc phòng của người ta cũng không ít quân thế nhưng người ta không có Thứ trưởng.
Ở nhiều nước, Bộ Ngoại giao cũng không có Thứ trưởng mà chỉ có trợ lý. Trên thế giới có những nước dân số gấp ba bốn lần Việt Nam ta, nhưng mà họ chỉ có Tổng thống và một Phó Tổng thống.
Tôi nghĩ rằng là nếu ở Việt Nam cứ giảm đi 1/3 cấp phó như dự thảo luật trình hôm nay thì tôi chắc rằng bộ máy sẽ hoạt động tốt hơn, năng lực trình độ của người đứng đầu bộ ngành cũng có điều kiện thể hiện rõ hơn, phát huy được cao hơn", ông Khanh nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Du Lịch thì đề nghị: “Cơ cấu Chính phủ nên quy định một số bộ cứng không thay đổi, còn một số bộ và ngang bộ là phần mềm, do nhiệm vụ quản lý trong từng thời kỳ có thể đầu nhiệm kỳ Quốc hội phê chuẩn Chính phủ sẽ quyết định.
Cái này nhiều nước có làm như vậy. Tôi lấy thí dụ như Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, tôi gọi là các bộ cứng mà các nước gọi là thành viên nội các.
Muốn bớt cấp phó thì phải làm được hai việc cái đã. Thứ nhất là cơ chế của ta bớt đi tập thể, bớt đi cái liên ngành. Một cái văn bản giao bộ này thì yêu cầu phải tham khảo ý kiến bộ kia, làm sao mà họp được.
Thứ hai là chúng ta biến ông phó thành cấp hành chính. Ông phó mà phụ trách mấy vụ thì coi như một cấp trên của mấy vụ đó.
Giải quyết được hai cái này thì chúng ta mới bớt cấp phó được, còn không thì rất khó”.
Cuối cùng, ông Trần Du Lịch ủng hộ quan điểm bỏ quy định khi cần thêm phó thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.