Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Hoa khôi trại giam đau đớn vì đã làm "ô uế" gia đình

26/08/2012 13:23
Theo Công Lý
Thương mẹ hẩm hiu phận vợ lẽ, Mạnh sớm đi làm nhưng vì muốn trả nợ giúp mẹ mà cô đã biến sự hiếu thảo của mình thành nỗi đau đè nặng trên vai mẹ.

"Cứ ngỡ giúp mẹ trả món nợ 20 triệu đồng ngân hàng, em sẽ làm mẹ vui với những vật dụng cả đời mẹ mơ ước, không ngờ lại làm mẹ đau đớn gấp bội. Càng nghĩ em càng xấu hổ bởi bao hy vọng mẹ dành cho em đều bị em làm cho tan nát", Nguyễn Thị Mạnh, sinh năm 1987, quê ở Bắc Ninh, “hoa khôi” trại giam Hoàng Tiến, tâm sự.

Mạnh đang thi hành bản án 12 năm tù về tội buôn người. Trái ngược với cái tên rất đàn ông của mình, Mạnh có dáng người dong dỏng cao và một nước da thật trắng trẻo. Không những thế cô còn sở hữu một khuôn mặt ưa nhìn, thanh thoát và một giọng nói nhẹ nhàng.

Mạnh bảo cô không đẹp bằng mẹ nhưng mẹ cô vì si tình, vì mê tiếng hát mượt mà, tình tứ của người đàn ông một vợ 4 con mà chấp nhận làm lẽ để rồi từ khi sinh ra cô, bà lại chấp nhận cuộc sống thiệt thòi cả về vật chất và tình cảm như cam chịu số phận. Cuộc sống chẳng có ngày vui kể cả lúc mang thai tới khi Mạnh chào đời nhưng bà không một lời than vãn, lặng lẽ sống trong tủi hờn để nuôi con khôn lớn. Mạnh bảo cô có bố nhưng chẳng bao giờ thấy ông tỏ ra yêu thương cô mà trong ký ức chỉ là những mắng nhiếc, roi vọt.
Nguyễn Thị Mạnh

Nguyễn Thị Mạnh

Năm Mạnh 18 tuổi, cô tình cờ bắt gặp cảnh bố đánh mẹ và biết được một bí mật rằng vì nuôi cô, mẹ đã phải vay mượn tiền. Số tiền không lớn nhưng cũng khiến người chồng vô trách nhiệm nổi giận, đánh vợ, đòi đuổi ra khỏi căn nhà ngang bé tẹo, nơi mà Mạnh đã sinh ra. Thương mẹ, Mạnh quên cả sợ hãi, chạy vào xin chịu đòn thay mẹ, xin cha bớt giận và hứa sẽ đi kiếm tiền về giúp mẹ trả nợ. “Bữa đó cả hai mẹ con được một trận đòn đau khiến em rất hận cha và quyết tâm bằng mọi giá kiếm tiền về trả nợ hộ mẹ”, Mạnh kể.

Bỏ nhà lên Hà Nội tìm việc, cuối cùng Mạnh dạt ra vùng biên giới Quảng Ninh, kiếm tiền bằng việc bán hàng thuê. Chắt bóp chi tiêu, tháng nào Mạnh cũng có tiền gửi về cho mẹ nhưng món nợ ngân hàng luôn thôi thúc, thường trực trong đầu cô gái trẻ. Được một phụ nữ rủ rê làm giàu, Mạnh lao theo, chỉ đến khi bị bắt, cô mới ngỡ ngàng khi nhận ra bây lâu là một kẻ buôn người mà không biết. Với chiến tích lừa bán 7 cô gái, Mạnh bị kết án 12 năm tù. Nhìn mẹ héo hắt, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, cô xót xa nhận ra rằng những đồng tiền tội lỗi mà cô kiếm được, mang về biếu mẹ, mua đồ dùng cho mẹ giờ đây chỉ khiến bà thêm đau đớn. Cô khóc vì ân hận, thương mẹ là nhiều chứ không hề cảm thấy sợ hãi khi biết sẽ phí hoài thời gian xuân sắc của mình trong tù.

“Em cải tạo đã được ba năm rồi nhưng chỉ có mẹ, tháng nào cũng một mình lặn lội lên thăm em”, Mạnh tâm sự. Người cha vốn đã ghẻ lạnh mẹ, con người vợ lẽ, giờ càng cay nghiệt hơn với mẹ Mạnh vì cho rằng cô con gái đã làm ô uế danh giá của gia đình, dòng họ. Mẹ không kể, không than trách nhưng nhìn mắt mẹ, nhìn thân thể ngày càng héo hon của mẹ, Mạnh biết trong lòng mẹ đang đau đớn lắm. Nỗi nhục nhã ê chề vì con gái đưa lại, thêm nỗi đau bị chồng, vợ cả chì chiết càng khiến bà già nhanh và tiều tụy nhưng lại một lần nữa vì con, vì núm ruột duy nhất để đời của mình mà bà gắng gượng sống để chờ ngày Mạnh trở về. Cô kể lần nào mẹ lên thăm nuôi, hai mẹ con đều ôm nhau khóc. Mẹ không nói nhiều, kể nhiều về chuyện ở nhà, chỉ hỏi cô có ăn ngủ được không, làm việc thế nào còn Mạnh chỉ biết thút thít khóc. Ân hận lắm nhưng cô bất lực vì chẳng giúp được gì cho mẹ lúc này, chỉ có nước mắt thay cho lời nói.

“Trại giam là nơi giúp con người ta chiêm nghiệm và sám hối nhưng cũng giúp cho những kẻ nông nổi như em trưởng thành lên rất nhiều”, Mạnh chia sẻ. Được ăn ở, tiếp xúc với những kẻ cùng cảnh ngộ, Mạnh nhận được nhiều lời khuyên bảo của những chị lớn tuổi nên tính khí cũng mềm hơn. Cô không chỉ biết chấp nhận số phận mà còn ngộ ra rất nhiều điều. Mạnh bảo cô không còn hận bố, không còn thấy ghen tỵ với những người con của bà cả mà chỉ thấy một quyết tâm hướng thiện. Không còn con đường nào nhanh nhất để trở về với mẹ bằng việc tích cực cải tạo lao động, chấp hành tốt nội quy, Mạnh tâm sự thế. Cô mong lắm dù chỉ một ngày được giảm án và đang nỗ lực lao động để sớm được trở về nhà. Mạnh bảo cô có nhiều dự định lắm, có thể sẽ đi làm thuê hoặc vay vốn mở quán bán hàng ăn hoặc học nghề cắt tóc để kiếm sống,…nghĩa là bất cứ việc gì ra tiền trừ phạm pháp. Mạnh bảo mẹ cô đau khổ như thế là quá đủ rồi và cô chính là người có trách nhiệm lau nước mắt cho mẹ.

“Em phải cố gắng để sớm trở về bên mẹ. Mẹ em yếu rồi, bà không còn sức để chờ lâu nữa và em sẽ chẳng còn cơ hội nếu lần nữa phạm sai lầm”, Mạnh quả quyết. Nhìn đôi mắt to tròn, nâu của cô, tôi hiểu cô đã quyết tâm lắm và để có được quyết tâm ấy hẳn cô đã nhiều đêm trằn trọc vì suy nghĩ. Mong sao Mạnh sớm đạt được mục tiêu của mình, trở về bên mẹ và thực hiện đúng như những gì đã hứa để người đàn bà một đời đau khổ như mẹ cô, mỉm cười hạnh phúc dù chỉ một lần.
Theo Công Lý