Phụ huynh xin chuyển lớp cho con vì... giáo viên già

25/10/2019 06:40
Hồ Oanh
(GDVN) - "Sức khỏe này chắc cũng không ổn, quan vừa tha ma đã đến bắt rồi. Nay tăng tuổi nghỉ hưu, học trò lại thiệt thòi thôi thầy ạ”.

Chuyện phụ huynh học sinh chọn trường, chọn lớp là chuyện xưa như … trong giáo dục Việt Nam. Trong dịp lễ gặp mặt trao quyết định giáo viên nghỉ hưu, được nghe tâm sự của cô giáo S. dạy Tiểu học, thật sự mới ngậm ngùi cho nghề giáo.

Cô giáo kể, nước mắt lưng tròng “Mấy năm rồi, em đi dạy vừa buồn vừa tủi; những ngày tuyển sinh đầu năm, nhà trường phân công trực tuyển sinh, cứ ngày em trực là y như rằng không có phụ huynh đăng ký; nhiều phụ huynh đã vào trường rồi, thấy em là họ quay xe ra về.

Thấy lạ, em tò mò đến nhà đứa học trò cũ, hỏi thật nó “Sao con không vào đăng ký học cho cháu mà quay xe về vậy?".

Ngần ngừ mãi nó đành nói thật: "Con biết cô dạy nhiệt tình, trách nhiệm, nhưng mấy năm nay cô già rồi, sức khỏe yếu; chân bị giãn tĩnh mạch, ngồi nhiều hơn đứng, nói nhỏ học trò không nghe; bọn trẻ con nó không thích cô giáo già nên … con quay xe về.

Cô hỏi mà con không nói thật thì mang tội, cô đừng buồn con nghe”.

Mấy năm gần đây, em xin không chủ nhiệm, chỉ đứng lớp dạy mấy môn phụ. Mình biết, mà lực bất tòng tâm, không làm được, cứ mong từng ngày qua mau để được về hưu, nghỉ ngơi.

Sức khỏe này chắc cũng không ổn, quan vừa tha ma đã đến bắt rồi. Nay tăng tuổi nghỉ hưu, học trò lại thiệt thòi thôi thầy ạ”.

Nếu sức khỏe không còn đáp ứng công việc, nghỉ hưu trước tuổi cũng là giải pháp mà thầy cô giáo cần tìm hiểu. (Ảnh minh họa trên Báo Nghệ An)
Nếu sức khỏe không còn đáp ứng công việc, nghỉ hưu trước tuổi cũng là giải pháp mà thầy cô giáo cần tìm hiểu. (Ảnh minh họa trên Báo Nghệ An)

Thầy T. hiệu trưởng chia sẻ “Lúc đầu phân công các cô lớn tuổi không chủ nhiệm, cũng có người phản đối, kiện cáo. Chỉ đến khi em ghi âm các cuộc nói chuyện với phụ huynh đến xin chuyển lớp cho con, cho các cô nghe, các cô mới thông cảm với sự sắp xếp chuyên môn của nhà trường.

Nói thật, trong túi xách các thầy cô cận tuổi hưu, nào là nước, sữa, kẹo sâm… thuốc tây; hỏi làm sao mà “nhiệt huyết” được?

Tăng tuổi nghỉ hưu thì còn căng nữa; nghề giáo thật ra vô cùng vất vả, bán phổi mà sống; nên em đang có đề xuất lên Phòng giáo dục, san sẻ các giáo viên già giữa các trường, để phân công chuyên môn cho hợp lý, giảm bớt tác động tiêu cực cho học trò”.

Một thực tế đau lòng, khi đến các trường học, nhìn giáo viên trực tiếp đứng lớp cận tuổi nghỉ hưu hiện nay, đại đa số đều có vấn đề trầm trọng về sức khỏe. Bệnh phổ biến là xơ thanh quản; khô tuyến nước bọt; giãn tĩnh mạch; tim mạch, tiểu đường, huyết áp v.v...

Việc nhìn thấy giáo viên nghỉ hưu vẫn còn “phong độ” là rất hy hữu.

Gừng càng già càng cay, giáo viên càng già sức khỏe càng tàn tạ. Dẫu muốn cống hiến cũng khó lòng thực hiện được.

Không ít giáo viên đã xin về hưu trước tuổi vì tự trọng, vì mong muốn được “hưởng lương hưu”; cũng không ít giáo viên về hưu trước tuổi nhưng sống ở bệnh viện nhiều hơn … ở nhà.

Để đảm bảo cho thầy cô lớn tuổi cống hiến, phải làm sao đây?

“Thầy già con hát trẻ” không phải lúc nào cũng đúng
“Thầy già con hát trẻ” không phải lúc nào cũng đúng

Với Mầm non, Tiểu học, không nên bố trí giáo viên lớn tuổi chủ nhiệm lớp; chọn công việc phù hợp với sức khỏe, tuổi tác bố trí cho họ.

Với bậc Trung học, sắp xếp thời khóa biểu phù hợp, không xếp lịch dạy liên tục, mỗi buổi chỉ tối đa 3 tiết, cứ hai tiết là phải có tiết trống để nghỉ ngơi.

Chọn các công việc kiêm nhiệm, cần kinh nghiệm hơn sức khỏe như tư vấn tâm lý, hoạt động hướng nghiệp, coi thi, coi kiểm tra, tuyển sinh đầu năm… để đảm bảo giáo viên vẫn đủ tiết quy định.

Việc tăng tuổi hưu có cân nhắc với giáo viên mầm non, tiểu học là chuyện của Quốc hội. Nghỉ hưu là quyền của mỗi người, nếu sức khỏe không còn đáp ứng công việc, nghỉ hưu trước tuổi cũng là giải pháp mà thầy cô giáo phải tìm hiểu, tính đến vì bản thân, cũng vì cộng đồng, vì học sinh thân yêu.

Hồ Oanh