Phơi nắng, dầm mưa làm đồ án tốt nghiệp, 2 SV năm 4 đạt giải thưởng Loa Thành

19/12/2022 09:40
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với những kiến thức đã học được trong suốt bốn năm trên giảng đường đại học, Hưng và Tài còn tìm kiếm các tài liệu nước ngoài về ứng dụng cho đồ án của mình.

Đồ án tốt nghiệp về “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý trên các nhánh dẫn tới nút giao thông điều khiển bằng tín hiệu đèn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” của sinh viên Phạm Thành Hưng và Huỳnh Văn Tài (lớp XH1, chuyên ngành kỹ thuật cơ sở hạ tầng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng) đã vinh dự giành giải nhì giải thưởng Loa Thành 2022.

Giải thưởng Loa Thành được tổ chức thường niên, dành cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên các chuyên ngành đào tạo về xây dựng và kiến trúc, do Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức.

Giải thưởng nhằm động viên, khuyến khích sinh viên học tập và say mê nghề nghiệp, khích lệ tìm tòi sáng tạo, qua đó phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng.

Phơi nắng, dầm mưa để hoàn thành đồ án

Xuất phát từ tình hình thực tế tại các nút giao thông thường xuyên xảy ra va chạm, tắc nghẽn, Hưng và Tài đã lên kế hoạch khảo sát để tìm ra phương án giải quyết những xung đột này.

Phạm Thành Hưng (trái) và Huỳnh Văn Tài, lớp XH1, chuyên ngành kỹ thuật cơ sở hạ tầng (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng) tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

Phạm Thành Hưng (trái) và Huỳnh Văn Tài, lớp XH1, chuyên ngành kỹ thuật cơ sở hạ tầng (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng) tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

“Để triển khai đồ án, chúng em phải đi khảo sát thực tế các nút giao thông ở trên địa bàn thành phố. Từ đó tính toán lưu lượng xe, thời gian, tốc độ, các nhánh rẽ… Trên cơ sở đó mới thiết lập các pha đèn (xanh – vàng – đỏ) với lượng thời gian phù hợp cũng như bố trí các nhánh rẽ một cách hợp lý”, Hưng cho biết.

Sau hơn ba tháng phơi nắng, dầm mưa trên các trục đường của thành phố, hai sinh viên năm cuối lại lặn lội đến Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông của Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng để bổ sung dữ liệu về lưu lượng xe cộ.

“Qua nghiên cứu, khảo sát thì tính ứng dụng của đồ án là giúp hạn chế tình trạng tắc nghẽn tại các nút giao thông, nhất là vào giờ cao điểm (khi có nhiều phương tiện giao thông cùng tham gia). Đồng thời phải giải quyết được xung đột giữa các đường nhánh ra – vào”, Huỳnh Văn Tài chia sẻ.

Nhiều phương án được đưa ra nhưng để “chốt” giải pháp tối ưu nhất, nhóm của Tài phải tham khảo thêm các phương thức xử lý tắc nghẽn giao thông từ các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo Tài, vấn đề khó nhất của đồ án này là tính toán các pha đèn cũng như bố trí các nhánh rẽ đối từng loại phương tiện sao cho phù hợp nhất. Những vấn đề nan giải ấy đã được Hưng và Tài miệt mài nghiên cứu, tìm cách hóa giải.

Ứng dụng cộng nghệ 3D để mô phỏng thực tế

Nhận thấy tính khả dụng của đồ án, Phó Giáo sư Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng đã trực tiếp hướng dẫn cho nhóm của Hưng và Tài.

Một nút giao thông sử dụng công nghệ 3D để mô phỏng được sử dụng trong đồ án đạt giải Loa Thành 2022. Ảnh: NC

Một nút giao thông sử dụng công nghệ 3D để mô phỏng được sử dụng trong đồ án đạt giải Loa Thành 2022. Ảnh: NC

“Thầy hướng dẫn cho chúng em từ cách lấy rồi chọn lọc số liệu, xử lý số liệu, tính toán lưu lượng… Ngoài tham khảo các tài liệu của nước ngoài về các phương thức tổ chức giao thông thì nhóm em còn tìm hiểu thực tế hai nút giao thông tại Đà Nẵng là: nút giao thông phía Tây Cầu Rồng và nút giao thông Xô Viết Nghệ Tĩnh – Nguyễn Hữu Thọ.

Điều đặc biệt tại hai nút giao thông này là phần làn đường cho xe máy được đẩy lên phía trước (ô tô phía sau). Hai nút giao thông ở Đà Nẵng thực hiện theo phương thức này và thực tế đã phát huy tác dụng khi hạn chế được tắc nghẽn.

Ngoài ra, chúng em cũng nghiên cứu đến phương án rẽ xe 2 làn như ở Đài Loan nhưng thực tế tại Việt Nam, thực hiện điều này không phù hợp do vướng về mặt bằng (đường hẹp)”, Hưng cho hay.

Để hoàn thành đồ án của mình, Hưng và Tài phải ứng dụng công nghệ 3D để mô phỏng các nút giao thông cũng như điều tiết lưu lượng xe giống với thực tế.

“Ban đầu hai đứa em còn gặp nhiều khó khăn khi sử dụng công nghệ để xử lý các số liệu. Nhưng nhờ sự hướng dẫn của thầy Hiệu trưởng, chúng em đã tự tin hơn để triển khai các ý tưởng của mình”, Tài cho biết thêm.

Khi đồ án được hoàn thành, Hưng và Tài đã nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các chuyên gia, nhà quản lý để khuyến khích việc nghiên cứu được tiếp tục.

“Nhóm đã nhận được nhiều góp ý từ các thầy, cô, các chuyên gia về giao thông… Qua đó, chúng em đã rút ra được những bài học quý giá để hoàn thành đồ án”, Tài cho hay.

Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của hai chàng trai sinh viên năm 4, trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp, công trình nghiên cứu của Hưng và Tài đã đạt được số điểm cao nhất trong cả khóa (9.60).

Với thành tích này, đồ án tốt nghiệp của Hưng và Tài đã xuất sắc giành giải nhất và được nhà trường cử làm đại diện đi thi cuộc thi Loa Thành 2022. Qua sự xét chọn ngặt nghèo, căng thẳng, đồ án tốt nghiệp của Hưng và Tài đã xuất sắc giành giải nhì Loa Thành 2022.

“Biết được đồ án đạt giải Loa Thành 2022, chúng em rất vui và mong muốn có cơ hội đưa những nghiên cứu trong đồ án của mình ra ứng dụng thực tiễn. Từ đó, giúp tình hình giao thông của thành phố Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh, thành khác tốt hơn”, Hưng vui vẻ nói.

AN NGUYÊN