Ngày 17/3/2023, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn công bố Quyết định chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời trao các Quyết định công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ niềm vui, chúc mừng với Đại học Bách khoa Hà Nội bởi rất nhiều lý do.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: "Trước hết chúng ta cùng vui mừng vì sự phát triển của trường, chuyển đổi mô hình và cơ cấu tổ chức từ trường thành đại học để tiếp tục phát triển, để có điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển, có điều kiện để phát triển tổ chức bên trong, để quản trị tốt hơn theo thông lệ thế giới.
Điều quan trọng đây là dấu ấn của sự phát triển, khi mà khuôn, vỏ, áo cũ đã trở nên chật hẹp, cần phải lột xác để phát triển. Một chữ “trường” và một chứ “đại học”, tuy chỉ là ngôn từ nhưng có sự khác biệt rất lớn và thể hiện một sự lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với quy định của pháp luật. Cho nên sự chúc mừng này không chỉ dành cho 1 cái tên mà trước hết chúng ta cùng mừng cho sự phát triển của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nay là Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chúng ta mừng vì những kết qủa của Đại học trong suốt hơn 66 năm qua trong quá trình xây dựng và phát triển. Chúng ta cùng mừng vì thấy cơ ngơi, thấy trang thiết bị hiện đại, thấy kết quả nghiên cứu không ngừng gia tăng và ngày càng hội nhập quốc tế. Đặc biệt là các kết quả phát minh sáng chế, các giải pháp khoa học công nghệ và chuyển giao ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng.
Chúng ta mừng vì các chỉ số xếp hạng của toàn thể cơ sở giáo dục. Chúng ta mừng vì cảm nhận được những khí thế và khát vọng phát triển mà việc chuyển từ trường thành đại học với lễ ra mắt hôm nay là một biểu hiện sinh động. Đây cũng là trường đầu tiên được Thủ tướng ký quyết định chuyển tên gọi từ trường thành Đại học, cũng thể hiện tính tiên phong của chúng ta.
Chúng ta mừng vì buổi lễ hôm nay chứng kiến việc trao quyết định công nhận Hội đồng mới, Ban Giám đốc mới và một số các vị trí lãnh đạo. Xin được chúc mừng tân Hội đồng và tân Ban Giám đốc".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ niềm vui, chúc mừng với Đại học Bách khoa Hà Nội |
Bộ trưởng gửi lời chúc mừng Giáo sư Lê Anh Tuấn - tân Chủ tịch Hội đồng trường và các thành viên trong Hội đồng và chúc mừng Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng - tân Giám đốc của Đại học Bách khoa Hà Nội và các thành viên trong Ban Giám đốc. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chúc mừng tập thể lãnh đạo cũng như các cá nhân đã được giao phó trách nhiệm để dẫn dắt Đại học Bách khoa Hà Nội trong một chặng đường mới phía trước.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, hôm nay công bố các quyết định chuyển Hội đồng và chuyển Ban Giám đốc tuy nhiên còn rất nhiều việc phải làm phía trước. Hội đồng cũng còn cần phải có bước kiện toàn trong thời gian sắp tới.
"Sự công nhận hôm nay là một bước có tính chất tạm thời khi chuyển đổi để mọi việc hoạt động của Đại học được diễn ra bình thường. Riêng với Hội đồng còn một bước cần làm theo Luật số 34 và Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng để gia tăng vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Hội đồng. Hội đồng của một trường và Hội đồng một đại học nhiều cấp là khác nhau.
Cần có sự điều chỉnh để có sự tham dự và đại diện của các đơn vị thành viên, các trường và các đơn vị cấp dưới. Việc đó cần có thời gian để chúng ta kiện toàn trong thời gian tới nhưng không ảnh hưởng đến các công việc điều hành bình thường của nhà trường. Mong trường tiếp tục lưu ý việc này", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ.
Cũng theo Bộ trưởng, Đại học Bách khoa Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện cơ cấu đại học nhiều cấp với cấu trúc chặt chẽ của quản trị hiện đại. Cần hoàn thiện chiến lược và định hướng phát triển lâu dài, hoàn thiện lại quy chế tổ chức và hoạt động… Mô hình đại học là mô hình thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành.
Với một hệ thống lớn và phức tạp, số lượng cán bộ, sinh viên đông và đa dạng, mô hình này vừa bảo đảm sự tự chủ và điều hành thống nhất của bộ máy chỉ huy chung của đại học, vừa tạo điều kiện cho các thành tố cấp thấp nhất có được quyền tự chủ tương đối về học thuận, tạo nên sự năng động chung cho toàn hệ thống.
Mô hình này có nhiều ưu thế, nó phù hợp với một trình độ quản lý cao, nguồn lực dồi dào, dày đặc các hoạt động học thuật và tiếng nói chuyên môn có uy quyền và vai trò của các giáo sư được phát huy cao độ, đặc biệt là các cấp điều hành chuyên môn.
Các quyền hành chính tập trung ở cấp đại học, còn quyền và tiếng nói chuyên môn là cơ chế vận hành của các đơn vị cấp dưới. Nếu vận hành không tốt, nguy cơ phức tạp và chia cắt, thiếu thống nhất từ bên trong rất có thể diễn ra, hoặc làm phát sinh thêm sự cồng kềnh của bộ máy hành chính. Cho nên, các trường thuộc dễ có nhu cầu tự chủ cao hơn, mong muốn tự chủ cao hơn và hoạt động độc lập bên trong. Điều này cũng sẽ rất dễ làm thay đổi mục tiêu ban đầu của sự chuyển đổi mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay.
Thay đổi một cái tên cũng không phải nhanh và dễ, thực tế đã mất vài năm. Nhưng thay đổi một mô hình, một định hướng, từ sự lựa chọn đến sự vận hành đầy đủ và hiệu quả là cả một khoảng cách. Đại học Bách khoa Hà Nội cần xác định chặng đường đổi mới của mình, chặng đường đổi mới toàn bộ thực thể của đại học mới chỉ là đang bắt đầu. Một đại học vận hành theo mô hình mới, với mô hình quản trị tiên tiến, đại học số, sự chuyển đổi đó cần phải được tiến hành cùng lúc và đồng bộ, cần phải thấy hết các thách thức còn đang chờ phía trước. Sự chuyển đổi mô hình từ trường đại học thành đại học không phải và tránh là một xu hướng “hữu đại” mà phải xem đây là công cụ để giải phóng cho sức sáng tạo từ bên trong, giải pháp cho các năng lực sáng tạo bằng một cơ chế mới. Nếu không phải vậy sự thay đổi sẽ rất ít ý nghĩa.
Cần xem sự chuyển đổi mô hình này là con đường tốt hơn để hiện thực hóa các khát vọng phát triển của đại học. Đại học cần xác định về mặt tư tưởng, quan điểm cho cán bộ, nhân viên, toàn thể người lao động, học sinh, sinh viên; cần trả lời cho đúng và đầy đủ câu hỏi: Chúng ta chuyển trường đại học thành đại học để làm gì? Và tại sao cần phải làm như vậy?
"Đại học Bách khoa Hà Nội đã, đang và sẽ là, phải là một cơ sở giáo dục, một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ số 1 của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật. Đất nước mong muốn phát triển, ngành giáo dục đào tạo là một đột phá chiến lược để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước, thì các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hết sức quan trọng. Đất nước không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nếu thiếu công nghệ, kỹ thuật mũi nhọn.
Đại học Bách khoa Hà Nội đứng trước cơ hội và định hướng mở rộng đa ngành, nhưng cần xác định trụ cột, chỗ đứng phải là công nghệ và kỹ thuật và kỹ thuật cao. Trường không chỉ phát triển cho mình mà còn cho quốc gia nói chung và thực hiện vai trò đầu tàu dẫn dắt cho cả khối các trường đại học, cao đẳng thuộc khối công nghệ, kỹ thuật. Rà soát cơ cấu ngành nghề là phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp mới, bối cảnh công nghệ thay đổi từng ngày để dẫn dắt hệ thống.
Điều này, Đại học Bách khoa Hà Nội cần phải tuyên bố rõ trong sứ mệnh, trong chức năng nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giám sát việc tuân thủ sứ mệnh được tuyên bố và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ đã lựa chọn, đã được công nhận. Đây là việc cần thiết của việc quản lý các trường đại học và các đại học thời tự chủ cao", Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định việc ưu tiên đặt biệt cho việc phát triển khối ngành công nghệ và kỹ thuật, ưu tiên đầu tư về điều kiện hạ tầng cho khối ngành này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Không phải vì tới trường nào tôi cũng sẽ nói trường đó là quan trọng, mà bởi vì với tính chất thực tế khối công nghệ kỹ thuật của Đại học Bách khoa Hà Nội khiến chúng ta phải khẳng định một cách mạnh mẽ về sự ưu tiên này
Tầm quan trọng của khối ngành khiến chúng ta cần phải có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, toàn diện cho hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị để đại học có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình. Tự chủ nhưng vẫn cần thiết và cần phải được tiếp tục đầu tư lớn.
Đại học Bách khoa Hà Nội cần phải đi đầu trong việc thực hiện tự chủ. Đại học tự chủ đầy đủ, tự chủ có chiều sâu, tự chủ trong một giai đoạn mới, vừa theo thông lệ của thế giới, vừa phù hợp với đặc điểm chính trị, xã hội, kinh tế, con người, văn hóa của Việt Nam".
Cuối cùng, Bộ trưởng cho rằng, việc chuyển trường thành đại học cũng nằm trong hệ thống các hoạt động thực hiện về tự chủ đại học, nhưng tới một ngày nào đó nó như một việc đương nhiên trong tổ chức và quản trị đại học. Tự chủ là một thuộc tính của đại học. Muốn sản sinh ra tri thức mới, phát triển đội ngũ trí thức, đào tạo bậc cao môi trường hoạt động của nó phải là môi trường tự chủ, tự do cho sáng tạo với tất cả ý nghĩa đầy đủ nhất.