Năm nay là năm thứ 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố bảng so sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông với điểm học bạ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo coi đây là một trong những chỉ số đánh giá chất lượng, là cách để “siết” việc làm đẹp điểm học bạ, chạy theo thành tích của các trường phổ thông.
Theo đó, kết quả đối sánh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố cho thấy các tỉnh đều có sự chênh lệch theo hướng điểm học bạ cao hơn điểm thi thực tế, ở hầu hết các môn.
Bình Dương là địa phương có độ chênh lệch giữa điểm trung bình thi và trung bình học bạ thấp nhất cả nước với 0,099 điểm. Kế đến lần lượt là: Bạc Liêu (0,421), Lâm Đồng (0,437), Ninh Bình (0,497), Vĩnh Phúc (0,561), Lào Cai (0,564), Tây Ninh (0,579), Phú Thọ (0,604), Tuyên Quang (0,613).
Đặc biệt, Bình Dương có nhiều môn, điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 còn cao hơn điểm học bạ như: Môn Toán (-0,33), Hóa học (-0,314), Giáo dục công dân (-1,061), tiếng Anh (-0,519).
Phấn khởi với kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 của Bình Dương, ông Nguyễn Văn Phong, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho hay, Bình Dương là địa phương dẫn đầu cả nước về mức điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay với 7,030 điểm. Bình Dương cũng là địa phương duy nhất có điểm trung bình tốt nghiệp trên 7,0.
Năm ngoái, kết quả điểm trung bình tốt nghiệp Bình Dương đứng thứ 2, sau Nam Định. Điều này, cho thấy Bình Dương đã đi đúng hướng trong công tác giáo dục và đào tạo nói chung và trung học phổ thông nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hữu Đức |
Ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, kết quả này càng thuyết phục hơn, khi độ chênh lệch giữa điểm trung bình thi tốt nghiệp và điểm trung bình học bạ của học sinh ở Bình Dương được xếp loại thấp nhất cả nước.
Con số này cho thấy công tác đánh giá chất lượng dạy và học của địa phương Bình Dương rất sát với chuẩn đánh giá chất lượng dạy và học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, hoàn toàn không có khái niệm chất lượng giáo dục chung chung mà cần xác định chất lượng đạt so với một tiêu chuẩn đã được định hình trước đó và ở đây chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo xác lập. Chuẩn đó có phù hợp thực tế, đáp ứng yêu cầu xã hội đặt ra chưa, điều này xin phép bàn sau.
Ở đây, với góc độ địa phương, tôi muốn nói chương trình học phổ thông nói chung, cấp 3 nói riêng phải bám thật sát với chương trình học và cách đánh giá của Bộ, cụ thể là dựa vào những đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia hàng năm”, ông Phong chia sẻ.
Về cách làm của Bình Dương, vị Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương cho biết liên tục trong nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đều có chỉ đạo bằng văn bản và chỉ đạo trực tiếp trong các buổi họp hay hội thảo nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp trung học phổ thông của từng môn.
Qua đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương yêu cầu các trường phải phân tích đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo để từ đó tạo ra ma trận đề.
Trong ma trận, yêu cầu thể hiện rất chi tiết về số lượng từng câu, phân tầng, theo từng câu với 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Dựa vào ma trận đó, mỗi trường đều căn cứ vào đó để dạy bám sát theo, ra đề và cho kiểm tra cũng như vậy. Do đó, kết quả điểm kiểm tra, thi học kỳ ở mức tương đương. Và cũng chính vì vậy điểm thi tốt nghiệp tương đồng với điểm học bạ, không có độ chênh lệch lớn, thậm chí là có môn điểm thi còn cao hơn điểm trung bình học bạ.
Chẳng hạn như năm vừa qua, ngay từ trung tuần tháng 5, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương đã hoàn tất việc tổ chức hội thảo tập huấn 9 môn thi tốt nghiệp. Thành phần dự tập huấn là tất cả thành viên tổ nghiệp vụ của tỉnh.
Cần nói thêm, điểm đặc biệt của Bình Dương so với tỉnh thành khác là từng môn học đều có tổ nghiệp vụ bộ môn của tỉnh với những thành viên gồm các giáo viên có chuyên môn thật tốt và các giáo viên đang dạy lớp 12 ở các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu tập huấn phải đảm bảo 2 nội dung lớn. Thứ nhất, lập kế hoạch chi tiết về việc tổ chức ôn tập phổ thông như thế nào cho đạt hiệu quả cao nhất.
Nội dung thứ hai, phân tích đề minh họa của Bộ, bám sát đề minh họa để phân tích, chia ra thành các ma trận đề, xây dựng thiết kế những bảng đặc tả kĩ thuật.
Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đưa về cho các nhà trường làm cơ sở để biên soạn bộ đề thi tương tự, đảm bảo phù hợp để áp dụng vào ôn thi trung học phổ thông.
Chưa hết, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương còn thường xuyên kiểm tra công tác ôn tập thi tốt nghiệp, kịp thời có góp ý định hướng cho nhà trường điều chỉnh thời khóa biểu ôn tập, số tiết học dành cho từng môn.
Song song đó, tổ nghiệp vụ bộ môn của tỉnh liên tục dự giờ đối với giáo viên ôn tập để góp ý ngay tại chỗ, từ đó giúp giáo viên điều chỉnh ôn tập theo hướng sát hơn nữa so với đề minh họa của Bộ Giáo dục.
Đồng thời, tổ nghiệp vụ bộ môn lưu ý xem xét lại tài liệu ôn tập của nhà trường để tiếp tục điều chỉnh, xem xét làm sao để vừa sức so với đề minh họa, ma trận đề và bảng đặc tả kĩ thuật.
Ngoài ra, sau mỗi kì thi, kể cả thi học kỳ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh mở hội thảo, mời tất cả hiệu trưởng của các trường để đánh giá nhận xét tỷ lệ của từng trường, phân tích độ chênh lệch giữa điểm thi và học bạ của từng trường. Sau đó, so sánh đối chiếu một lần nữa giữa các trường với số liệu chung của tỉnh, từ đó đúc kết ra giải pháp tích cực riêng cho từng trường trong những năm tiếp theo.
Lý giải về kết quả điểm thi tốt nghiệp trung bình cao nhất cả nước và không có sự chênh lệch đáng kể trong cách đánh giá học sinh giữa địa phương với Bộ, ông Nguyễn Văn Phong thẳng thắn cho biết, quan điểm nhất quán của ngành giáo dục và đào tạo Bình Dương là tuyệt đối nói không với "bệnh thành tích", việc cho đề thi dễ để nâng điểm học bạ, làm đẹp học bạ là hại học sinh. Và tất nhiên, yêu cầu chất lượng giáo dục thực phải đặt lên hàng đầu, phải cao.
Vấn đề còn lại là giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và chất lượng thi. Để có chất lượng thi, đòi hỏi việc dạy học và tổ chức ôn tập bám sát hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo như đã nêu ở trên.