Tại sao lại thả "đinh tặc"?

22/11/2011 08:25
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO/Pháp luật TPHCM
“Đinh tặc”, không xử hình sự được?
LTS: Cả Công an quận Thủ Đức và Công an quận 9 đều cho rằng do chưa đủ nạn nhân đến trình báo, chưa xác định được thiệt hại vật chất đến mức như quy định nên chưa thể khởi tố các “đinh tặc” về tội cố ý làm hư hỏng tài sản.

Có thật sự pháp luật hiện hành của chúng ta yêu cầu khắt khe đến mức bó tay các cơ quan tiến hành tố tụng như thế không? Chúng tôi giới thiệu ý kiến bàn luận của luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn Luật sư TP. HCM.

Phạm Văn Hải tại Công an P.Linh Trung, Q.Thủ Đức - Ảnh: Anh Thoa/Tuổi trẻ
Phạm Văn Hải tại Công an P.Linh Trung, Q.Thủ Đức - Ảnh: Anh Thoa/Tuổi trẻ

Không nhất thiết phải có hậu quả vật chất

Trước tiên, phải khẳng định hành vi rải đinh nhằm làm thủng bánh xe, phá hư vỏ ruột xe của người đi đường để thủ lợi của các “đinh tặc” là hành vi trái pháp luật. Nó có thể và thực tế đã gây ra những thiệt hại cho người đi đường, cho xã hội.

Theo pháp luật hiện hành, hành vi ấy bị xử lý ở các cấp độ khác nhau tùy mức độ năng nhẹ của hành vi và những thiệt hại do hành vi ấy gây ra:

- Khoản 5b Điều 14 Nghị định 34/2010 quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi ném đinh, rải đinh trên đường bộ gây nguy hiểm trực tiếp đến người và phương tiện tham gia giao thông. Theo câu chữ, có thể hiểu quy định này được áp dụng cho trường hợp phát hiện người rải đinh “trực tiếp” làm phương tiện lưu thông trên đường bộ cán phải, dẫn đến hậu quả hư hỏng xe, người đi xe bị té, bị thương… Người vi phạm bị xử phạt khi có hậu quả xảy ra mà không cần xác định hậu quả với định lượng cụ thể.

- Khoản 2a Điều 18 Nghị định 73/2010 cũng quy định phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi làm hư hỏng tài sản của người khác. (Điều này có áp dụng đối với hành vi rải đinh trên đường hay không có thể còn có tranh cãi, bởi có người lập luận quy định này chỉ áp dụng cho người có hành vi làm hư hỏng tài sản của người khác, chứ không phải áp dụng cho hành vi rải đinh nhằm làm hư hỏng tài sản của người khác).

-Điều 143 BLHS quy định về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Theo điều luật, người nào cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này (…) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phân tích kỹ điều luật, trường hợp rải đinh gây ra thiệt hại vật chất cho người khác từ 2 triệu đồng trở lên thì việc xử lý hình sự xem như là điều đương nhiên, không có gì phải bàn.

Có thể hiểu, Công an quận Thủ Đức và Công an quận 9 cũng như cơ quan điều tra một số nơi khác trông mong, chờ đợi các trường hợp “đinh tặc” bị phát hiện, bắt giữ “đạt đến” mức thiệt hại vật chất theo định lượng này, thông qua việc tổng hợp các thiệt hại do nạn nhân trình báo để việc khởi tố không có kẽ hở nào, “không có gì phải bàn cãi”.

Thế nhưng hình như các cơ quan này quên mất một điều: Theo điều luật, vẫn có thể cấu thành tội cố ý làm hư hỏng tài sản nếu gây thiệt hại dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng. Mà hậu quả nghiêm trọng không chỉ là hậu quả vật chất với định lượng cụ thể.

Nghị quyết số 02 ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn về tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng cụ thể như sau: “Thực tiễn cho thấy có thể có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội… Trong các trường hợp này, phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không” (điểm 5.1 Mục I).

Như vậy, theo điều luật và hướng dẫn nêu trên, cơ quan điều tra khi xem xét khởi tố hay không khởi tố các “đinh tặc” không nhất thiết phải “cân đong đo đếm” các thiệt hại bằng tiền do hành vi rải đinh gây ra để xem có đến mức 2 triệu đồng hay không mà chỉ cần xét xem hành vi của các “đinh tặc” có “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” đến mức nghiêm trọng hay không.

Tôi tin nếu theo hướng đó, không ít “đinh tặc” thay vì được tha bổng sẽ phải ra tòa, lãnh hình phạt, mức án thích đáng.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO/Pháp luật TPHCM