Nhà báo bị đốt: Không chỉ là vụ án tình?

27/03/2012 13:41
Theo Nhóm PV/Người Lao Động
Đã hơn một năm kể từ ngày nhà báo Lê Hoàng Hùng bị sát hại nhưng dư luận chưa hề lắng xuống.
Hàng ngàn độc giả, dù không quen biết nhà báo Hoàng Hùng, không có bất cứ quyền lợi nào liên quan, vẫn kiên trì đồng hành cùng Báo Người Lao Động đi tìm sự thật của vụ án thông qua những ý kiến phân tích xác đáng, chia sẻ chân tình.


Không đơn giản là vụ án tình

Ngay từ khi bà Trần Thúy Liễu ra đầu thú và mối quan hệ tình ái với ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên đội trưởng Đội QLTT số 5 Chi cục QLTT tỉnh Long An) bị phanh phui, dư luận đã đặt ngay câu hỏi: Trong vụ án này, liệu bà Liễu có đồng phạm? Về sau, dù qua 2 lần điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An vẫn khẳng định vụ án không có đồng phạm nhưng mọi nghi vấn vẫn không ngừng dồn về phía ông Tâm bởi trước và sau ngày nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, giữa ông Tâm và bà Liễu đã có hơn 750 cuộc điện thoại, tin nhắn; vài lần liên lạc bằng thư tay, nội dung có dấu hiệu thông cung. Như vậy, hoặc ông Tâm là đồng phạm hoặc ít nhất cũng biết được vụ việc nhưng cố tình che giấu tội phạm. Vấn đề đặt ra là, nếu ông Tâm có liên quan đến vụ án, động cơ giết người của bà Liễu là gì? “Chỉ là mối quan hệ bất chính với ông Tâm, bà Liễu đâu cần xuống tay sát hại chồng bởi hai người đã lén lút quan hệ với nhau từ lâu rồi” - bạn đọc Le Nguyen nhận định.

Ngoài ra, lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng bị CQĐT gạt bỏ, dù anh từng nhiều lần nhắc đến mối nghi ngờ bị trả thù khi đang tìm hiểu về “vụ ly hôn kỳ lạ” do ông Lê Văn Lắm (thẩm phán TAND tỉnh Long An) thụ lý, càng củng cố thêm mối nghi ngờ trong dư luận rằng bà Liễu chỉ là con tốt thí.

Nhà báo bị đốt: Không chỉ là vụ án tình?, Tin tức trong ngày, nha bao hoang hung bi dot, nha bao bi dot, vo nha bao hoang hung, Tran Thuy Lieu, vu an nha bao hoang hung bi dot, vo nha bao bi dot, phong vien, xu vu nha bao bi dot, trong an, an mang, tin tuc

Khi hay tin nhà báo Hoàng Hùng gặp nạn, nhiều người dân lặn lội từ Long An lên tòa soạn Báo Người Lao Động ở TPHCM góp tiền, sữa để gửi thăm anh.

Thất vọng với kết quả điều tra

Đó là cảm giác của tất cả bạn đọc khi theo dõi tiến trình điều tra vụ án của CQĐT tỉnh Long An. Về bản kết luận điều tra chỉ vỏn vẹn 3 trang giấy, bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng, bạn đọc Tiến Trình nhận xét: “Nội dung điều tra không có tính chuyên nghiệp, chỉ ngang với cái biên bản hiện trường”.

Cách làm việc của CQĐT tỉnh Long An cũng khiến nhiều bạn đọc khó hiểu, nhất là khi báo chí đã cung cấp thêm chứng cứ, đặt nhiều nghi vấn về những tình tiết liên quan nhưng cuối cùng vụ án cứ luẩn quẩn mãi với kết luận “không có đồng phạm”. “Thật không thể hiểu, hàng loạt bài viết về vụ án, hàng ngàn ý kiến phản hồi của bạn đọc trên Báo Người Lao Động Online, tất cả đều không đồng tình với kết luận điều tra vụ án. Thế nhưng, CQĐT tỉnh Long An, VKSND tỉnh Long An đều phớt lờ, họ không biết hay cố tình không biết?’’ - bạn đọc Trần Quang Phương bức xúc.

Trông chờ Bộ Công an

Chỉ tính riêng trên Báo Người Lao Động, từ khi vụ án xảy ra đến nay đã có hơn 120 tin, bài liên quan. Qua đó phân tích rõ CQĐT Long An đã bỏ sót nhiều chứng cứ quan trọng, có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội…

Bên cạnh đó, Báo Người Lao Động cũng đã có công văn gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TAND tỉnh Long An đề nghị có ý kiến chỉ đạo, điều tra lại vụ án một cách toàn diện, khách quan, tránh bỏ lọt tội phạm. Bà Nguyễn Thị Kim Nga, mẹ của nhà báo Hoàng Hùng, cũng có đơn đề nghị các cơ quan nói trên giao vụ án cho Bộ Công an điều tra, làm rõ. Nhưng tất cả đều không có hồi âm.

Tiếp đó, ngày 9/12/2011, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, ông Đỗ Danh Phương, tiếp tục ký công văn gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xem xét, chỉ đạo điều tra lại vụ án nhà báo Hoàng Hùng. Ngày 20/1, Báo Người Lao Động nhận được công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc chuyển văn bản của Báo Người Lao Động đến Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đã 65 ngày kể từ khi Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa hồi âm.

Không đưa lời sinh cung vào cáo trạng là thiếu sót

Trao đổi với phóng viên  Báo Người Lao Động ngày 26/3, ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, cho biết cơ quan này đã nhận được công văn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đã giao Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội (Vụ 1A) xử lý vụ việc. Một lãnh đạo của Vụ 1A cho biết cơ quan này đã chuyển công văn đến VKSND tỉnh Long An, yêu cầu báo cáo trực tiếp tới Văn phòng Phó Thủ tướng về vụ này.  Theo đó, VKSND tỉnh Long An cũng đã có báo cáo, trong đó nêu động cơ, mục đích đốt nhà báo Hoàng Hùng của bà Liễu là khá rõ, xuất phát từ việc nhà báo Hoàng Hùng ghen bà Liễu quan hệ với ông Tâm và mâu thuẫn về chuyện nợ nần.

Còn việc ông Tâm và bà Liễu nhiều lần điện thoại, nhắn tin cho nhau, theo báo cáo của VKSND tỉnh Long An, cơ quan điều tra đã làm rõ  và không có bằng chứng chứng minh ông Tâm thông đồng với bà Liễu để phạm tội. Còn lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng, Cơ quan CSĐT ghi âm tại bệnh viện không có giá trị lớn về mặt chứng cứ nên chưa được đưa vào cáo trạng. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Long An đã bổ sung. Đây là một thiếu sót của VKSND tỉnh Long An. “Những vấn đề đặt ra với VKSND tỉnh Long An chỉ là thiếu sót, rút kinh nghiệm chứ chưa phải là sai sót”- vị lãnh đạo Vụ 1A nhận định.

Cùng ngày, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cũng cho biết cơ quan này đã nhận được công văn từ Văn phòng Phó Thủ tướng chuyển sang và đã giao cho cơ quan chuyên môn xử lý.

Cũng trong ngày 26/3, trả lời câu hỏi Bộ Công an có động thái gì sau đơn kiến nghị của Báo Người Lao Động, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), nhận định: Việc điều tra cho đến thời điểm này đã hoàn tất. Cơ quan CSĐT có chỉ đạo điều tra hay không còn phụ thuộc vào diễn biến của phiên tòa, nếu tòa yêu cầu điều tra bổ sung hoặc hủy bản án yêu cầu điều tra lại từ đầu.

Nguyễn Quyết
Theo Nhóm PV/Người Lao Động