LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài thứ 4 trong loạt 6 bài phản biện Giáo sư Hồ Ngọc Đại về Công nghệ giáo dục từ Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Viện trưởng Viện toán lý thuyết - Viện Toán học Toulouse - Cộng hòa Pháp, Giáo sư Đại Học Toulouse.
Các luận điểm chính trong “công nghệ giáo dục” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh giới thiệu trong bài báo “Hủy bỏ “triết lý đọc-chép” bằng công nghệ giáo dục ?” năm 2009, với 6 cụm luận điểm chính.
Bạn đọc có thể theo dõi phần phụ lục phía cuối bài này. Trong 3 phần trước của loại bài này tôi đã phản biện một số trong các luận điểm ấy.
Ngay sau đó, Đại tá - Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường, một chuyên gia về vật lý sinh vật học đã viết một bài dài rất đáng tham khảo.
Bài viết của ông gồm hai phần “Giáo dục hơn là một công nghệ!” và “Giáo dục còn là một nghệ thuật”, đưa ra nhiều lý lẽ xác đáng phản biện lại các luận điểm chính của “công nghệ giáo dục”.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại có nói, nền giáo dục Việt Nam đang khủng hoảng. Nhưng muốn “chữa được bệnh” thì phải “bốc đúng thuốc”.
Tôi e rằng “thang thuốc” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có những thành phần bị “bốc nhầm” và khó có hiệu quả trong việc “chữa bệnh” giáo dục, nếu không muốn nói là nó làm cho hệ thống giáo dục rối ren thêm.
Một số nhà khoa học và giáo dục có uy tín của Việt Nam khi trao đổi với tôi cũng bày tỏ sự lo ngại tương tự.
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, ảnh do tác giả cung cấp. |
Giáo sư Hồ Ngọc Đại thích dùng hình tượng cái xe đạp để nói về sự đột phá có tính cách mạng về tư duy, với hàm ý là “công nghệ giáo dục” của ông cũng là một “cuộc cách mạng” dễ bị người ta chê cười vì ít ai hiểu được, cũng như người ta đã từng chê cười cái xe đạp vậy.
Thế nhưng cái “cuộc cách mạng” đó sẽ chuyển đổi nền giáo dục từ lối “cổ điển, kém hiệu quả” sang lối giáo dục “hiện đại” dựa trên “công nghệ” mang tên Hồ Ngọc Đại.
Chẳng hạn, một bài viết nhan đề “Nguyên Lý” của ông năm 2000 (NXB Lao Động) mở đầu bằng đoạn:
"Cho đến cuối thế kỷ trước, 1888, nghĩa là sau hàng triệu năm, cái sự đi bộ hai chân mới bị nghi ngờ.
Câu chuyện như sau: có một anh chàng ngông nào đó, dám ngờ rằng cỗ xe 4 bánh đã thừa một nửa, thừa cả 4 cái chân bò kèm theo.
Thực ra so với cái ngông của con khỉ không cần đến 4 chân để đi, chỉ hai chân là đủ, thì đã ăn thua gì cái ngông lần này!
Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có rơi vào “bẫy” cực đoan? |
Nhưng lần này, anh chàng người nọ bị thách thức nhiều hơn vì loài người có ngôn ngữ và ý thức, có các phương tiện truyền thông và có tổ chức… để chế diễu, bêu riếu, thậm chí lên án, mạt sát …
Tôi hình dung hoàn cảnh tội nghiệp của anh chàng nọ tìm cách minh oan bằng thực tiễn: thử làm ra chiếc xe hai bánh. Chắc không ít người cười ồ lên, khi thấy anh ta chập chọang trên xe hai bánh, rồi ngã kềnh, trầy da, chảy máu.
Biết đâu còn có kẻ ác mồm: đáng kiếp cái thói ngông, kiêu ngạo! May sao, anh chàng nọ không tự ái vặt, không chấp sự trả thù của thói quen, cứ lo làm cho được chiếc xe đạp."
Trong một bài giảng nhan đề “Triết học và lịch sử” của ông cho học viên trường viết văn Nguyễn Du gần đây, chiếc xe đạp cũng được mang ra:
"Con khỉ đầu tiên đi bằng hai chân, thể nào cũng bị đồng loại phê bình, họp kiểm điểm mạnh lắm.
Cũng như cái anh đầu tiên nghĩ tới việc đi xe đạp, khác hẳn việc cưỡi ngựa hoặc đi xe ngựa (vẫn là dùng sức bộ), chắc chắn sẽ bị hàng xóm cười: “Thể nào nó chẳng ngã?”
Nhưng có xe đạp, loài người mới được giải phóng tư duy, rồi mới có ô tô, máy bay, đỡ sức."
Ảnh: một chiếc xe đạp từ quãng năm 1820. Nguồn: wikipedia. |
Ở phần 4 này, tôi muốn chỉ ra rằng, những điều mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại viết về xe đạp phía trên là hoàn toàn sai: sự phát triển cái xe đạp là một quá trình dài chứ không phải là một cú đại nhảy vọt “giải phóng tư duy”.
Trong giáo dục cũng vậy, sẽ chẳng có liều thuốc thần nào, dù nó có mang tên “công nghệ” hay gì khác, có thể “đi tắt đón đầu”, thay đổi ngày một ngày hai một nền giáo dục từ lạc hậu sang hiện đại.
Hay nói kiểu ví von là, chưa xong lớp hai đã đòi đại học làm sao được.
Chuyện cái xe đạp
Vì tò mò với những phát biểu của Giáo sư Hồ Ngọc Đại về xe đạp hoàn toàn trái với trực giác của tôi (rằng sự phát triển xe đạp phải là một quá trình dài, và phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoại cảnh như đường xá và công nghệ phụ trợ) nên tôi đi tìm đọc về lịch sử xe đạp, và kết quả như sau:
Xe đạp 2 bánh thực ra không phải đến năm 1888 mới xuất hiện, mà là xuất hiện từ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.
Bộ Giáo dục cần làm rõ nghi vấn lách luật trong thí điểm sách Công nghệ giáo dục |
Năm 1888 là năm Dunlop sáng chế ra lốp cho xe đạp như ta dùng ngày nay, dựa trên phát minh từ năm 1844 của Goodyear về làm nóng cao su cho dẻo ra.
Nói đến công nghệ xe đạp, không thể bỏ qua bánh xe.
Theo nhiều tài liệu, bánh xe hình tròn có trục ở giữa đã có từ ít ra 3500 năm trước công nguyên.
Những người La Mã cổ đại đã biết dùng bánh xe để di chuyển các tảng đá lớn.
Công nghệ bánh xe dần thay đổi từ bánh xe bằng đá, bằng gỗ đặc, đến bánh xe bằng các vật liệu khác và “rỗng” nhẹ hơn trước, có vành rồi có lốp (lăn dễ hơn vì ít bị cọ sát mặt đường hơn), là một quá trình phát triển dài.
Một công nghệ quan trọng khác xuất hiện trong xe đạp và trong nhiều loại xe cộ máy móc khác là cái xích truyền lực (roller chains).
Xích bằng kim loại có từ trước công nguyên. Từ thế kỷ 17, họa sĩ và nhà sáng chế thiên tài Leonardo de Vinci có vẽ phác thảo các xích truyền lực, và đến năm 1880 thì xích xe đạp được một người tên là Renold sáng chế.
Những chiếc xe đạp đầu tiên thì không có xích (lấy chân đạp đất, hoặc có đạp vào bàn đạp nhưng bàn đạp gắn liền bánh xe).
Ngoài ra còn có thể kể đến rất nhiều yếu tố khác của chiếc xe đạp, được sáng chế vào các thời điểm khác nhau. Ví dụ như là bộ phận chuyển tốc độ, bộ phận trợ lực, v.v.
Cho đến ngày nay, cái xe đạp vẫn tiếp tục được cải tiến, hoàn thiện theo nhiều hướng khác nhau, và vẫn là một công cụ đi lại rất thuận tiện trong nhiều tình huống.
Một trong các cải tiến thú vị, nhưng rất tiếc là ít phổ biến, là loại xe đạp ngả lưng (tiếng Pháp: vélo couché). Loại xe này cho phép vừa đạp nhanh hơn, vừa có vị trí ngồi thoải mái hơn, là loại xe thông dụng.
Loại xe này khi đem ra đua xe đã thắng đứt đuôi loại xe đạp “bình thường”, nhưng các nhà sản xuất xe bình thường bèn lobby để cấm không dùng loại xe này trong các cuộc đua xe truyền thống, và điều đó làm cản trở sự phát triển loại xe này, khiến nó trở nên ít được dùng.
Ảnh: một chiếc xe đạp ngả lưng. |
Nếu như trước thế kỷ 19, người ta không dùng các loại xe “dễ đổ” như là xe đạp 2 bánh, thì không phải là do người ta không thể nghĩ đến, mà là do điều kiện công nghệ chưa cho phép.
Mà xe ngựa chạy nhanh hơn xe đạp nhiều, kể cả thời nay, nên tôi không thể đồng ý với quan điểm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại là: “xe đạp mới giải phóng tư duy con người, rồi sau mới có ô tô, máy bay đỡ sức”.
Khi điều kiện công nghệ cho phép, thì không những người ta nghĩ ra xe đạp 2 bánh, mà còn nghĩ ra cả xe một bánh, từ những năm 1860.
Nói đến xe đạp, cũng có thể nhắc đến các xe 3 bánh. Chiếc xe 3 bánh đầu tiên được một người Đức tên là Faffler sáng chế từ năm 1680, và do ông này bị liệt chân, nên thay vì đạp chân, xe của ông ta dùng quay tay (crank) và các răng cưa (gears).
Vào cuối thế kỷ 18, có loại xe đạp 3 bánh do hai nhà sáng chế của Pháp là Blanchard and Maguire nghĩ ra và trở nên thông dụng đến mức người ta đặt tên “bicycle” và “tricycle” vào thời đó để phân biệt xe 2 bánh với xe 3 bánh.
Xe 3 bánh hay 4 bánh không có gì là “lạc hậu” hơn xe 2 bánh về mặt tư duy: mỗi loại xe thích hợp với một loại hoàn cảnh môi trường và công nghệ khác nhau, và có các mặt yếu mặt mạnh khác nhau.
Sau khi người ta làm xe máy 2 bánh chán đi, thì mốt mới ngày nay lại là loại xe máy 3 bánh với khoảng cách giữa 2 bánh ở đầu khá hẹp.
Chiếc xe đạp cũng chỉ là một phần trong sự tiến bộ của loài người về giao thông vận tải nhằm “giải phóng con người” (nói theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại).
Còn phải kể đến các thứ khác, ví dụ như là tàu thủy: ở châu Âu trong những thế kỷ trước, người ta đào kênh làm đường cho tàu thủy đi, và đây là cách vận tải có chi phí năng lượng thấp nhất.
Một thứ “tương đối đơn giản” như là cái xe đạp mà còn là tổng hợp của một quá trình tiến bộ về công nghệ rất dài chứ không phải là kết quả của một bước “đại nhảy vọt” nào.
Một thứ phức tạp hơn nhiều lần như là hệ thống giáo dục, càng đòi hỏi một quá trình đi lên rất dài, với tổng hợp sự tiến bộ từ nhiều lĩnh vực khác nhau (công nghệ thông tin, thần kinh học, các khoa về xã hội, về tổ chức quản lý, v.v.), chứ không thể có phép màu của “pháp sư” nào khiến nó “nhảy cóc từ lớp 1 lên đại học” được.
Các luận điểm chính trong công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại (theo bài viết “Hủy bỏ “triết lý đọc-chép” bằng công nghệ giáo dục?”5 của Nguyễn Văn Vịnh): 1. Giáo viên thiết kế, học sinh thi công, thầy tổ chức trò hoạt động thay cho giáo viên giảng giải học sinh nhắc lại. Nguyên lý vận hành được tóm gọn trong công thức A → a. Thành phần A gồm ba dạng khoa học, nghệ thuật và niềm tin. Mũi tên là quy trình tổ chức để học sinh có thể tự chiếm lĩnh A và có được cái A riêng trong tinh thần của từng em. 2. Phương pháp giáo dục không phải là cách giảng dạy mà là phương pháp để trẻ em chiếm lĩnh thực tại, chiếm lĩnh đối tượng khoa học, đi lại con đường nhà bác học đã đi, đi lại con đường người nghệ sĩ đã đi, không buộc trẻ tiếp nhận chân lý có sẵn. Điểm cốt yếu của phương pháp tiếp cận vấn đề là tìm ra nguyên lý, chứ không nên hiểu theo nghĩa đen là tìm về cách mà các nhà khoa học ngày xưa đã thật sự đi qua để khám phá ra lời giải. 3. Nguyên lý của phát triển bài học là đi từ trừu tượng đến cụ thể, nâng nấc thang trừu tượng kế tiếp nhau để đi đến trình độ cụ thể ngày càng cao hơn. Từ phát triển hiện thực vật chất đến phát triển tư duy trong tâm lý và khái niệm. Rồi từ phát triển trong hợp tác với thầy giáo đến phát triển độc lập, từ trong giáo dục nhà trường đến ngoài khuôn khổ nhà trường. 4. Quá trình hình thành bài học là hành động phân tích tìm ra logic của khái niệm, hành động diễn đạt logic và phát hiện dưới các mô hình khác nhau và cuối cùng là hành động “chuyển vào trong”, tức là hiểu và có thể hành động. 5. Thiết kế là xác định mục đích (thí dụ đọc được chữ, làm được toán cộng với con số từ 1 tới 10), thao tác cần làm và phương tiện cần thiết để học sinh tự hành động chiếm lĩnh tri thức, và đánh giá kết quả học tập. 6. Giáo án là kế hoạch tổ chức cho học sinh làm, là bản thiết kế làm việc, rành rọt cái gì làm trước cái gì làm sau, thầy làm gì, trò làm gì, tức là phù hợp với từng học sinh. Giáo án không phải là cái thầy đọc cho học sinh chép. Sách giáo khoa chỉ là biên bản quá trình làm và kết quả làm việc giữa thầy và trò. |
Tài liệu tham khảo
[1]http://www.vietnamplus.vn/Home/Huy-bo-triet-ly-docchep-bang-cong-nghe-giao-duc/20099/17866.vnplus
[4]http://dayvahoc.blogspot.fr/2009/05/triet-hoc-va-lich-su-ho-ngoc-ai.html
[5]http://www.vietnamplus.vn/Home/Huy-bo-triet-ly-docchep-bang-cong-nghe-giao-duc/20099/17866.vnplus