Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay ghi nhận nhiều sự biến động đáng kể về vị trí xếp hạng điểm thi trung bình 9 môn của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Theo đó, tăng mạnh về thứ bậc nhất là Hòa Bình vươn 29 bậc, tiếp đến là Quảng Nam tăng 16 bậc so với năm 2021.
Quảng Nam từ vị trí gần cuối bảng vươn lên top giữa về điểm thi tốt nghiệp
Năm nay, tỉnh Quảng Nam có hơn 16.800 thí sinh đăng ký dự thi. Kết quả điểm trung bình các môn thi của tỉnh Quảng Nam là 6,231, xếp vị trí thứ 37 trên tổng 63 tỉnh, thành cả nước. Năm 2021, Quảng Nam xếp vị trí thứ 53, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp là 6,161 điểm.
Đánh giá về kết quả này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam khẳng định, kết quả này là sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam.
“Nhìn chung kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh Quảng Nam năm 2022 khởi sắc hơn và có nhiều chuyển biến tích cực. Lãnh đạo tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có những sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời. Đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của thầy và trò của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Quảng Nam rất may mắn trong thời kỳ dịch Covid-19 thì Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh ở từng địa phương, từng khu vực để tổ chức dạy học dưới các hình thức phù hợp, trong đó phần lớn là học trực tiếp nên chất lượng giáo dục cơ bản đảm bảo”, ông Thành chia sẻ.
Kết quả phân tích phổ điểm thi cho thấy, điểm trung bình của tỉnh Quảng Nam tăng 1,13% so với năm 2021. Nhìn chung, phổ điểm các môn học đều có xu hướng giảm nhẹ, mức tăng này chủ yếu nhờ vào môn Lịch sử khi điểm trung bình môn này tăng tới 33,78%. Hòa Bình và Quảng Nam là 2 tỉnh có mức tăng điểm Lịch sử cao nhất cả nước.
Ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam, môn Lịch sử năm nay có sự cải thiện rõ rệt khi có 11 bài thi đạt điểm 10 (năm 2021 chỉ có 1 bài) và số lượng thí sinh đạt điểm dưới trung bình giảm mạnh, còn 23,38% (năm 2021 là 62,16%). Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy, điểm trung bình môn học này đã ở mức 6,05 điểm, điểm có thí sinh đạt nhiều nhất là 6.25 với 688 thí sinh (năm 2021 là 3,5 điểm với 695 thí sinh).
Những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong việc nâng cao chất lượng giáo dục
Chia sẻ về những nỗ lực của toàn tỉnh trong thời gian qua để có được kết quả này, ông Thành cho biết ngay từ đầu năm học 2021-2022, lãnh đạo Sở đã nêu cao quyết tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó chú trọng nâng cao kết quả điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Theo đó, ngay từ đầu năm học vào tháng 9 năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị để phân tích, đánh giá kết quả điểm thi của từng môn, từng trường nhằm chỉ ra những môn của mỗi trường có điểm thi thấp một cách bất thường.
“Đây là cơ sở quan trọng để có kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể, từ đó thông báo đến từng trường, từng tổ chuyên môn, từng giáo viên và giao cho Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm chỉ đạo dạy học, khắc phục tình trạng nêu trên”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) |
Những năm học vừa qua, tình hình dịch bệnh đã gây khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động dạy và học của thầy trò cả nước. Theo ông Thành, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai dạy học bằng nhiều hình thức thích hợp như dạy học trực tuyến, dạy học trực tiếp, dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp… tranh thủ thời gian kiểm soát dịch bệnh để dạy những kiến thức cơ bản, trọng tâm của chương trình.
“Thầy trò toàn tỉnh đã tranh thủ tận dụng mọi điều kiện để triển khai dạy và học kịp thời, nhờ vậy đến ngày 18/5/2022, các lớp 12 trên toàn tỉnh đã kết thúc chương trình năm học trước kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hơn 45 ngày; Đây là thời gian quý báu để tổ chức ôn tập cho học sinh”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam thông tin.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở hướng dẫn chỉ đạo các trường phân loại học sinh theo năng lực và tổ hợp môn thi để thực hiện việc ôn tập có hiệu quả, chất lượng. Đặc biệt chú trọng với học sinh các huyện miền núi.
Ông Thành cho biết: “Hồi tháng 4/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm hỗ trợ giáo viên miền núi giảng dạy các bộ môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông về kinh nghiệm ôn tập, tài liệu ôn tập.
Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức thi thử tốt nghiệp Trung học phổ thông lần 1, lần 2 theo cụm trường. Từ đó, thông qua việc xử lý kết quả thi thử, nhà trường có định hướng ôn tập sâu sát và kĩ hơn với từng loại đối tượng học sinh”.
Cuối cùng theo ông Thành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm chỉ đạo việc thực hiện các chế độ chính sách đối với học sinh, nhất là học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, các học sinh khó khăn nhằm hỗ trợ kịp thời, giúp các em có an tâm, phấn đấu học tập. Đây cũng là một trong những nỗ lực quan trọng của tỉnh Quảng Nam trong việc khuyến khích tinh thần học tập của các em học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn tỉnh.
Quảng Nam quan tâm thực hiện các chế độ chính sách đối với học sinh khó khăn nhằm hỗ trợ kịp thời, giúp các em có an tâm, phấn đấu học tập. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn |
Năm học 2021-2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ hơn 3,1 tỷ đồng để tổ chức cho học sinh dân tộc thiểu số ở lại ôn tập trong hè dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Ông Thành đặc biệt ghi nhận sự nỗ lực của những học sinh khó khăn nhưng có tinh thần phấn đấu vươn lên trong học tập của tỉnh nhà. Ví như, trong kỳ thi này, có học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn đạt điểm cao như em Lê Văn Hữu, Trường Trung học phổ thông Thái Phiên đạt điểm 10 môn Hóa, thủ khoa khối B toàn tỉnh với tổng số 28,4 điểm.
Theo đó, năm học mới 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam nêu cao quyết tâm nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, trong năm học mới, Quảng Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ học tập của Trung ương và của tỉnh đối với học sinh vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Tăng cường hiệu quả của việc giao lưu kết nghĩa hỗ trợ dạy học giữa các trường ở vùng đồng bằng với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.