Phúc khảo lạ lùng và nguồn cơn nhức nhối

10/04/2018 06:42
Trương Nam Tiến
(GDVN) - Bản chất nhà giáo vốn không tồi tệ đến thế, có chăng vấn đề nằm ở những kẻ đứng sau quy trình tuyển dụng khiến trắng đen thay đổi.

Thật là “phúc cho người được “khảo”. Một kỳ thi tuyển giáo viên, sau khi “lật” lại hồ sơ người trượt trở thành thủ khoa.

Có hay không chuyện người ta phúc khảo bằng mùi tanh polymer?

Xưa nay phúc khảo trượt thành đỗ là chuyện bình thường, nhưng “khảo” xong tự nhiên “phúc” đến quá ngất ngưỡng quả thật hiếm thấy.

Công an vào cuộc vụ thi tuyển giáo viên rớt, phúc khảo thành thủ khoa

Chuyện thật một trăm phần trăm này xảy ra ở Quảng Ngãi, mà không phải một vài người, có đến 1.658 chỉ tiêu giáo viên được tuyển dụng. Có chắc là sẽ soát hết chừng ấy hồ sơ hay chỉ làm thí điểm một vài sự việc nổi cộm.

Có hay không rồi cũng rõ như mọi sự việc nhức nhối khác. Nhưng có phải chúng ta chỉ có chờ cho rõ rồi thôi. Mà rõ rồi sao nữa? Không trả lời câu hỏi này là chưa đi đến cùng sự việc để tiêu diệt nói mọi lúc, mọi nơi.

“Chạy” không xấu mà người nhận “chạy” mới là xấu, trong số những người “chạy” việc vẫn có một bộ phận có năng lực thật sự, nhưng vì phải cạnh tranh với những thứ khác ngoài chất xám nên phải dùng thứ không phải chất xám.

Thi tuyển viên chức là một quá trình ngặt nghèo, quy trình tuyển dụng hiện đang áp dụng đủ sức chọn được những thầy cô tài năng.

Vấn đề ở đây là người ta rắp tâm phá hoại nó. Vì là quy trình ngặt nghèo nên một bàn tay khó có thể “bẻ nạng chống trời”.

Người ta trở thành nhà giáo bằng một kỳ thi tuyển công minh liêm chính ắt có cái nhìn đẹp đẽ hơn về nghề mình đang làm, ngược lại người đứng trên bục giảng bằng mánh lới thì có lẽ cái đạo nhà giáo đã bị lỗi ngay từ ngày nó chớm nở.

Nhưng thưa Bộ trưởng, bản chất nhà giáo vốn không tồi tệ đến thế, có chăng vấn đề nằm ở những kẻ đứng sau quy trình tuyển dụng khiến trắng đen thay đổi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa có Chỉ thị về “chấn chỉnh đạo đức nhà giáo” đúng vào lúc những vụ việc đau lòng trong ngành giáo dục vừa quét qua.

Vị thế của người giáo viên (Ảnh minh họa: hungyentv.vn).
Vị thế của người giáo viên (Ảnh minh họa: hungyentv.vn).

Trong nhân gian không nghề gì cao quý bằng nghề dạy học, ai mà nỡ “hạ nhục” nó thật đáng tội tày trời.

Và cũng xin nói luôn, trong hàng vạn sinh viên đang ngồi trong các trường sư phạm không phải trải qua 4 năm cũng đủ chuẩn trở thành thầy cô giáo.

Một người tin tưởng vào nền giáo dục nước nhà chắc chắn không muốn thừa nhận những chuyện chưa tốt trong giáo dục ngày một nhiều, không ai muốn thế, nhưng không phải không thừa nhận nó là thái độ tốt.

Cha ông ta nói “có bệnh vái tứ phương” bệnh ngày một nặng thêm nếu không chẩn đoán trúng để có phương thuốc hiệu trị. Những vụ việc như vừa xảy ra với giáo cũng không phải quá khó tìm hiểu nguyên nhân.

Chữ “TÂM” của nhà giáo giờ thành đề tài nóng hơn bao giờ hết, nhưng cái “TÂM” của người tuyển chọn, sử dụng nhà giáo cũng không kém phần quan trọng, đó mới là nguồn cơn để người ta nhìn vào nhà giáo bằng con mắt đầy đặn hay khiếm khuyết.

Những góc khuất trong chấm phúc khảo

Giáo dục – xin đừng động vào nó với đầu óc toan tính vụ lợi, quốc tế đã xem giáo dục là “phi lợi nhuận” từ lâu, tức là giáo dục chỉ mang mục đích nhân văn là kiến thiết con người. Và thẳng tuột ra là không nên “kiếm chác” ở giáo dục. Vì đó là tội ác!

Phá hoại giáo dục là trực tiếp ngăn cản tiến bộ xã hội, tác động trực tiếp đến CON NGƯỜI.

Không gì buồn hơn nếu con em của chúng ta hàng ngày phải cúi đầu lắng nghe đạo đức từ những người bị “lỗi” phần nhân cách.   

Trương Nam Tiến