Ngôi trường trong mơ của trẻ quê nghèo
Trường Tuổi Thơ Thanh Chương nằm khép mình trong một con ngõ nhỏ yên bình của Thị trấn Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trước đây, đất này là thuộc quyền quản lý của Trung tâm Kỹ thuật – Hướng nghiệp dạy nghề Thanh Chương (Khối 3, thị trấn Thanh Chương) và đã bị hoang hóa nhiều năm.
Vết tích còn lại của Trung tâm Kỹ thuật - Hướng nghiệp dạy nghề huyện Thanh Chương là ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, xập xệ đang chờ bàn tay con người đến cải tạo.
Có lẽ, chẳng mấy người nhắc đến Trường Mầm non Tuổi Thơ Thanh Chương nếu như không có sự kiện cách đây gần 4 tháng, khi các cô giáo ở đây quỳ lạy trong tuyệt vọng xin Chủ tịch thị trấn xin Thanh Chương đừng đóng cửa trường.
Từ cái ngày khủng khiếp ấy đến nay, Trường mầm non Tuổi Thơ vắng bặt tiếng trẻ cười. Những cô giáo quỳ lạy xin giữ trường thì vẫn luôn ngóng chờ đặc ân từ cấp chính quyền để trường hoạt động trở lại.
Việc đóng của trường Tuổi Thơ Thanh Chương đã khiến các cô rất buồn (ảnh Trinh Phúc). |
Qua tìm hiểu, ngôi trường được xây dựng từ ý định tốt đẹp của lãnh đạo huyện Thanh Chương và nhà đầu tư giáo dục - ông Đặng Minh Chưởng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Giáo dục Minh Sang (ông Chưởng nguyên là trưởng cơ sở Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tại Nghệ An, là chủ cơ sở Trường Mầm non Tuổi Thơ Vinh).
Sự bắt tay giữa nhà đầu tư giáo dục chuyên nghiệp và chính quyền của một huyện miền núi khó khăn vào loại bậc nhất của tỉnh Nghệ An là tín hiệu vui cho vùng quê hiếu học nhưng nghèo khó.
Có thực sự hiểu Thanh Chương, hiểu về cái vùng đất khó khăn vốn được mệnh danh là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này thì mới thấy được sự dũng cảm của nhà đầu tư khi bỏ tiền xây dựng trường học tư thục.
Trời không phụ lòng người, sau bao kỳ vọng, công sức, ngôi Trường mầm non Tuổi Thơ mọc lên vô cùng khang trang.
Phải khẳng định, chẳng có gì to tát nếu như ngôi trường này ở Thủ đô Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh… nhưng ngôi trường này quý giá vì được xây dựng ở Thị trấn Thanh Chương nhỏ bé - vùng đất gần như chưa thức tỉnh mặc dù đất nước đã đổi mới mấy chục năm trời.
Cô Lê Thị Linh vẫn đến trường làm đồ dùng học tập, chuẩn bị giáo cụ để sẵn sàng đón các em trở lại khi được phép (ảnh Trinh Phúc). |
Chia sẻ với phóng viên, cô giáo mầm non Lê Thị Linh nói với ánh mắt đầy tự hào: “Trường Tuổi Thơ Thanh Chương là ngôi trường tư thục đầu tiên của huyện Thanh Chương. Điều kiện cơ sở vật chất rất tốt. Có máy lạnh điều hòa, hệ thống camera quan sát.
Ở huyện Thanh Chương đây là cơ sở giáo dục đầu tiên phụ huynh được quan sát con học qua camera”.
Có thể hiểu và chia sẻ niềm tự hào với cô Linh, bởi khi thế giới văn minh bước vào thời đại 4.0 thì cái vùng đất Thanh Chương vẫn chìm trong lạc hậu.
Đóng cửa trường học vì thủ tục hành chính là không đúng! |
Khao khát được ngắm nhìn con mình học tập hàng ngày qua camera dù rất phổ biến ở thành phố nhưng lại trở nên xa xỉ với tất cả phụ huynh vùng đất này.
Nếu không có sự đầu tư của ông Đặng Minh Chưởng, có lẽ cái nhu cầu giản dị ấy chẳng biết đến ngày nào thành hiện thực.
Những tưởng sự góp mặt và thành công của trường mầm non Tuổi Thơ Thanh Chương sẽ mang đến một luồng gió mát lành cho giáo dục nơi đây.
Ấy vậy mà khi nhà đầu tư đã bỏ tiền, bỏ công sức, chạy vạy giấy tờ đủ đường thì cho đến lúc này vẫn không thể hoàn thành các thủ tục pháp lý (theo yêu cầu của cơ quan nhà nước) nên buộc phải đóng cửa trường.
Ngôi trường trong mơ của trẻ em Thanh Chương nay vắng lặng tiếng cười của học sinh, hàng ngày các cô đến trường để chăm sóc vườn hoa, cây cảnh (ảnh Trinh Phúc). |
Thế là bấy lâu nay, ngôi trường lại vắng tiếng cười trẻ thơ khiến cho bất cứ ai nhìn thấy cảnh tượng ấy cũng không khỏi xót xa. Trẻ con chỉ muốn được đến trường vui đùa cùng chúng bạn, chúng đâu hay biết "thủ tục pháp lý" là cái gì, nhưng chẳng biết đến bao giờ người lớn mới mang đến cho chúng niềm vui ấy.
Vẫn mãi một niềm tin mãnh liệt
Từ ngày buộc phải "đóng cửa", các cô giáo ở Trường Tuổi Thơ vẫn thường xuyên đến trường. Họ tranh thủ thời gian bồi dưỡng tiếng Anh, bồi dưỡng kiến thức ngành nghề.
Rồi các cô cùng nhau làm đồ dùng dạy học, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh để trường luôn được đẹp, sẵn sàng đón các cháu trở lại trường.
Chia sẻ với phóng viên, cô Linh nói: “Chúng em vẫn luôn tin và hy vọng. Bởi thời gian gần đây, xã hội có nhiều cải cách và tạo điều kiện ưu tiên cho giáo dục phát triển. Với nền tảng đó thì nhà trường sẽ được hoạt động trở lại”.
Cô giáo Trần Thị Thùy Dung luôn tin sẽ có ngày ngôi trường Tuổi thơ Thanh Chương được mở cửa trở lại (ảnh Trinh Phúc). |
Trước câu hỏi nếu nhà trường đóng cửa vĩnh viễn các cô có ý kiến gì không? Cô Trần Thị Thùy Dung bày tỏ tâm tư: “Từ khi đóng của trường đến nay, chúng em luôn nghĩ trường sẽ hoạt động trở lại.
Ngôi trường đã mọc lên rồi giờ đóng cửa chỉ vì thủ tục pháp lý thì quá phí và hơn nữa việc đóng cửa một ngôi trường đẹp như vậy là không nên”.
Ngồi bên cạnh với tâm trạng lo lắng, cô Nguyễn Hoa bộc bạch rằng: “Nếu trường đóng cửa thì bọn em thất nghiệp, bản thân bọn em trở thành gánh nặng cho gia đình”.
Đối xử với nhà đầu tư giáo dục như vậy, Nghệ An muốn nhận lấy điều gì? |
Qua trò chuyện với các cô có thể thấy, khoảng thời gian đóng cửa trường gần 4 tháng qua đối với họ là dài đằng đẵng.
Từ khi quỳ gối cầu xin bất thành, các cô đã gửi tâm thư thể hiện tâm huyết, nguyện vọng của tập thể nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.
“Chúng em rất hy vọng vào sự kiến tạo của Chính phủ. Chỉ biết hy vọng vào sự sáng suốt, vì tương lai của trẻ thơ, ưu tiên xã hội hóa, ưu tiên miền núi vùng sâu vùng xa, ưu tiên những người ở quê tìm việc làm khó, trẻ em ở quê không tìm được trường tư như ở thành phố mà cho phép Trường Mầm non Tuổi Thơ hoạt động trở lại” – cô Dung bày tỏ.
Trường Mần non Tuổi Thơ luôn trong tư thế sẵn sàng đón các em học sinh trờ lại. (ảnh Trinh Phúc). |
Cũng chung niềm tin như vậy, cô Lê Thị Trang cho rằng: “Chúng em luôn hy vọng vào Chính phủ tạo điều kiện cho các cô giáo yêu trường, yêu trẻ. Thương cho chủ trường với bao nhiêu công sức, tâm huyết dồn vào trường để có một ngôi trường chiếm trọn niềm tin của phụ huynh.
Một ngôi trường tốt, có lợi cho dân sao đóng cửa. Gần 4 tháng trôi qua, chúng em đếm từng ngày. Khóc thì chúng em đã khóc nhiều rồi. Có những lúc chúng em buồn không nói được nên lời, nhất là những ngày khai giảng. Thấy trường vắng lạnh mọi người nhìn nhau mà buồn tê tái”.