Đó là quan điểm của ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng nêu ra tại buổi làm việc với đoàn công tác liên ngành của Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 9/8.
Đoàn do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đã khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng kóa XI về: “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”.
“Căn bệnh thành tích trong giáo dục là căn bệnh kinh niên”
Đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện nghị quyết 29, ông Dũng cho rằng, đây thực sự là nghị quyết quan trọng của ngành giáo dục. Nó đổi mới về quan điểm, phương pháp, đào tạo...
Tuy nhiên, có những chính sách giáo dục thực hiện còn nửa vời, chưa đến đâu.
Đời sống của giáo viên, giảng viên còn nhiều khó khăn, cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Ảnh: TT |
Điển hình như chính sách lương của giáo viên xếp hạng là cao nhất trong các loại lương bổng.
Nhưng nó ở đâu (trên văn bản), còn thực tế vẫn xa vời. Đó là chúng ta đặt ra như thế nhưng chưa thực hiện được. Nên sắp tới, phải khắc phục những cái chưa làm được.
Ông Dũng nói tiếp, cái bệnh kinh niên là bệnh thành tích trong giáo dục hiện vẫn chưa sửa được.
“Chúng ta nên nói thật với nhau, đừng né tránh làm gì. Vẫn còn đâu đó những ông Hiệu trưởng yêu cầu giáo viên nâng điểm cho học sinh, còn những cái không công bằng trong giáo dục...
Đâu đó vẫn còn nhiều hạt sạn. Nếu giáo viên không trở thành tấm gương sáng thì không thể giáo dục được các em”.
7 kiến nghị về kỳ thi quốc gia của giáo dục Đà Nẵng |
Theo ông Dũng, chúng ta nói nhiều đến chuyện giảm tải cho học sinh. Nhưng sao bắt học sinh học nhiều thế còn kỹ năng sống thì rất yếu, cứ bắt các em phải học miết.
Ông Dũng cũng dẫn ra thực tế, giờ xuống trường học chẳng có thiết bị thí nghiệm, thế thực hành nó học chỗ nào?
Trong khi cứ hô hào nói hạn chế lý thuyết mà tăng giờ thực hành... Chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận để làm sao cho tốt hơn.
Thứ trưởng Phúc cũng thừa nhận hiện mức lương của giáo viên, giảng viên còn thấp, đời sống khó khăn.
Đặc biệt, với giám viên mầm non, dù công việc vất vả nhưng mức lương cũng chỉ tầm 3-4 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt.
“Giáo viên mầm non công lập thu nhập thấp nhưng công việc lại nhiều áp lực. Với mức lương như vậy thì làm sao họ có thể yên tâm cống hiến”.
Ông Phúc cũng chỉ ra, dù có nhiều địa phương muốn quan tâm, chăm sóc đời sống giáo viên tốt hơn nhưng còn vướng những quy định, chính sách chung về đào tạo, tuyển dụng...
“Ở thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên tiếng Anh có khả năng tìm việc với mức lương cao ở bên ngoài nhưng chúng ta không thể trả cho họ cao hơn môn Toán hay môn Ngữ Văn để thu hút.
Do đó, việc tìm giáo viên môn này rất khó khăn”, ông Phúc thông tin.
Nhiều điểm mới của giáo dục Đà Nẵng
Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho hay, những năm qua, địa phương này cũng đầu tư rất mạnh cho giáo dục.
Bà Bùi Thị An giật mình vì lương bậc 1 của cô giáo 20 năm tuổi nghề |
Hầu hết các em học sinh đã được học 2 buổi/ngày nhưng trường học xây mới không đủ vì tăng dân số cơ học quá cao.
“Chúng tôi cũng đang rất khó khăn trong việc đưa trẻ dưới 24 tháng tuổi vào trường học.
Bởi các quy định, chính sách cứ nói đưa trẻ 3-5 tuổi vào trường, còn thả nổi trẻ dưới 24 tháng tuổi.
Ngành giáo dục cũng ưu tiên đầu tư cho giáo viên vì đây là tiêu chí nồng cốt”, ông Vĩnh cho hay.
Theo ông Dũng, những năm trước, muốn thi tuyển giáo viên thì rất nhiêu khê bởi đủ loại thủ tục, giấy tờ. Nên có tình trạng, trường vào học rồi vẫn chưa có giáo viên.
“Do đó, tôi yêu cầu trước ngày 5/9 phải đủ giáo viên và hai ông giám đốc sở (sở giáo dục và nội vụ) phải chịu trách nhiệm.
Giáo viên phải hiểu học sinh ngay từ đầu, xem học sinh quê ở đâu, học lực hay tâm tư ra sao...”.
Ông Dũng cho biết thêm, hiện Đà Nẵng đã tuyển sinh bằng điện tử, không còn cảnh đến nộp hồ sơ ở Hiệu trưởng để nảy sinh tiêu cực.
“Giờ chúng tôi cũng không xây dựng trường điểm, lớp điểm nữa để nảy sinh chuyện chạy chọt, tiêu cực.
Mà chúng tôi tập trung xây dựng các trường có chất lượng đồng đều như nhau, tốt cả về cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy...”, ông Dũng nói.