Phải tách chi phí biên soạn nội dung sách giáo khoa với khâu in ấn, phát hành

09/04/2020 06:42
Tùng Dương
(GDVN) - Độc quyền sách giáo khoa khiến nhà xuất bản thao túng giá thị trường, khi không có cạnh tranh sách khó phát triển và đương nhiên học sinh sẽ là người bị thiệt.

Tại mục 1 Điều 2 của Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, có nêu rõ: “Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đảm bảo không tăng kinh phí…”.

Không tăng giá sách giáo khoa mới so với sách hiện hành là đề nghị của Bộ Tài chính trong văn bản gửi các đơn vị đang tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa mới là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá theo Luật giá năm 2012 để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, không vượt mức giá kê khai bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục đã bán ra thị trường cho năm học 2019-2020.

Vận dụng định mức biên soạn của bộ sách giáo khoa hiện hành để rà soát mức giá kê khai của các bộ sách giáo khoa mới thực hiện.

Bộ Tài chính đề nghị phải kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất kinh doanh, xác định giá sách giáo khoa đảm bảo nguyên tắc cân đối hài hòa giữa lợi ích kinh tế doanh nghiệp và mục đích phục vụ xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã kiến nghị với Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục do Nhà nước định giá.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra được tiêu chí, quy định rõ tiêu chuẩn in sách như khổ giấy, màu, số lượng trang, số lượng cuốn...và tổ chức đấu thầu in sách thì bảo đảm giá sẽ thấp hơn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra được tiêu chí, quy định rõ tiêu chuẩn in sách như khổ giấy, màu, số lượng trang, số lượng cuốn...và tổ chức đấu thầu in sách thì bảo đảm giá sẽ thấp hơn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Mặc dù đã có chỉ đạo từ Quốc hội, Chính phủ cũng như Bộ Tài Chính và Bộ Giáo dục nhưng thực tế hiện nay giá sách giáo khoa mới được công bố lại có giá cao hơn gấp 4 lần so với sách giáo khoa đang hiện hành, vậy nguyên nhân tăng giá sách là do đâu?

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết giá của 4 bộ sách giáo khoa mới do đơn vị mình biên soạn được hình thành từ các chi phí tổ chức bản thảo, chi phí vật tư, công in, chi phí lưu thông, bán hàng, quảng cáo, nhuận bút, sách in 4 mầu với khổ sách lớn hơn…

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “ Sách giáo khoa quan trọng ở nội dung, hình thức không nên quá cầu kỳ trong bối cảnh đất nước còn nghèo.

Các nhà xuất bản cần chú ý in ấn sao cho giá cả đảm bảo lợi ích của mình, nhưng cần phù hợp với thu nhập bình quân của người dân”.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng in đẹp cũng được, nhưng phải cho dùng lại để tránh lãng phí. Năm nào cũng phụ huynh học sinh cũng đóng tiền photocopy bài tập để học sinh không viết lên sách. Đừng mỗi năm chỉnh lý vài dấu chấm, dấu phẩy rồi bắt mua sách mới.

Ngành giáo dục phải cho nhân dân thấy được tiêu chí lấy người học làm trung tâm, vì chất lượng giáo dục...chứ không phải cứ đi giải trình về giá sách. Sách giáo khoa năm nào cũng xuất bản mà vẫn có điểm sai, tái bản không biết là lần thứ bao nhiêu rồi mà giá vẫn cứ tăng.

Nhiều phụ huynh học sinh cho rằng chất lượng sách như hiện nay cũng khá tốt rồi, sách học không cần dày quá, không cần in khổ to, chất lượng cao như truyện tranh và cũng không cần thiết phải có nhiều bộ sách như hiện nay.

Nhiều bộ sách rồi cứ vài năm lại thay, lại chọn một bộ sách khác để học dẫn tới không thống nhất về chương trình ngay trong một lớp, một trường. Việc này gây khó cho việc cập nhật kiến thức mới của học sinh theo một định hướng xuyên suốt.

Dư luận xã hội cho rằng cơ bản là nội dung sách được viết ra sao, nói tăng lên một vài nghìn không đáng nhưng 20 triệu học sinh là con số đáng phải suy nghĩ. Chỉ vì sách đẹp thôi mà đòi tăng giá bán thì cực kỳ phi lý. Sách giáo khoa chỉ 1 mình Nhà xuất bản Giáo dục ôm hết, học sinh cả nước đều phải dùng thì làm sao mà lỗ vốn được? Phải chăng đây là xã hội hóa giáo dục nửa vời?

Mọi người từng hy vọng xã hội hóa thì giá sách giáo khoa sẽ mang tính cạnh tranh hơn, người dân sẽ được hưởng lợi nhưng bây giờ thì ngược lại, phải chăng vẫn còn tính độc quyền nên sách giáo khoa mới tăng giá như vậy?

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra được tiêu chí, quy định rõ tiêu chuẩn in sách như khổ giấy, màu, số lượng trang, số lượng cuốn...và tổ chức đấu thầu in sách thì bảo đảm giá sẽ thấp hơn.

Ngoài ra phụ huynh học sinh kiến nghị cần có quy định giá trần cho sách giáo khoa bởi xã hội hiện còn rất nghèo nên với giá cao gấp 4 lần giá cũ là không hợp lý. Đây xã hội hóa chứ chưa phải là tư nhân hóa giáo dục.

Với các hộ gia đình nghèo, vùng sâu vùng xa, vài chục nghìn đồng cũng là lớn, nhất là khi phải lo toan nhiều khoản thu đầu năm học khác. Ảnh minh họa: A.T.
Với các hộ gia đình nghèo, vùng sâu vùng xa, vài chục nghìn đồng cũng là lớn, nhất là khi phải lo toan nhiều khoản thu đầu năm học khác. Ảnh minh họa: A.T.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: “ Việc tăng giá sách giáo khoa sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng là học sinh và phụ huynh học sinh.

Thoạt nhìn, số tiền tăng giá mỗi cuốn sách không lớn nhưng tính cả bộ sách giáo khoa sẽ tăng lên vài chục nghìn đồng. Với các hộ gia đình nghèo, vùng sâu vùng xa, vài chục nghìn đồng cũng là lớn, nhất là khi phải lo toan nhiều khoản thu đầu năm học khác”.

Phải tách chi phí biên soạn nội dung sách giáo khoa với khâu in ấn, phát hành ảnh 3Giá sách giáo khoa mới tăng cao có phải do độc quyền?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận định : “Đầu năm học 2018 - 2019, Nhà xuất bản Giáo dục đã để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa các lớp đầu cấp với lời giải thích rằng do lượng học sinh tăng lên đột biến và chỉ in theo số lượng đăng ký để tránh tồn kho.

Đầu năm 2019, nhà xuất bản này lại “âm thầm” tăng giá sách giáo khoa khi chưa được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như vậy chính tình trạng độc quyền sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khiến đơn vị này thích làm gì thì làm, độc quyền sách giáo khoa dẫn đến việc những đơn vị, cá nhân, tổ chức…bắt tay với nhau để hưởng lợi.

Độc quyền sách giáo khoa khiến nhà xuất bản duy nhất sẽ thao túng thị trường sách, một khi không có cạnh tranh, sách giáo khoa khó phát triển và đương nhiên học sinh chịu thiệt”.

Chiều 28/2, tại cuộc họp giao ban với lãnh đạo bộ, ngành thuộc khối giáo dục - đào tạo, đại diện một số hiệp hội… Một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo là tách bạch biên soạn nội dung sách giáo khoa với khâu in ấn, phát hành.

Theo các chuyên gia đánh giá thì yêu cầu này của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giúp chống độc quyền và nâng cao chất lượng sách giáo khoa mới.

Tùng Dương