Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021. Năm nay môn Lịch sử lại giữ ngôi “quán quân” về điểm dưới trung bình.
Theo công bố, môn lịch sử có 637.005 thí sinh thi, trong đó điểm trung bình là 4.97 điểm, điểm trung vị là 4.75 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4.0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 540 (chiếm tỉ lệ 0,08%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 331.429 (chiếm tỉ lệ 52,03%).
Bảng phổ điểm môn Lịch sử thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021. Bộ Giáo dục và Đào tạo. |
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Đoàn Thị Thúy - Nhóm trưởng môn Lịch sử Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Đối với môn Lịch sử thì năm nào điểm thi cũng thấp, đặc biệt năm nay lại thấp nhất trong số tất cả các môn thi tốt nghiệp. Điểm thi Lịch sử năm nay thấp hơn nhiều so với năm 2019, còn những năm trước điểm Lịch sử thấp thứ 2, tiếng Anh thấp nhất rồi đến Sử.
Theo tôi có mấy nguyên nhân, thứ nhất: Quan điểm và mục tiêu học tập của học sinh, bấy lâu nay các em không chú trọng học như những môn khác. Thứ hai: Trong suốt một thời gian dài phải học trực tuyến nên cũng khó có thể lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả, nhất là với môn Lịch sử.
Thứ ba: Đề thi năm nay rất khó, khó hơn những năm trước, tâm lí chung các em đều cho rằng đây là môn thi lấy điểm tốt nghiệp nên cũng không tập trung nhiều, cộng với đề khó như vậy nên điểm thi cũng không thể cao được.
Mục tiêu học tập của học sinh lâu nay thường nhìn nhận 3 môn Toán, Văn, Anh là môn chính, sau đó chọn một môn trong tổ hợp xã hội, rất nhiều em không lấy điểm môn Lịch sử để xét tuyển đại học, mục tiêu chỉ để xét tốt nghiệp. Vậy nên, các em đầu tư cho môn Lịch sử không nhiều như những môn khác”.
Cô giáo Đoàn Thị Thúy - Nhóm trưởng môn Lịch sử Trường Trung học phổ thông Đông Đô. Ảnh: Tùng Dương. |
Có nhiều ý kiến cho rằng điểm thi môn Lịch sử thấp là do cách dạy, cách ôn tập, định hướng kiến thức của giáo viên? Về vấn đề này, theo cô Thúy: “Về phía giáo viên thì hầu như chưa có sự chuyển đổi mạnh về phương pháp ôn tập, vẫn chỉ là “gò” các em học thuộc lòng, làm bài tập, chứ chưa có một kế hoạch ôn tập chi tiết, không phân tích để học sinh có được kĩ năng, phản xạ đề. Môn Lịch sử không phải là ngày hôm nay diễn ra sự kiện gì, mà nó là cả một quá trình sâu chuỗi mà các em phải nắm chắc.
Có thể nhận định điểm thi thấp do quan điểm của xã hội, mục tiêu học tập của học sinh, thời gian học trực tuyến kéo dài dẫn đến học sinh không chủ động học tập, những học sinh đã bị “mất gốc” càng dễ bị tụt lại phía sau, đề thi phân hóa cao, cuối cùng là do phương pháp ôn tập của giáo viên.
Tuy nhiên, năng lực học tập của mỗi người đều khác nhau, nhưng điểm chung là cần phải cố gắng, phải vượt lên quan điểm và suy nghĩ của mình. Về phía giáo viên, phải có phương pháp dạy nghiêm túc khắt khe khi với bản thân, có nhiều giáo viên dạy qua loa theo sách giáo khoa rồi lên lớp, như vậy là vô trách nhiệm với bản thân. Giáo viên cần xem, đọc nhiều tài liệu, tự gia đề, chấm bài, động viên các con thì mới có kết quả tốt hơn”.
Vẫn nặng nề tâm lý môn chính, môn phụ?
Cô Thúy chia sẻ thêm: “Là giáo viên dạy Lịch sử, tôi cũng rất buồn và trăn trở. Đề thi có tính chất quyết định đến phổ điểm, đề thi Sử năm nào cũng khó hơn đề thi các môn khác. Một đề thi hợp lý là phải có mức độ phân hóa rõ ràng, trong đó phải có 20-25 câu nằm ở vùng kiến thức cơ bản, để học sinh có thể làm được.
Câu hỏi phải tường minh, không nên đánh đố, phương án trả lời phải rõ ràng để học sinh bình thường sẽ nhận ra ngay, còn những câu sau tăng độ khó để phân hóa học sinh.
Đối với học sinh nói chung, môn Sử lâu nay không phải là môn yêu thích, nội dung thi môn Sử vẫn quá nhiều chi tiết cần nhớ khiến học sinh thấy nản, ngại học. So sánh với các môn khác để thấy mức đầu tư cho học môn Sử thế nào, ví dụ môn Văn, Toán, Anh học sinh đầu tư học liên tục nhưng Lịch sử thì được mấy em đầu tư như thế.
Học sinh không hẳn không yêu thích môn Lịch sử, mà là các em chưa đầu tư cho bộ môn nên nhiều khi giáo viên có say mê cũng không mang lại hiệu quả gì nhiều. Học sinh không chú ý học, thậm chí giờ Sử thì lôi môn khác ra ôn, cũng khiến giáo viên “nản”. Chính kiểu học thực dụng để thi, học sinh chỉ đầu tư cho những môn cần thi đại học, đã khiến môn Sử ngày càng bị sao nhãng.
Theo tôi, nếu cứ nhìn vào phổ điểm thấp để quy trách nhiệm cho chất lượng dạy và học Lịch sử là thiếu công bằng. Nó phải là sự thay đổi đồng bộ từ quan niệm của xã hội về vai trò của bộ môn, từ chương trình, từ mục tiêu kiểm tra đánh giá về kiến thức, kỹ năng, từ sự tâm huyết của giáo viên và sự quan tâm đầu tư của học sinh”.
Thầy Khuất Duy Dũng - Tổ trưởng Tổ Lịch sử thư viện Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: NVCC. |
Cũng về vấn đề này, thầy Khuất Duy Dũng - Tổ trưởng Tổ Lịch sử thư viện Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Thầy Dũng chia sẻ: “Có rất nhiều lí do, nhưng một vấn đề mà tôi muốn nói ở đây là những em đăng kí thi sẽ có mấy vấn đề. Thứ nhất là những em thích môn tự nhiên, hai là thích xã hội, và thứ ba là các em chỉ cần đủ điểm để tốt nghiệp.
Vậy những bạn đăng kí thi tự nhiên thì chắc chắn yêu thích và có khả năng thực sự, ôn luyện suốt 3 năm cấp III với mục đích vào các trường đại học. Có thể nói đây là những em chú tâm học bài bản, có mục tiêu, quyết tâm.
Với những em không chọn thi môn xã hội, hoặc môn tự nhiên, đó là những em thực sự không có năng lực học môn nào, và mục đích chỉ cần tốt nghiệp để đi học nghề. Những em này chắc chắn sẽ đăng kí thi môn xã hội vì dù sao cũng dễ hơn môn tự nhiên.
Trong các em đăng kí thi môn xã hội, theo chủ quan của tôi thì có khoảng 30% là những em thật sự có kiến thức, thích môn này và với mục đích xét tuyển đại học. Số thí sinh còn lại hi vọng “may rủi” chỉ để tốt nghiệp.
Việc môn xã hội có điểm thấp, một trong những nguyên nhân có nguồn xuất phát như trên, tức là đối tượng đăng kí dự thi, và trong những đối tượng này đều có mục đích, nguyện vọng dẫn tới tinh thần học tập. Từ tinh thần học tập của học sinh sẽ đưa đến kết quả thi, phản ánh đúng mong muốn tinh thần, nguyện vọng của các con.
Tôi phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông công bố năm nay, có thể thấy điểm trên 9 là trên 11 nghìn thí sinh, đi thi mà được điểm 9 là quá giỏi. Hơn 10 nghìn em đạt điểm 8. Hơn 6 nghìn em được điểm 8,75. Hơn 7.500 em được 8,5. Như vậy điểm thi từ 8,5 đến 10 là rất nhiều”.
Thầy Dũng nhấn mạnh: “ Khi nào chương trình được thay đổi phù hợp, tạo được hứng thú cho người học thì lúc đó mới mong điểm thi môn Lịch sử được cải thiện. Còn hiện nay, nhiều học sinh chỉ thi Lịch sử để xét tốt nghiệp thì rất khó mong các em đầu tư đến nơi đến chốn.
Hiện nay môn Lịch sử nằm trong tổ hợp mà các em chọn thi xét tốt nghiệp, không bị điểm liệt là cho qua thì nhiều em sẽ chỉ học mang tính đối phó, qua điểm liệt để đỗ tốt nghiệp, chứ không quan tâm điểm của môn là cao hay thấp.
Để lấy lại vị thế của bộ môn Lịch sử, cũng có nhiều giáo viên cho rằng trong chương trình phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự quan tâm nhiều hơn. Không chỉ thay đổi kết cấu chương trình giảng dạy theo hướng tăng thực hành, trải nghiệm mà cần có hướng phát triển rõ ràng hơn với những học sinh yêu thích và chọn môn học này”.
Thống kê của từ dữ liệu điểm thi 63 tỉnh thành do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, điểm trung bình môn Lịch sử năm nay thấp nhất trong các môn thi.
Binh Dương có điểm trung bình môn Lịch sử là 5,771 cao nhất cả nước. Dù đứng đầu nhưng mức điểm trung bình này thấp nhất trong tất cả các môn (Toán: 7,423; Văn; 7,145; Tiếng Anh: 7,226; Vật lý: 7,094; Địa: 7,525; Hoá: 7,174; Sinh: 6,5 ; Công dân: 9,071).
Top 10 địa phương có điểm trung bình Lịch sử cao nhất là: Bình Dương, An Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bạc Liêu, Phú Thọ, Hà Nam, Vĩnh Long, TP.HCM.
Hà Nội xếp thứ 39 về điểm trung bình môn Lịch sử.
Hà Tĩnh xếp thứ 22; Nghệ An xếp thứ 49.
Xếp cuối cùng của 63 tỉnh thành là Hà Giang với điểm trung bình 4,371.