Tới dự Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016-2017 vào sáng 5/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, dù còn rất nhiều việc phải làm nhưng công bằng giáo dục đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các địa phương.
Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang trong quá trình đổi mới, mà đã đổi mới thì không thể làm ngay một lúc, sẽ phải có các bước trung gian, không thể toàn vẹn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục không thể một lúc mà đổi mới toàn diện ngay được. |
“Qua các bước trung gian thì không thể toàn vẹn ngay, còn có những bất cập. Như thi cử, hai năm qua đã có những đổi mới. Năm 2016, chúng ta tổ chức thi ở tất cả các tỉnh, nhận được sự ủng hộ của dư luận.
Song như vậy vẫn chưa phải là bước đi cuối cùng, bởi trong tương lai, chúng ta phải hướng đến việc thi cử theo đúng quốc tế, phổ thông là phổ thông, đại học là các trường tự chủ tuyển sinh.
Thời gian tới sẽ không còn thi chung nữa. Giáo dục không thể một lúc mà đổi mới toàn diện ngay được. Từ năm 2015 đến khi đó, chúng ta sẽ luôn đổi mới”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần cố gắng khai sáng, khai mở trí tuệ, hun đúc tinh thần dân tộc, ý thức công dân toàn cầu kết hợp với ý thức dân tộc và phù hợp với xu thế thế giới nhưng từng bước đi phải phù hợp điều kiện của Việt Nam.
Ví dụ, vấn đề học thêm, dạy thêm phụ thuộc nhiều yếu tố, kể cả tính gương mẫu của các giáo viên. Nhưng thực tế, chúng ta hiện không đủ trường lớp để học sinh học 2 buổi/ngày. Nếu học với khối lượng này, áp lực học thêm, dạy thêm sẽ giảm.
“Ở các nước tiên tiến, học sinh có điều kiện học 2 buổi/ngày. Học sinh nước ta học 1 buổi/ngày. Chúng ta có thông minh mấy cũng không đuổi theo họ được. Để có trường, lớp đủ yêu cầu, xã hội hóa là một phần, nhưng sự đầu tư cũng hết sức quan trọng”, Phó Thủ tướng nêu cụ thể.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành giáo dục nghiên cứu học phí đúng xu thế vì nó có tác động tới một bộ phận người nghèo. Hiện tại, Việt Nam đã miễn học phí tiểu học, nên chăng sẽ miễn học phí THCS? Đó là bước đi cần thiết vì hiện nay, một năm tổng học phí bậc THCS của cả nước là 2.000 tỷ đồng, chia 63 tỉnh, không được nhiều.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, sắp tới không đợi các trường đại học xin tự chủ, mà yêu cầu các trường tự chủ. Nhưng muốn tự chủ, các trường phải đảm bảo được những điều kiện cơ bản nhất.
“Tới đây sẽ xin sự quan tâm của Chính phủ và các địa phương. Thay vì cho, có thể có những gói tín dụng ưu đãi cho các trường vay, đầu tư thực hiện tự chủ”, Phó thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng lưu ý: “Tôi đi qua nhiều trường, nhà vệ sinh của lãnh đạo Nhà trường thì sạch sẽ, ấy thế mà nhà vệ sinh của các cháu thì bẩn kinh khủng, chỉ bước vào tới cổng trường đã ngửi thấy mùi bể phốt.
Chúng ta phải khắc phục điều này, cần coi học sinh là trung tâm trong mọi việc của ngành giáo dục, là nhân vật chính”.
“Tôi đề nghị cần tiếp tục tinh thần “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” - không có nghĩa đánh các cháu, nhưng cần khôi phục tinh thần giáo dục kỷ cương, tự lập, yêu lao động. Chúng ta có triết lý, mục tiêu phát triển toàn diện trí tuệ, đạo đức và thể chất” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ những minh chứng nêu trên, Phó Thủ tướng khẳng định: “Các bước đi không thể thay đổi, triết lý giáo dục không thay đổi, nguyên tắc phù hợp với xu thế thế giới là không thay đổi nhưng phải có sự kiên trì và những bước đi phù hợp”.