Chỉ còn vài ngày nữa là đến khai giảng năm học 2022-2023, các địa phương trên cả nước gần như đã hoàn tất công tác chuẩn bị sẵn sàng chào đón học sinh trở lại trường. Riêng đối với các trường vùng cao, vùng sâu do khó khăn đặc thù nên công tác chuẩn bị trường lớp đón năm học mới có điểm đặc biệt hơn các địa phương khác.
Đến thời điểm hiện tại, các trường ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cơ bản đảm bảo các điều kiện về phòng học; sắp xếp, bố trí chỗ ăn, ở cho học sinh bán trú. Cùng với đó, các trường đã sửa chữa bàn ghế, đồ dùng, dụng cụ, giường ngủ cho học sinh ở bán trú. Trên cơ sở nguồn kinh phí được giao, các trường chủ động mua sắm bổ sung bàn ghế học sinh.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thị Lương, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 Bắc Hà (Lào Cai) cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường có hơn 1.200 học sinh chia ra thành 30 lớp; trong đó có 12 lớp 10 với 500 học sinh.
“Năm học này, số học sinh vào lớp 10 tăng, đồng nghĩa với việc phòng học cần nhiều hơn, tuy nhiên trường không được đầu tư xây thêm phòng học, phòng chức năng. Trường tháo gỡ khó khăn này bằng cách triển khai dạy học 2 ca sáng và chiều để có đủ phòng học.
Ngoài quét dọn phòng lớp học, vệ sinh toàn trường, khu bán trú, nhà ăn... giáo viên còn kiểm tra, sửa chữa từng bộ bàn ghế, cửa sổ, cửa ra vào, đồ dùng dạy học. Các thầy cũng dỡ từng chiếc quạt trần trong các lớp để lau chùi, tra dầu mỡ, siết lại ốc vít, cánh quạt”, cô Phạm Thị Lương nói.
Giáo viên Trường Trung học phổ thông số 1 Bắc Hà kiểm tra, sữa chữa đồ dùng. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Học sinh Trường Trung học phổ thông số 1 Bắc Hà dọn dẹp đón ngày khai giảng. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 Bắc Hà thông tin, ngày 18/8, Trường Trung học phổ thông số 1 Bắc Hà có một buổi tập trung học sinh toàn trường. Căn cứ vào số liệu học sinh tham gia hôm đó, nhà trường tiến hành rà soát, vận động học sinh ra lớp, nếu không được sẽ tuyển đợt bổ sung.
“Từ 22/8 giáo viên toàn trường được chia thành nhiều nhóm, tỏa xuống từng xã, thôn để vận động học sinh trở lại trường lớp. Năm nay, dù ngày khai giảng đang cận kề nhưng còn khoảng 40 học sinh đỗ trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chưa tới trường làm thủ tục nhập học.
Vì vậy, giáo viên đã phải xuống từng nhà học sinh vận động trực tiếp. 2/3 trong số 40 học sinh đã đồng ý tới trường làm thủ tục nhập học, 1/3 vì nhiều lý do khác nhau quyết định dừng học. Vì vậy nhà trường phải làm kế hoạch bổ sung, gọi thêm học sinh không đỗ đợt 1”, cô Phạm Thị Lương nói.
Hiện tại, Trường Trung học phổ thông số 1 Bắc Hà đã chuẩn bị được đầy đủ về cơ sở vật chất và nguồn học liệu đối với lớp 11, 12. Tuy nhiên, đối với lớp 10 học chương trình giáo dục phổ thông mới thì nhà trường chưa chuẩn bị được tài liệu, chưa có sách giáo khoa mới vì chưa “chốt” chính xác sẽ học tài liệu nào nên chưa thể đăng ký mua.
Bên cạnh nỗi lo về sách giáo khoa, nhà trường cũng đang thiếu hơn 10 biên chế giáo viên các môn học, được biết trường đã có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai xin bổ sung biên chế.
Trường Trung học cơ sở Cao Văn Bé (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) là một trong những trường học ở địa bàn khó khăn nhất tỉnh Khánh Hòa. Trường chỉ có hơn 300 học sinh, hầu hết là người dân tộc thiểu số như: Raglai, T’rin, Ê đê… Việc duy trì sĩ số học sinh hàng năm là nhiệm vụ thường xuyên đối với nhà trường.
Thầy Nguyễn Minh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Sau mỗi kỳ nghỉ hè dài, đến mỗi mùa chuẩn bị khai giảng, các giáo viên nhiều lần phải vượt núi từ 5 - 10km đến từng gia đình thăm hỏi, động viên phụ huynh, học sinh thuyết phục các em ra lớp.
Năm học 2022-2023, Trường Trung học cơ sở Cao Văn Bé dự kiến có 8 lớp với 316 học sinh. Qua rà soát trong buổi tập trung trước thềm năm học mới, khoảng 20 học sinh không tới trường”.
Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, thầy Nguyễn Minh Hùng cho biết, những học sinh không tới trường chủ yếu ở các lớp 6, lớp 7. Vì trước kia em những này học ở các trường tiểu học ngay gần nhà, đi lại thuận tiện, giờ chuyển lên học ở trường trung học cơ sở cách nhà xa, đi lại khó khăn.
Có những em vì nhà xa nên mang tâm lý không muốn tới trường học nữa. Với những em nhà xa trường, bắt buộc các em cần có phương tiện đi lại hoặc được phụ huynh đưa tới trường. Lúc này, nhiệm vụ của giáo viên vô cùng quan trọng, phải đến tận nhà vừa động viên, thuyết phục cả học sinh lẫn phụ huynh để các em tiếp tục đến lớp.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị trước khi bước vào năm học mới, thầy Nguyễn Minh Hùng cho hay: “Công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của nhà trường gần như đã hoàn tất, đảm bảo. Tuy nhiên, điều tôi lo ngại là hàng năm thường xảy ra tình trạng điều chuyển giáo viên, nếu năm nay điều chuyển thì nhà trường sẽ thiếu. Bên cạnh đó, nhà trường mới có 12 bộ máy tính để phục vụ cho học sinh học môn Tin học. Như vậy, với trung bình sĩ số mỗi lớp hơn 30 học sinh như hiện nay, 3 em học sinh sẽ dùng chung một bộ máy tính”.
Thầy giáo Lường Văn Văn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) chia sẻ, trường thuộc huyện vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn nên nhà trường tổ chức cho học sinh ăn, ở bán trú tại trường. Hiện tại, nhà trường cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất để chuẩn bị năm học mới, về cơ bản cũng đáp ứng được chương trình.
“Vì trường chưa có giáo viên tiếng Anh, Tin học nên đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn bố trí giáo viên từ nơi khác đến dạy. Năm nay, nhà trường được bố trí 10 máy tính để tổ chức dạy Tin học bắt buộc đối với học sinh lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, năm học này, trường có 70 học sinh lớp 3 chia làm 3 lớp nên thực tế số máy được cấp chưa đáp ứng đủ cho tất cả học sinh, mỗi tiết Tin học, 2-3 học sinh sẽ dùng chung một máy”, thầy giáo Lường Văn Văn nói.