Phó GĐ Sở GD Đắk Nông nêu giải pháp để dịch vụ công thuận lợi khi bỏ sổ hộ khẩu

14/04/2023 06:26
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thiếu trang thiết bị, trình độ dân trí thấp... khiến các địa phương vùng khó gặp vướng mắc khi thực hiện các dịch vụ công giáo dục sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy.

Theo quy định tại Luật Cư trú 2020, từ ngày 01/01/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Việc này đã gây ra ảnh hưởng ít nhiều đến công tác thực hiện các dịch vụ công trong giáo dục, đặc biệt là tại các địa phương vùng khó.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Sĩ Thành - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông bày tỏ:

“Bản thân tôi nhận thấy tình hình triển khai các công tác dịch vụ công khi bỏ sổ hộ khẩu giấy với nhà trường, phụ huynh và học sinh vẫn còn khá mới. Nhiều phụ huynh học sinh chưa quen với việc sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là phụ huynh học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Do đó, tuyên truyền đến cán bộ công chức, nhân viên ngành giáo dục, phụ huynh và học sinh về quy định mới này là việc làm cần thiết”.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển).

Cũng theo thầy Trần Sĩ Thành, nhằm kịp thời triển khai thực hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông đã ban hành công văn số 437/SGDĐT-TCCBTC về việc thông báo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Theo đó, để triển khai thực hiện tốt các nội dung, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố; các đơn vị trực thuộc Sở triển khai thực hiện các nội dung quy định tại Điều 3, 4, 5 của Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ; cụ thể:

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 6 như sau:

“b) Nộp bản sao của một trong các loại giấy tờ: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp cơ quan, tổ chức không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 6 như sau:

“b) Nộp bản sao của một trong các loại giấy tờ: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp cơ quan, tổ chức không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 6 như sau:

“b) Nộp bản sao của một trong các loại giấy tờ: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp cơ quan, tổ chức không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2020 quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non

Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 7 như sau:

“a) Cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này cung cấp thông tin về số định danh cá nhân của trẻ em hoặc của cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em;

Nộp bản sao của một trong các loại giấy tờ: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp cơ quan, tổ chức không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 8 như sau:

“b) Giấy khai sinh (Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực)”.

Điều 5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 19 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Thay thế cụm từsổ hộ khẩu thường trú hoặc giấy tờ xác nhận của cơ quan Công an về việc đăng ký thường trú (trường hợp sổ hộ khẩu bị thất lạc)” tại điểm b khoản 1 thành “thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp cơ quan, tổ chức không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 19 như sau:

“đ) Trường hợp học sinh, sinh viên có thẻ Căn cước công dân và được cấp mã số định danh cá nhân, thông tin về nơi thường trú có thể khai thác từ việc kết nối và chia sẻ dữ liệu về dân cư với các cơ sở giáo dục đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính, Sở Tài chính, thì cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em, học sinh, sinh viên không phải nộp Giấy khai sinh và giấy tờ chứng minh nơi thường trú.”.

Qua đó, yêu cầu các đơn vị phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm phương thức khai thác thông tin về cư trú của công dân theo quy định tại Điều 14, Nghị định 104/2022 NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, tuyệt đối không được yêu cầu người dân xuất trình Giấy xác nhận thông tin về nơi cư trú;

Đồng thời, tuyên truyền cho người dân, các gia đình về việc sử dụng phương thức nộp hồ sơ trực tuyến đối với dịch vụ công toàn trình, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp.

Được sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai bỏ sổ hộ khẩu giấy trong các dịch vụ công giáo dục đã bước đầu ổn định.

Tuy nhiên, vẫn có khó khăn của những tỉnh vùng khó như Đắk Nông khi bỏ sổ hộ khẩu giấy là địa phương chưa đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và nhiều phụ huynh học sinh chưa quen với việc sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là phụ huynh học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để phát huy hiệu quả các phần mềm điện tử nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý; kinh phí đầu tư triển khai mô hình một cửa điện tử liên thông.

Bên cạnh đó, hiện tại, các vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về điều kiện sống, sinh hoạt còn khó khăn dân trí thấp nên việc tiếp cận và sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng tới việc bỏ sổ hộ khẩu giấy”, thầy Trần Sĩ Thành chia sẻ.

Để công tác thực hiện các dịch vụ công trong giáo dục trên địa bàn được diễn ra thuận lợi khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất.

Thứ nhất, tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, hướng dẫn để giúp người dân hiểu rõ hơn về cách thức triển khai bỏ sổ hộ khẩu giấy đặc biệt là với phụ huynh học sinh vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, đề nghị cấp các trang bị máy móc cần thiết nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh.

Tường San