LTS: Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015 đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Dù đề cập những vấn đề thời sự nhưng theo đánh giá của ThS. Hồ Tấn Nguyên Minh (Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên) phần Đọc – hiểu còn tồn tại nhiều hạn chế với 2 văn bản khá dài.
Tòa soạn gửi tới độc giả ý kiến này.
Dạng câu hỏi Đọc – hiểu bắt đầu được đưa vào đề thi Tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng môn Ngữ văn để thay thế cho dạng câu hỏi tái hiện kiến thức kể từ năm 2014.
Có thể nói đây là sự đổi mới tích cực trong cách ra đề Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Nếu dạng câu hỏi tái hiện kiến thức chỉ có thể kiểm tra xem học sinh có biết, hiểu, nắm được những kiến thức văn học đã được dạy trong chương trình hay không thì dạng câu hỏi đọc - hiểu có thể kiểm tra được năng lực đọc – hiểu một văn bản bất kì (có thể là văn bản hoàn toàn xa lạ với các em).
Trong đề thi Ngữ văn tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng khối C, D năm 2014, phần đọc – hiểu chiếm 2/10 số điểm của toàn bài thi với 1 văn bản và 3 câu hỏi nhỏ theo các mức độ khác nhau.
Xét về mức độ kiến thức và tương quan thời gian trong toàn bài thi thì cấu trúc phần đọc - hiểu như thế là hợp lí.
Năm 2015, Bộ GD & ĐT hợp nhất hai kì thi Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng thành một kì thi chung.
Từ chỗ có nhiều đề thi Ngữ văn (đề thi tốt nghiệp THPT; đề thi tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng khối C, D), năm nay chỉ có một đề thi duy nhất vừa lấy điểm để xét tốt nghiệp, vừa lấy điểm để xét vào Đại học, Cao đẳng.
Phần đọc – hiểu trong đề thi từ chỗ chiếm số điểm 2/10 nay được nâng lên 3/10. Nhưng thay vì 1 văn bản với 3 câu hỏi nhỏ như năm 2014, đề thi năm nay ra 2 văn bản khá dài với 8 câu hỏi nhỏ.
Qua phân tích đề thi, chúng tôi nhận thấy bên cạnh một số ưu điểm như những vấn đề đặt ra trong 2 văn bản khá thiết thực và có ý nghĩa như vấn đề biển đảo, bệnh vô cảm; sự phân hóa theo các mức độ nhận biết – thông hiểu – vận dụng được thể hiện khá rõ thì phần đọc - hiểu trong đề Ngữ văn năm nay đã bộc lộ không ít hạn chế.
Về cấu trúc, với hai văn bản khá dài và 8 câu hỏi học sinh sẽ mất khá nhiều thời gian để đọc và hiểu. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian để các em làm câu Nghị luận xã hội và câu Nghị luận văn học.
Đề thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ văn tạo nhiều luồng ý kiến trái chiều. Ảnh Xuân Trung |
Nhiều học sinh khá giỏi, có khả năng viết văn nhưng vì bị chi phối quá nhiều thời gian cho phần đọc hiểu dẫn đến không kịp thời gian để viết. Dễ dàng nhận thấy 2 văn bản và 8 câu hỏi cho phần đọc hiểu là quá ôm đồm, dài dòng.
Về nội dung, hai văn bản trên dù đặt ra những vấn đề có ý nghĩa nhưng chưa thực sự là những văn bản hay, tiêu biểu để dùng cho phần đọc hiểu của một đề thi Ngữ văn THPT quốc gia.
Đoạn thơ trong bài “Hát về một hòn đảo” của Trần Đăng Khoa không phải là đoạn thơ hay trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ này, càng không phải là đoạn thơ hay trong rất nhiều những tác phẩm hay về đề tài biển đảo.
Dùng đoạn thơ này để đưa vào đề thi cho có vẻ thời sự theo chúng tôi là một sự liên hệ khá gượng ép.
Còn văn bản thứ 2, một đoạn trích trong “Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa” là một văn bản có lỗi. Những lỗi này đã được hai tác giả Quang Ái – Quang Đại phân tích khá kĩ trong bài viết “Đề thi, đáp án môn Ngữ văn kì thi THPT Quốc gia: Thầy không làm được, bắt trò làm” đăng trên http://laodong.com.vn ngày 7/7/2015. Xin trích ra đây một đoạn trong bài báo đó.
Tác giả nhận định: “Hội chứng vô cảm… vốn là một mặt trong hai phương diện cấu trúc bản chất Con – Người của mỗi sinh thể người” (?!). Trong “hai phương diện cấu trúc bản chất Con – Người” thì “hội chứng vô cảm” thuộc về “phương diện” nào? “Nhân chi sơ tính bản thiện” (Con người lúc sinh ra bản tính lương thiện), chỉ có con người sống trong môi trường xã hội phi nhân, phi luân đến mức nào đó mới nhiễm “hội chứng vô cảm”.
Ngay cả loài vật, dù là động vật bậc thấp cũng không hề “vô cảm”. Câu kết đoạn văn tiếp tục phạm lỗi nặng về logic: “Bạo lực đã xuất hiện dữ dằn những tháng ngày gần đây báo hiệu nguồn gốc sâu xa ở sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn, về bệnh vô cảm”. “Sự xuống cấp nghiêm trọng… về bệnh vô cảm” thì là một điều phúc đức cho xã hội chứ làm sao lại khiến “bạo lực xuất hiện dữ dằn” được?!" (Quang Ái – Quang Đại, Báo đã dẫn).
Ngoài ra, theo chúng tôi trong 8 câu hỏi về 2 văn bản trên, mặc dù sự phân hóa ở các mức độ nhận biết – thông hiểu – vận dụng được thể hiện khá rõ nhưng có những câu hỏi quá dễ, dễ đến độ khó ai có thể hình dung được đây là câu hỏi dành cho đối tượng học sinh đã học xong lớp 12 THPT mà cứ ngỡ là câu hỏi dành cho học sinh THCS.
Ví như câu hỏi “Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?” hay “Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Những quần đảo long lanh như ngọc dát?”.
Làm gì khi đề văn ngày càng mở?(GDVN) - Đổi mới trong cách ra đề văn nghị luận gây gần đây liệu cách dạy và học truyền thống của môn Ngữ Văn THPT, THCS có còn phát huy được hiệu quả? |
Những câu hỏi kiểu như vậy sẽ làm đơn giản hóa đề Văn, dễ khiến học sinh ỷ lại và không chịu học.
Hơn nữa, việc sử dụng hai văn bản với 8 câu hỏi sẽ tạo cảm giác trùng lặp trong cách hỏi ở một số câu.
Chẳng hạn câu 4 yêu cầu trình bày tình cảm bản thân khoảng 5 -7 dòng, câu 8 lại yêu cầu trình bày suy nghĩ bản thân cũng từ 5 -7 dòng.
Từ những phân tích trên đây, chúng tôi thiết nghĩ đối với phần đọc - hiểu trong một đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia (một phần quan trọng chiếm 3/10 số điểm toàn bài) thì văn bản đưa ra phải được lựa chọn sao cho hay, cho tinh tế đồng thời phải phù hợp với trình độ học sinh và phù hợp với thời gian làm bài.
Câu hỏi được đưa ra cũng phải cân nhắc kĩ lưỡng sao cho vừa sức với học sinh lại, lại phải đúng tầm với một kì thi THPT Quốc gia.
Theo thiển ý của chúng tôi, với phần đọc - hiểu, chỉ cần lựa chọn một văn bản thật hay, sâu sắc, vừa tầm với học sinh sau đó ra chừng 3 - 4 câu hỏi thật tinh theo các mức độ từ thấp đến cao là đủ.
Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là ý kiến của cá nhân chúng tôi, chỉ xin nêu ra đây để mong mạn đàm với đồng nghiệp gần xa.