Vụ buôn lậu 336kg vàng xuyên QG: rủ nhau “bệnh” để về nhà

23/08/2011 15:33
Theo ÂN THIÊN CƯƠNG/Công an TPHCM
Hai kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu hàng trăm kg xuyên biên giới rủ nhau “bệnh” để được về nhà... ăn Tết    

Hai kẻ cầm đầu rủ nhau “bệnh” để được về nhà... ăn Tết    

Vụ buôn lậu 336kg vàng xuyên QG: rủ nhau “bệnh” để về nhà ảnh 1

Các bị can thừa nhận đã buôn lậu 336kg vàng, gây thất thu thuế cho Nhà nước hơn 21,4 tỷ đồng. Tiếp nhận kết luận điều tra, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, Phó viện trưởng VKS tỉnh Tiền Giang Trần Văn Anh ký cáo trạng truy tố bảy bị can về tội “buôn lậu” theo khoản 4 điều 153 BLHS với hành vi đặc biệt nghiêm trọng. Thật bất ngờ, cũng chính Phó viện trưởng Anh lại xét thấy “không cần thiết phải tiếp tục tạm giam” đối với hai đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu nên “duyệt” cho gia đình bảo lãnh về nhà. Nhiều cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh Tiền Giang (gồm cả VKS) đã phản ứng gay gắt...

“CỰU” BUÔN LẬU BẢO LÃNH CHO “TRÙM” BUÔN LẬU!

 “Tôi và một số người dân ở phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang biết rõ Nguyễn Ngọc Luân và Nguyễn Thị Tuyết Vân có “thâm niên” về buôn lậu vàng và đôla Mỹ. Trước đây, hai tên này từng bị bắt do buôn lậu nhưng chỉ ở tù một thời gian ngắn rồi trở về địa phương tiếp tục lao vào con đường làm ăn phi pháp. “Đi đêm có ngày gặp ma”, Luân và Vân một lần nữa sa lưới pháp luật. Với tội buôn lậu 336kg vàng cùng hơn 16 triệu USD như Báo CATP đã phản ánh, Luân và Vân chắc sẽ không gặp may mắn như lần trước...

Thật bất ngờ, một ngày giữa tháng 7-2011, tôi tình cờ nhìn thấy Vân nói cười vui vẻ với bạn bè trước nhà. Qua tìm hiểu, tôi biết Vân được thả đúng vào ngày 30 âm lịch, về tới nhà kịp đón giao thừa, ăn Tết Tân Mão cùng gia đình rồi thoải mái sống ở nhà cho đến nay. Trong thời gian được về nhà, Luân và Vân tiếp tục điều hành đường dây buôn lậu vàng, đôla xuyên biên giới khiến người dân ở địa phương rất bức xúc. Đề nghị Báo CATP tiếp tục điều tra làm rõ vì sao Luân và Vân phạm tội tày đình nhưng lại được thả ra, sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?...”.

Trên đây là một phần nội dung đơn tố giác đề ngày 16-7-2011 của ông T. (ngụ phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) sau khi đọc loạt bài “Vụ án buôn lậu 336kg vàng xuyên biên giới” đăng trên Báo CATP đầu tháng 7-2011.

Ngoài ông T., Báo CATP còn nhận được nhiều thông tin phản hồi từ bạn đọc, trong đó đáng chú ý nhất là đơn trình bày bức xúc của một số cán bộ ngành kiểm sát tỉnh Tiền Giang. Xin trích một đoạn: “Báo CATP đã phản ánh chính xác, đầy đủ về bản chất, quy mô, thủ đoạn của vụ án buôn lậu vàng. Nguyễn Ngọc Luân và Nguyễn Thị Tuyết Vân bị truy tố tội “buôn lậu” theo khoản 4 điều 153 BLHS, vai trò cầm đầu. Ngoài ra, Luân - Vân còn sử dụng trái phép hàng triệu USD để mua bán vàng lậu. Hai bị can này phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên không có căn cứ pháp luật để xét cho bảo lãnh tại ngoại ngay ngày 30 Tết. Là những người làm trong cơ quan bảo vệ pháp luật lâu năm, chúng tôi thật sự bị sốc...”.

Kèm theo đơn bức xúc là một số tài liệu minh chứng, trong đó có bốn quyết định (QĐ) đều do Phó viện trưởng VKS tỉnh Tiền Giang Trần Văn Anh ký. Cụ thể:

Ngày 31-1-2011 (tức 28 Tết Tân Mão), Phó viện trưởng Trần Văn Anh ký QĐ số 05/KSĐT “thay đổi biện pháp ngăn chặn” đối với bị can Nguyễn Ngọc Luân (SN 1958, ngụ 50 Bạch Đằng, phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang). Phó viện trưởng Anh “xét thấy” bị can Luân có nơi cư trú rõ ràng, hiện đang “bị bệnh” và gia đình đã có đơn xin bảo lãnh, nên “không cần thiết phải tiếp tục tạm giam”.

Căn cứ điều 36, 92, 112 và 120 Bộ luật Tố tụng hình sự, Phó viện trưởng Anh cho “thay thế biện pháp tạm giam” đối với bị can Luân. Ngay tức thì, ông Anh ký QĐ cũng ghi số 05/KSĐT ngày 31-1-2011 cho bà Nguyễn Thị Điệp và Trương Thị Kiện “được bảo lãnh” đối với bị can Luân. Một điểm rất đáng lưu ý: bà Điệp từng bị Công an tỉnh An Giang bắt giam về tội “buôn lậu” cùng với chồng là bị can Luân, được thể hiện rõ trong kết luận điều tra vụ án.

Tương tự, ngày 2-2-2011 (tức 30 Tết Tân Mão) Phó viện trưởng Anh ký liền hai QĐ cùng số 06/KSĐT “thay đổi biện pháp ngăn chặn” và “cho bảo lãnh” đối với bị can Nguyễn Thị Tuyết Vân (SN 1966 ngụ số 25B phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) với phần “xét thấy” và căn cứ các điều luật giống hệt như QĐ số 05/KSĐT.

PHẢI CÓ TRẢ LỜI THỎA ĐÁNG...
Liên quan đến vụ án buôn lậu vàng gây chấn động dư luận cả nước, Báo CATP đã có nhiều loạt bài phản ánh chỉ rõ hành vi của Nguyễn Ngọc Luân và Nguyễn Thị Tuyết Vân là hai đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Kết luận điều tra và cáo trạng xác định rõ:

Luân và Vân cùng một số người thân trong đó có bà Nguyễn Thị Điệp từng bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố bắt tạm giam về tội “buôn lậu” 5kg vàng vào năm 1998. Không có ý thức phục thiện, Luân và Vân lại lao vào con đường cũ, cầm đầu đường dây buôn lậu vàng xuyên biên giới. Ngày 4-2-2010, Luân mang 62kg vàng, Vân mang 30kg đưa cho ba đàn em Lê Văn Don, Hồng Đức Sanh và Nguyễn Văn Lợi vận chuyển từ Châu Đốc lên TPHCM giao cho hai đầu mối tiêu thụ là Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến (đều ngụ P14Q5). Trên đường đi thì bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang.

Để chứng tỏ “uy lực” và “bản lĩnh” của “cao thủ” buôn lậu vàng, ngay trong ngày 4-2-2010, Luân và Vân đã điện thoại sang Campuchia cho Tăng Ly Sun đặt mua 72kg vàng (Luân đặt 52kg, Vân đặt 20kg) cộng với 10kg Luân trữ sẵn, để giao cho Nguyên và Phến vào ngày 5 và 6-2-2010 theo đơn đặt hàng. Như vậy, vừa bị bắt giữ 92kg vàng, Vân và Luân tổ chức buôn lậu ngay 82kg, trị giá 2,87 triệu USD.

Tại cơ quan điều tra, Luân và Vân khai nhận từ cuối năm 2009 đến ngày bị bắt đã hàng chục lần tổ chức buôn lậu 336kg vàng (Luân 210 kg, Vân 126kg), trong đó đã tiêu thụ trót lọt 244kg (Luân 148kg, Vân 96kg) gây thất thu thuế cho Nhà nước hơn 21,48 tỷ đồng. Nếu tính luôn 129kg vàng Luân và Vân khai đã mua bán trót lọt (nhưng các tiệm vàng không thừa nhận), thì số vàng buôn lậu lên đến 465kg, trị giá hơn 16,2 triệu USD.

Kết luận điều tra khẳng định: Đây là vụ án “buôn lậu” do bị can Luân và Vân tổ chức cùng các đồng phạm thực hiện mua bán vàng trái phép qua biên giới với phương thức thủ đoạn tinh vi, cấu kết chặt chẽ, hoạt động trong một thời gian dài, có hệ thống bất chấp pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm các quy định pháp luật về xuất nhập khẩu hàng hóa, tiền tệ, ảnh hưởng đến việc quản lý nền kinh tế vĩ mô của đất nước...

Với những hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của Luân và Vân (có thể bị xử mức án cao nhất là chung thân), Phó viện trưởng VKS tỉnh Tiền Giang Trần Văn Anh căn cứ vào các quy định pháp luật nào khi ký quyết định “thay thế biện pháp ngăn chặn” và “cho bảo lãnh” tại ngoại? Chưa hết, bà Nguyễn Thị Điệp có đủ “tư cách, phẩm chất tốt và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật” để đứng ra bảo lãnh theo điều 92 Bộ luật Tố tụng hình sự?

Báo CATP đã nhiều lần liên hệ, kể cả đặt câu hỏi trực tiếp với đại diện VKS tỉnh Tiền Giang vào ngày 10-8-2011, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi...
    
  
     

Theo ÂN THIÊN CƯƠNG/Công an TPHCM