Phụ huynh ủng hộ việc quy định mức thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục
Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định triệu tập các vị đại biểu dự Kỳ họp thứ 6 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2022) Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 -2026). Dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày (từ 18-20/7)
Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ quyết định mức học phí năm học 2022 - 2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, phê duyệt danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố.
Trong đó, bao gồm một số dịch vụ như: Tổ chức ăn, ngủ cho học sinh bán trú; nước uống tinh khiết cho học sinh; đồ dùng phục vụ cá nhân trẻ bán trú; lao công dọn dẹp; điện, nước, giáo dục kỹ năng sống,…đang diễn ra ở các trường học theo hình thức thoả thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh đăng ký sử dụng dịch vụ cho con em mình.
Từ trước đến nay, các khoản thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục này ở mỗi trường, mỗi quận, huyện trên địa bàn thành phố và ở các cấp học khác nhau không có sự thống nhất.
Tham khảo ý kiến của các phụ huynh có con đang học tại các cơ sở giáo dục ở Hải Phòng, Nghị quyết này rất cần thiết và mang đến sự yên tâm
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Vũ Hoàng Anh (trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) có con đang theo học tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu chia sẻ: “Khi biết đến thông tin thành phố sẽ quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tôi cảm thấy đây là điều rất cần thiết.
Từ trước đến nay, do các khoản thu này tại mỗi trường sẽ khác nhau, phụ huynh có muốn đối chứng so sánh xem thu đúng hay sai, cao hay thấp cũng không có căn cứ nào cả. Nên cứ mỗi dịp các nhà trường triển khai thu nhiều phụ huynh có ý kiến, thắc mắc.
Việc thoả thuận giữa phụ huynh và nhà trường gặp khó khăn sẽ gây nên những vụ việc đơn thư, khiếu nại.
Vì vậy, tại kỳ họp này Hội đồng nhân dân thành phố bàn thảo, quyết định và thông qua Nghị quyết này, các dịch vụ hỗ trợ giáo dục sẽ là khoản thu theo quy định được phép thu thì vừa thuận lợi cho nhà trường khi triển khai vừa mang lại sự yên tâm cho phụ huynh chúng tôi”.
Phụ huynh ủng hộ và mong muốn Nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ tại các cơ sở giáo dục công lập sẽ được thông qua và áp dụng trong năm học tới (Ảnh: Phạm Linh) |
Cùng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Nga (trú tại huyện An Dương, Hải Phòng) có con đang ở lứa tuổi học mầm non cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ và mong muốn Nghị quyết quy định về các khoản thu dịch vụ sẽ được thông qua và áp dụng trong năm học tới.
Khi trở thành khoản thu theo quy định của thành phố và có sự thống nhất giữa các quận, huyện thì phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm.
Con vừa được hưởng những dịch vụ hỗ trợ giáo dục theo yêu cầu mà lại không băn khoăn về mức thu cao hay thấp, phụ huynh ai cũng sẽ ủng hộ”.
Anh Trần Bảo Chung, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, Hải Phòng) chia sẻ thêm: “Hiện nay, rất nhiều phụ huynh có mong muốn nhà trường tạo điều kiện cho con được học tập, rèn luyện trong môi trường tốt hơn.
Nếu có quy định mức thu chung cho các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố sẽ được đông đảo phụ huynh tán thành”.
Có nên điều chỉnh mức thu phù hợp với khu vực nội thành?
Ủng hộ việc thành phố quy định các khoản dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tạo cơ sở pháp lý cho các nhà trường triển khai trong năm học tới, tuy nhiên chị Vũ Hoàng Anh cho rằng mức thu của một số danh mục chưa phù hợp với các trường ở khu vực nội thành.
Điển hình như khoản tiền ăn, theo chị Hoàng anh, mức thu được thành phố đưa ra mức chung là 25.000 đồng/học sinh (trẻ)/ngày sẽ thấp so với mức thu hiện tại ở các trường thuộc các quận nội thành.
“Tôi băn khoăn mức 25.000 đồng, mức thu thấp hơn so với hiện tại cho cả tiền ăn bữa chính, bữa phụ và tiền chất đốt thì có ảnh hưởng chất lượng bữa ăn của các con hay không?
Ở khu vực nội thành, mức giá thực phẩm không ổn định, nhiều lúc ngay cả rau cũng tăng giá rất cao.
Thông thường ở trường các con sẽ được uống sữa bữa phụ sữa với mức khoảng 7.000/hộp, như vậy mức thu này không thể đủ cho cả 2 bữa ăn và sữa được.
Tôi đề xuất nâng mức bữa ăn thành mức tối đa 30.000 đồng/bữa để các trường ở cả khu vực nội thành và ngoại thành có sự điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo dinh dưỡng cho các con khi ăn bán trú tại trường” chị Hoàng Anh bày tỏ quan điểm.
Còn theo chị Nguyễn Thị Nga: “Đối với cấp học mầm non, việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ là quan trọng nhất. Con được chăm sóc tốt hay không thì hoàn toàn dựa vào các cô nuôi.
Theo quan điểm của tôi, ‘có thực với vực được đạo’ nên các cô nuôi cũng cần được hưởng các chế độ đãi ngộ xứng đáng.
Mức thu quy định của thành phố là 200.000 đồng/trẻ/tháng vậy liệu có đủ để chi trả lương và đảm bảo cuộc sống của giáo viên hay không?”.
Phụ huynh và giáo viên đề xuất thành phố xem xét điều chỉnh mức thu quy định các khoản dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục phù hợp, đảm bảo điều kiện chăm sóc học sinh và quyền lợi của giáo viên (Ảnh: Phạm Linh) |
Khi khảo sát ý kiến của giáo viên, nhân viên chăm nuôi tại một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố, đa số ý kiến đều ủng hộ việc quy định các khoản thu dịch vụ cho các cơ sở giáo dục công lập nhưng mức thu một số danh mục như: tiền ăn, chăm sóc bán trú (Thuê người nấu ăn, phục vụ); dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học (hỗ trợ CSVC, điện, nước...) chưa thực sự phù hợp với khu vực nội thành.
Một giáo viên tiểu học (đề nghị không nêu danh tính) cho biết: “Chúng tôi gắn bó cả ngày ở trường, chăm lo đến từng giờ học, từng bữa ăn (khác với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông chỉ dạy theo tiết) nhưng chỉ có khoản thu nhập thêm liên quan đến trông học sinh, không được dạy thêm như bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trong khi đó sĩ số lớp mầm non và tiểu học không nhiều, số tiết trông trẻ chỉ tối đa 5 tiết/ tuần do học sinh học từ thứ hai đến thứ sáu.
Nếu thành phố quy định 10.000 – 12.000 đồng/tiết/học sinh thì thu nhập thêm của chúng tôi còn quá thấp trong khi chi phí sinh hoạt ở nội thành đắt đỏ, biến động liên tục.
Trong bản dự thảo đưa ra mức thu 200.000 đồng/học sinh cho việc chăm sóc bán trú (thuê nhân viên nấu ăn, phục vụ).
Trong khi đó, từ nhiều năm nay, mức thoả thuận với phụ huynh tại các cơ sở giáo dục thuộc khu vực nội thành cho chăm sóc bán trú rơi vào khoảng 250.000 đồng/học sinh/tháng.
Mức quy định thấp hơn so với hiện tại đồng nghĩa với việc lương của giáo viên, nhân viên chăm nuôi thấp đi nên chúng tôi rất lo lắng”.