Như Báo Giáo dục Việt nam đã đưa, vào khoảng 7 giờ sáng ngày 16/12, một đoạn hầm Thủy điện Đa Dâng bị sập khiến 12 công nhân bị mắc kẹt bên trong, những nỗ lực ban đầu chưa thể giải cứu được nhóm công nhân, do khoảng cách từ điểm sập tới cửa hầm khá xa (300m).
Nhằm khẩn trương ứng cứu các nạn nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng – Đa Choang, ngay trong tối 16/12, Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có điện khẩn, chỉ đạo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Bộ Tư lệnh CSCĐ, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng lực lượng Quân đội và các cơ quan chức năng khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, bằng mọi biện pháp tổ chức tìm kiếm, cứu các nạn nhân còn mắc kẹt trong hầm.
Sau gần 2 ngày xảy ra vụ sập hầm tại đường hầm chính thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng các đơn vụ chức năng đã đến hiện trường kiểm tra chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trực tiếp chỉ đạo giải cứu nạn nhân. Ảnh: TTO. |
Ngay khi có mặt tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra hiện trường và nắm bắt tình hình triển khai các phương án cứu hộ cứu nạn được các lực lượng chức năng địa phương và khu vực tiến hành trong suốt từ sáng qua đến nay. Tính đến chiều nay, lực lượng cứu hộ đã thực hiện gia cố mái hầm, bắt đầu đưa đất đá sạt lở ra ngoài. Tuy nhiên, nền do địa chất phức tạp nên việc tiếp cận người bị nạn gặp nhiều khó khăn.
Vấn đề lo ngại nhất là mực nước ở khu vực hầm có người mắc kẹt đã dâng lên trên 1m. Tính mạng của những người bị nạn đang gặp nguy hiểm. Do đó, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng chỉ đạo phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện để tháo nước ra ngoài. Bên cạnh đó, triển khai các phương án nhanh nhất để đưa người bị nạn ra ngoài.
Sau 2 ngày giải cứu không thành công, chiều 18/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp tới hiện trường chỉ huy vụ giải cứu. Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng đã trực tiếp nói chuyện qua ống sắt với anh em công nhân, hỏi thăm và chấn an tinh thần của 12 công nhân. Do địa hình phức tạp, nên kể từ khi bị kẹt trong hầm, từ bên ngoài chỉ có thể tiếp sữa qua đường ống cho 12 công nhân.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “Đã 3 ngày trong điều kiện chật chội, nước chảy nên chắc chắn anh em vẫn lạnh và rất mệt, điều này thúc giục chúng ta phải nỗ lực hơn nữa. Dù vất vả nhưng quyết tâm vì những người thợ đang ngày một nguy hiểm bên trong, chúng ta cố gắng tiếp cận trước thời hạn 3 ngày theo tính toán trước đó”.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào đường hầm chỉ đạo giải cứu 12 công nhân. |
Sau khi bàn bạc, Phó Thủ tướng chỉ đạo phương án 1 là đào 1 ngách hầm từ mé phải theo đề xuất của TKV, đồng thời làm việc liên tục. Tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện cao nhất để anh em cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp thực hiện tốt công việc cần thiết. Theo tính toán, hiện còn 25m cần đào và phải mất khoảng 3 ngày nữa và phương án này cần phải tăng tốc độ lên.
Phương án thứ 2 là đào nhánh hầm từ phía trên xuống của lực lượng công binh với tiết diện nhỏ hơn thì hy vọng có thể đêm nay (18/12) hoặc sáng mai (191/2) sẽ thông. Đây sẽ là đường để đưa quần áo, thuốc men... xuống điểm công nhân bị kẹt. Đồng thời, công binh cần đánh giá địa chất xem có thể mở rộng không. Nếu được, có thể sẽ lựa chọn để tính toán làm đường đưa người lên.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý cả 2 phương án đều phải hết sức thận trọng, đề phòng tình trạng sụt lở hoặc gặp đá chặn.
Nỗ lực từng phút để giải cứu 12 công nhân bị kẹt trong hầm. |
Tại hiện trường, ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gọi điện chỉ đạo bằng mọi giá, mọi cách phải cứu được người.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết hướng khoan này cần xuyên qua khoảng cách gần 70m đất đá và đã khoan được 40m. Mũi khoan đường kính 10cm sẽ giúp tạo lỗ thông rộng hơn để chuyển quần áo và thực phẩm xuống khu vực 12 công nhân đang mắc kẹt. Ngoài ra, khi mũi khoan này thành công sẽ có thể đưa ống thông tin xuống để liên lạc, nắm tình hình các công nhân rõ hơn.
Tuy nhiên đến 17h15 chiều 18/12, mũi khoan không thể tiếp tục khoan xuống được do vướng lớp đá cứng và mũi khoan bị gãy khi đã khoan qua hơn 40m. Lực lượng cứu hộ đã khảo sát một số vị trí mới, thuận lợi hơn và quyết định di dời lỗ khoan bởi vị trí cũ không còn khả thi.
Tình hình càng trở nên nguy cấp khi các phân tích cho thấy sau 2 ngày nữa, nước sẽ ngập hết đường hầm, tính mạng của 12 công nhân sẽ gặp nguy hiểm. Lúc này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo ngành y tế chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để ứng cứu 12 công nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp tới hiện trường vụ sập hầm chỉ đạo cán bộ ngành y tế chuẩn bị ứng cứu nạn nhân. Ảnh: VOV. |
Bộ Quốc phòng đã điều 2 lữ đoàn cùng 1 tiểu đoàn Công binh vào hỗ trợ. Sở Cảnh sát PCCC TP HCM điều động 2 xe cứu hộ cùng 45 chiến sĩ chi viện. Các bác sĩ bệnh viện chợ rẫy cũng đã được điều động đến hiện trường; nhiều chuyên gia, kỹ sư cứu mỏ giàu kinh nghiệm cũng đã được điều động từ Hà Nội vào Lâm Đồng... Tổng quân số tham gia vụ giải cứu tại hiện trường lúc cao điểm nhất đã là 700 người.
Sau rất nhiều nỗ lực, đến 16h39 ngày 19/12, tất cả 12 nạn nhân được giải cứu an toàn khi ngách của lực lượng công binh vào sâu được 14 mét thì phát hiện các nạn nhân, dù trước đó theo dự tính phải tới ngày đêm ngày 19, hoặc sáng 20 mới giải cứu được 12 công nhân.
Niềm vui như vỡ òa khi lực lượng cứu hộ tìm thấy các nạn nhân |
Nhìn lại hành trình giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện không chỉ thấy sự quan tâm của tập thể Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các Bộ trưởng, sự tập trung của tất cả các ngành, tạo mọi điều kiện, nguồn lực tốt nhất để đảm bảo cuộc giải cứu phải thành công. Đặc biệt, trong những nỗ lực ấy có sự đóng góp rất lớn của lực lượng Công binh. Họ đã thể hiện được quyết tâm sắt đá và tinh thần dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm, tận dụng từng giây từng phút để đào đường hầm cứu hộ nhanh nhất.
Các nạn nhân ngay lập tức được đưa về điều trị phục hồi sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. |
Nụ cười chiến thắng của chiến sĩ công binh sau nhiều nỗ lực không biết mệt mỏi. |
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh chia sẻ: "Trong suốt cả quá trình thi công nhánh hầm bên trái, các lực lượng đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí phản đối phương án thi công của lực lượng Công binh đã xuất hiện. Ban Chỉ huy Cứu hộ-Cứu nạn tỉnh Lâm Đồng triệu tập cuộc họp đột xuất lúc 12 giờ 30 ngày 19/12 nêu vấn đề dừng thi công của lực lượng Công binh vì lý do thi công không đúng phương án có thể gây mất an toàn cho người bị mắc kẹt trong đường hầm và các lực lượng Cứu hộ-cứu nạn.
Tuy nhiên, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ phương án đã đề ra, một lần nữa chúng tôi đã thuyết phục Ban Chỉ huy cứu hộ, cứu nạn tỉnh Lâm Đồng bằng cơ sở khoa học và bằng các giải pháp kỹ thuật thuộc về bí quyết nghề nghiệp của Công binh Việt Nam. Do đó Ban Chỉ huy cứu hộ, cứu nạn tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận để các đơn vị của Bộ Tư lệnh Công binh tiếp tục thi công, đồng thời giao hoàn toàn chịu trách nhiệm về công tác an toàn. Chúng tôi đã đào đường hầm với tốc độ 1 giờ/1m và cũng là kỷ lục đào hầm của công binh Việt Nam".