Phúc khảo biến trượt thành thủ khoa thì phải xem xét kỉ luật ban giám khảo

02/04/2018 07:04
Phan Tuyết
(GDVN) - “Có hay không chuyện chạy phúc khảo?”. “Liệu có bàn tay maphia nào đạo diễn để xoay vần kết quả?”. Hay ban giám khảo lần đầu chấm non tay, làm điều mờ ám?

LTS: Sau một số trường hợp từ trượt thành đỗ sau khi được chấm phúc khảo, với mong muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về những góc khuất trong công tác chấm thi này, cô Phan Tuyết đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Theo đó, cô Phan Tuyết thẳng thắn bày tỏ, muốn chấm dứt tình trạng tiêu cực trên, cần có quy định kỉ luật thật nặng ban giám khảo nào chấm sai.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vài năm trở lại đây, chuyện thi trượt công chức nhưng nhờ phúc khảo lại trở thành đỗ đã xảy ra khá phổ biến và mức độ gia tăng ngày càng nhiều.

Nhiều câu hỏi đặt ra “có hay không chuyện chạy phúc khảo?”.

“Liệu có bàn tay maphia nào đạo diễn để xoay vần kết quả chăng?”.

Hay ban giám khảo lần đầu chấm non tay, làm điều mờ ám?

Giáo viên chấm thi ( Ảnh minh họa: Tấn Thạnh).
Giáo viên chấm thi ( Ảnh minh họa: Tấn Thạnh).

Những vụ trượt – đỗ điển hình

Mới đây, tại Hội đồng thi huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là người có số điểm đứng thứ 3 và bị trượt so với chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên của ngành Hóa học bậc trung học cơ sở, thế nhưng sau khi xin phúc khảo, chị N.T.T đã bất ngờ vươn lên trở thành thủ khoa của ngành này với 365,67 điểm.

Còn chị N.T.H, thí sinh trước đó có số điểm đứng thứ 2 và đỗ thì trở thành trượt. [1]

Trước đó, Báo Tiền Phong cũng thông tin, thí sinh Nguyễn Thái Tâm thi tuyển viên chức giáo viên năm 2017 ở Thới Bình, do Ủy ban nhân dân huyện này tổ chức, đạt điểm 394/400 điểm, gần như thủ khoa kỳ thi.

Đã trượt, phúc khảo thành... thủ khoa, bi hài thi tuyển giáo viên ở Quảng Ngãi

Nhưng sau khi chấm phúc khảo, thí sinh Nguyễn Thái Tâm trượt vị trí viên chức giáo viên Trường tiểu học Tân Xuân, xã Tân Phú (Thới Bình).

Bởi lẽ, có 3 thí sinh khác có số điểm từ bằng đến cao hơn em 0,5 điểm (tức tăng từ 3,5-6 điểm) sau khi phúc khảo.

Ở kì thi công chức ngành giáo dục ở Vũng Tàu, cả hai thí sinh đạt điểm thủ khoa đều trượt, vì... hai á khoa xin phúc khảo và được tăng điểm.

Rồi, Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre công bố điểm kỳ thi tuyển công chức năm 2011 của tỉnh. Đáng lưu ý, có đến 43 người đã được nâng điểm (sau phúc khảo) để đủ điều kiện trúng tuyển làm công chức. [2]

Cần có mức kỉ luật cho ban giám khảo chấm sai

Sau những câu chuyện lùm xùm quanh việc đỗ - trượt đã có khá nhiều cuộc thanh tra diễn ra và không ít lần kết quả của phúc khảo đã bị hủy.

Điều đáng nói để tổ chức lại đợt phúc khảo thì ngân sách nhà nước cũng phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ cho những cuộc họp, cho ban giám khảo mới, cho tổ phúc tra…

Chắc chắn sẽ có một ban giám khảo lần đầu hoặc lần phúc khảo chấm sai. Nhưng tuyệt nhiên chưa thấy địa phương nào áp dụng hình thức kỉ luật.

Vì thế, giám khảo chấm thi dễ dàng sinh tâm lý “chấm đại, chấm vô tội vạ cũng chẳng hề hấn gì” hay cứ vô tư nhận lời ủy thác, sự nhờ vả của một ai đó hoặc cứ nhận phong bao nơi cửa sau...

Những góc khuất trong chấm phúc khảo

Có lẽ cũng vì không bị làm sao mà ngày càng phổ biến chuyện chấm phúc khảo từ trượt đã thành đỗ.

Thế nên muốn chấm dứt tình trạng tiêu cực trên, cần có quy định kỉ luật thật nặng ban giám khảo nào chấm sai.

Đồng thời buộc những người làm sai phải tự bỏ tiền để lo mọi chi phí xảy ra khi chấm phúc khảo.

Có như thế, những người “cầm cân nảy mực” mới làm hết trách nhiệm, mới đặt chữ tâm vào công việc của mình để giảm thiểu đến mức thấp nhất chuyện bị rớt oan.

Tài liệu tham khảo:

http://danviet.vn/tin-tuc/quang-ngai-bi-hai-thi-sinh-sau-phuc-khao-tu-rot-tro-thanh-thu-khoa-nganh-thi-861863.html [1]

http://plo.vn/xa-hoi/thi-tuyen-cong-chuc-tinh-ben-tre-43-nguoi-rot-thanh-dau-76036.html [2]

Phan Tuyết