Điểm thi tốt nghiệp của tỉnh Hoà Bình tăng 29 bậc, Giám đốc Sở GD chia sẻ lý do

28/07/2022 06:44
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhìn từ kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, Hòa Bình là tỉnh có sự bứt phá vượt bậc khi từ vị trí áp chót 62 (năm 2021) đã vươn lên vị trí thứ 33, tăng 29 bậc.

Đánh giá về kết quả này, bà Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình khẳng định:

“Kết quả này chính là sự nỗ lực lớn của toàn tỉnh và ngành giáo dục Hòa Bình: Sự chỉ đạo sát sao Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đến sự phấn đấu quyết liệt của ngành giáo dục, sự phối kết hợp đồng bộ từ cơ quan sở, phòng chuyên môn, các đơn vị trường học,...

Đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy lớp 12 và các em học sinh. Ngoài ra còn phải kể đến sự đồng tình ủng hộ, phối hợp của phụ huynh trong việc quản lý việc học của học sinh ở nhà”.

Bà Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình khẳng định kết quả này chính là sự nỗ lực lớn của toàn tỉnh và ngành giáo dục Hòa Bình (Ảnh: Báo Giáo dục và thời đại)

Bà Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình khẳng định kết quả này chính là sự nỗ lực lớn của toàn tỉnh và ngành giáo dục Hòa Bình (Ảnh: Báo Giáo dục và thời đại)

Thứ hạng tăng nhiều nhưng điểm bình quân tăng đảm bảo lộ trình

Trước đó, theo thống kê điểm thi tốt nghiệp năm 2021, 3 tỉnh Cao Bằng - Hòa Bình - Hà Giang là 3 tỉnh có điểm thi thấp nhất trên cả nước. Theo kết quả điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 24/7, năm nay, Hà Giang vẫn nằm trong nhóm 3 địa phương có điểm thi thấp nhất cả nước, Cao Bằng có sự thăng hạng nhẹ (tăng 7 bậc, từ vị trí 61 lên vị trí thứ 54 với điểm trung bình là 6,058 điểm).

Hòa Bình là tỉnh có sự bứt phá vượt bậc khi tăng hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp tới 29 bậc - so với 63 tỉnh thành cả nước, đây là tỉnh có sự thăng hạng nhiều nhất. Năm nay, Hòa Bình xếp vị trí thứ 33/ 63 tỉnh thành cả nước với điểm trung bình 9 môn thi tốt nghiệp là 6,289 điểm.

Bà Kim Tuyến khẳng định: “Kết quả năm 2022 về thứ hạng tăng nhiều (29 bậc) nhưng về điểm bình quân thì tăng đảm bảo lộ trình: Năm 2020 điểm bình quân là 5,72; Năm 2021 là 5,92 và năm 2022 là 6,289. Như vậy năm 2021 tăng so với năm 2020 là 0,2; năm 2022 tăng so với năm 2021 là 0,3.

Ngoài ra, năm học 2021-2022, bên cạnh kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả thi học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Hòa Bình cũng có những bước tiến đáng kể, tăng cả về số lượng và chất lượng giải so với năm học 2020-2021 (tăng từ 11 lên 23 giải). Điều đó cho thấy chất lượng giáo dục chung, kể cả chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn của toàn tỉnh đã có sự đi lên và đạt được những kết quả nhất định”.

Lãnh đạo Sở đưa ra 5 lý do quan trọng giúp Hòa Bình tăng thứ hạng vượt bậc

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Kim Tuyến đã chỉ ra những nỗ lực quan trọng trong nhiều năm qua để nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn. Cụ thể:

Năm học 2021-2022, Hòa Bình tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TU ngày 04/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, trong đó tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Theo bà Tuyến, đây cũng là năm học thứ 3, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc giao trách nhiệm về chất lượng giáo dục cho các nhà trường.

“Giáo viên chịu trách nhiệm về chất lượng bộ môn mình giảng dạy trước tổ chuyên môn và lãnh đạo nhà trường, tổ chuyên môn chịu trách nhiệm về chất lượng các bộ môn trong tổ trước ban giám hiệu và Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở về chất lượng giáo dục của đơn vị mình.

Sở Giáo dục và Đào tạo dùng kết quả tuyển sinh vào lớp 10 để đánh giá về chất lượng của các phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường Trung học cơ sở. Dùng kết quả điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Hiệu trưởng”, bà Tuyến cho biết.

Đây là năm học thứ 3 Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình thực hiện việc giao trách nhiệm về chất lượng giáo dục cho các nhà trường. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Đây là năm học thứ 3 Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình thực hiện việc giao trách nhiệm về chất lượng giáo dục cho các nhà trường. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Cũng theo người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, đây là khóa đầu tiêntổ chức thi tuyển sinh đầu vào lớp 10 Trung học phổ thông cho 100% các trường trên toàn tỉnh sau nhiều năm Sở chỉ thực hiện thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường ở trung tâm thành phố, huyện. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng quy định điểm sàn cho một số đơn vị nhà trường để đảm bảo chất lượng đầu vào các trường Trung học phổ thông.

Năm học 2021-2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tỉnh Hòa Bình vẫn duy trì được việc dạy học trực tiếp, thời gian phải học trực tuyến ở một số trường chỉ tính bằng tuần, bằng ngày.

Bà Tuyến cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị tận dụng thời gian vàng, bố trí tăng buổi dạy theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào để dạy trực tiếp cho học sinh.

“Cuối tháng 3 đầu tháng 4, các nhà trường đều đã kết thúc chương trình học đối với các môn thi tốt nghiệp và dành toàn bộ thời gian tháng 4, 5, 6 để ôn tập cho học sinh lớp 12.

Các trường đều ôn đến sát ngày thi, nhiều trường ôn đến tận ngày 4/7. Ngoài ra, rất nhiều giáo viên bộ môn các trường, ngoài những buổi ôn theo giờ học trên lớp, còn tận dụng để ôn cho học sinh vào buổi tối, ngày nghỉ, giao bài cho học sinh làm theo ngày trên các ứng dụng như Zoom, Facebook, Zalo”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cho hay.

Đặc biệt, Hòa Bình tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác ôn tập đối với học sinh lớp 12. Theo đó, cán bộ cốt cán từng bộ môn có nhiệm vụ xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi, mỗi môn từ 500 đến 2.000 câu hỏi để giáo viên ôn tập cho học sinh. Các trường khảo sát, phân loại để có kế hoạch ôn sát với từng nhóm đối tượng ở từng môn học, đồng thời có định hướng học sinh lựa chọn khối, lớp theo năng lực ngay từ đầu cấp.

Theo bà Tuyến, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình chú trọng các nội dung: kiểm tra về công tác quản lý, chỉ đạo của Ban giám hiệu; công tác xây dựng kế hoạch nhà nhà trường, kế hoạch xây dựng môn học; công tác soạn giảng của giáo viên; dự giờ và tư vấn cho giáo viên dạy lớp 12;

Đặc biệt quan tâm các trường trên địa bàn vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn, thiếu giáo viên hoặc giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm ôn thi. Ngay từ đầu năm học, Sở đã điều động giáo viên cốt cán, có năng lực hỗ trợ các trường này.

Cũng theo bà Tuyến, trong năm học vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hai kỳ thi thử tốt nghiệp Trung học phổ thông cho 100% các trường bằng đề chung của tỉnh.

“Căn cứ kết quả, giáo viên phân tích, chỉ ra những lỗi chưa đạt, xác định môn các em có thể tăng điểm để điều chỉnh nội dung ôn tập theo từng nhóm đối tượng. Đồng thời chỉ đạo Ban giám hiệu phân công giáo viên bộ môn, chủ nhiệm kèm phụ đạo đối với học sinh có kết quả thi thử kém và có nguy cơ trượt tốt nghiệp”, bà Tuyến chia sẻ.

Hòa Bình dựa vào việc phân tích nguyên nhân dẫn đến điểm thấp trong năm 2021 để rút kinh nghiệm từ đó chỉ đạo kịp thời nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Hòa Bình dựa vào việc phân tích nguyên nhân dẫn đến điểm thấp trong năm 2021 để rút kinh nghiệm từ đó chỉ đạo kịp thời nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cho biết việc phân tích kết quả thi năm 2021 để rút kinh nghiệm cũng là một trong những điểm mấu chốt giúp địa phương này nâng cao thành tích trong năm nay.

Theo đó, dựa vào việc phân tích nguyên nhân dẫn đến điểm thấp trong năm 2021 là do thí sinh khối Giáo dục thường xuyên chiếm 10% số học sinh dự thi, điểm bình quân khối Giáo dục thường xuyên thấp đã kéo điểm bình quân toàn tỉnh xuống.

“Sở đã chỉ đạo tập trung tập huấn cho giáo viên dạy các môn thi của Trung tâm Giáo dục thường xuyên từ phương pháp ôn thi, xác định nội dung ôn cho từng đối tượng học viên để cải thiện kết quả”, bà Tuyến thông tin.

Người đứng đầu Sở Giáo dục và đào tạo Hòa Bình cũng cho biết, năm qua mặc dù ngành giáo dục tỉnh nhà cũng gặp nhiều khó khăn như hạ tầng thiếu diện tích đất, nhà đa năng, phòng học bộ môn; nhiều trường thiếu công trình vệ sinh, nước sạch,... Hạn chế về cán bộ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa; Công tác xã hội hóa giáo dục ở nhiều trường còn hạn chế,...

“Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo địa phương đã tích cực, chủ động tham mưu với tỉnh có những giải pháp, từng bước khắc phục những khó khăn để chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ Giáo dục và Đào tạo nói chung. Đặc biệt là việc nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo, nâng cao kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình khẳng định.

Doãn Nhàn