Quá phục nỗ lực của thầy giáo 8X khiếm thị dạy tiếng Anh

19/03/2012 06:00
Khánh Vân
(GDVN) - Tốt nghiệp Viện ĐH Mở Hà Nội, chàng trai khiếm thị 8X vỡ òa hạnh phúc khi ước mơ mở lớp và dạy tiếng Anh thành hiện thực.
Lớp học vừa tan, Đạt ngồi ngẩn ngơ một mình dường như không tin mình đã thực sự trở thành thầy giáo. Suốt cả ngày hôm qua Đạt đã hồi hộp biết chừng nào và mong biết bao sẽ tới ngày mai và giờ thì tất cả đã vận hành một cách trơn tru như ý. 
Bản thân tôi khi mới nghe cũng không sao hình dung nổi một người khiếm thị như Đạt thì làm thế nào có thể mở lớp tiếng Anh mà học trò thì toàn là người bình thường?

“Cái gì đến thì tự nó đến thôi”,
đó là lời chia sẻ rất giản dị và khiêm tốn của Nghiêm Đình Đạt, sinh năm 1984 ở Yên Phong, Bắc Ninh về những thành công của mình.

Chàng trai Kinh Bắc đam mê không ngừng tiếng Anh

Chồng giấy khen dày cộp chính là minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi của Đạt. Tôi biết để có được kết quả ngày hôm nay chắc chắn Đạt đã trải qua không ít gian truân. Mặc dù là người con duy nhất trong gia đình bị khiếm thị song Đạt luôn luôn được bố mẹ tạo điều kiện hết mức nhất là trong chuyện học hành. 
Đạt đùa rằng mình sinh ra ở nông thôn mà không hiểu sao lại thích học tiếng Anh thế không biết.. Nhớ lại những ngày bắt đầu học tiếng Anh, đó là năm lớp 6, Đạt còn không biết sẽ phải làm thế nào để theo kịp các bạn. Ấy vậy mà năm lớp 9 Đạt lại được chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện và đã đạt giải nhất với môn tiếng Anh cùng giải 3 môn văn. 

Nghiêm Đình Đạt luôn mày mò tự học tin học, tiếng Anh từ khi còn nhỏ. Đạt hay đùa rằng mình ở nông thôn nhưng không hiểu sao lại thích học tiếng Anh đến như vậy.
Nghiêm Đình Đạt luôn mày mò tự học tin học, tiếng Anh từ khi còn nhỏ. Đạt hay đùa rằng mình ở nông thôn nhưng không hiểu sao lại thích học tiếng Anh đến như vậy.

Nói về thành tích đó Đạt khiêm tốn nói: “Mình sinh ra đã thiệt thòi hơn các bạn nên mình luôn nghĩ là phải cố gắng nhiều hơn bình thường cốt là cho bằng bạn bằng bè thôi vậy mà kết quả lại hơn cả mong đợi”. Không biết có phải đó là động lực thúc đẩy không mà càng ngày Đạt càng yêu thích và tìm đủ mọi cách để trau dồi môn tiếng Anh. 
Lên cấp III, Đạt không thể học hòa nhập nữa vì không nơi nào chịu nhận, Đạt phải sang Hà Nội để xin vào học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố vì ở đó là nơi duy nhất mà Đạt biết là có nhận học sinh khiếm thị.

Tiếng Anh là môn học không bắt buộc nên Đạt chỉ có thể tự học bằng những hình thức khác nhau. Đạt dò tìm các kênh nước ngoài trên radio để nghe những chương trình trên đó, có những chỗ không hiểu thì Đạt đánh dấu lại rồi sau đó tra từ điển hoặc hỏi sau. 
Mỗi chiều chủ nhật, ngay tại trường Nguyễn Văn Tố có một CLB tiếng Anh, Đạt không bỏ lỡ và luôn tích cực tham gia. Ban đầu Đạt cũng ngại vì nghĩ họ toàn là người bình thường lại đều giỏi tiếng Anh không biết mình có thể theo được không? Nhờ vốn tiếng Anh sẵn có cộng thêm lòng ham học hỏi và nhiệt tình, Đạt nhanh chóng hòa nhập được vào mọi hoạt động của CLB.
Lên đại học, Đạt cũng không được thi vào trường mình thích nên đành nộp hồ sơ vào khoa tiếng Anh của Viện Đại học Mở Hà Nội.

Trong thời gian sinh viên, Đạt luôn cố gắng khẳng định mình bằng chứng là trong mỗi dịp nhà trường đón tiếp khách nước ngoài Đạt lúc nào cũng là đại diện được mời đến làm phiên dịch giúp các em khóa dưới.

Cũng nhờ vào khả năng ngoại ngữ mà Đạt có cơ hội làm việc cho tổ chức ACCV tại Việt Nam (Qũy từ thiện của Úc vì trẻ em Việt Nam). Ở đó, Đạt không chỉ có điều kiện được trợ giúp cho những người đồng tật mà còn có nhiều cơ hội tiếp xúc cũng như kết bạn với người nước ngoài. Tuy vậy sau khi học xong Đạt lại quyết định trở về quê mở lớp.
Tôi hỏi Đạt có tiếc khi chia tay môi trường làm việc tốt như vậy không? Đạt trả lời một cách nhẹ nhàng: “Sao lại tiếc, mình chỉ thay đổi công việc chứ đâu có cắt đứt quan hệ với những người bạn ở đó”.

Trước khi mở lớp Đạt đã thử dạy miễn phí cho nhiều người bạn, thậm chí là bạn của bạn, tất cả họ đều động viên Đạt nên mở lớp. Đạt cũng muốn vậy lắm chứ nhưng mình không nhìn thấy thì làm sao mà dạy cho người sáng mắt? 

Nỗ lực được đền đáp

Trăn trở mãi rồi cũng ra cách, Đạt nhờ bạn tìm mua giúp một chiếc máy chiếu rồi họ hướng dẫn luôn cả cách sử dụng để kết hợp với giáo án Đạt soạn sẵn trên máy tính có phần mềm hỗ trợ riêng cho người khiếm thị, khi cần sẽ chiếu lên tường thay cho việc viết lên bảng giúp học trò tiện quan sát mà mình thì không mất quá nhiều thời gian phát âm. 

Cuối cùng nỗ lực của chàng trai khiếm thị sinh năm 1984 này đã được đền đáp khi Đạt mở lớp tiếng Anh tại nhà.
Cuối cùng nỗ lực của chàng trai khiếm thị sinh năm 1984 này đã được đền đáp khi Đạt mở lớp tiếng Anh tại nhà.
Cuối cùng nỗ lực của chàng trai Kinh Bắc này được đền đáp khi lớp học được mở tại nhà của Đạt ở thôn Yên Xá, thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh.

 Lớp học ban đầu 8 học sinh đang học phổ thông. Tuy vậy không phải dễ gì mà một người khiếm thị có thể tạo lòng tin đối với người lạ cho nên họ đều đến dự một buổi dạy của Đạt và họ đã nhanh chóng ngưỡng mộ kiến thức cũng như khả năng phát âm ngoại ngữ của Đạt và không ngần ngại đăng ký học luôn. 
Đạt dự định không hạn chế lứa tuổi cũng như đối tượng học viên bởi vậy mà trình độ cũng như khả năng nhận thức của họ không tương đồng nên trước khi mở lớp Đạt sẽ sát hạch để kiểm tra trình độ của từng người rồi mới sắp xếp lớp. Trong tương lai lớp học đặc biệt này không chỉ dừng lại ở 8 học trò và sẽ mở rộng nhiều độ tuổi khác.
Cách dạy của Đạt không muốn tạo thêm áp lực và cố gắng tạo không khí học tập vui vẻ nhất bằng những chủ đề thú vị đồng thời hệ thống lại những kiến thức mà mọi người đã học. Đạt nghĩ rằng các em đã được học nhiều về ngữ pháp với từ vựng nên Đạt thường tìm tòi các bài nghe phù hợp trên internet để rèn luyện kỹ năng nghe, nói cho học trò. 
Không dừng lại ở đó, Đạt vẫn tiếp tục nộp hồ sơ xin làm biên dịch tại một vài cơ quan, thậm chí Đạt vẫn giữ mong muốn sẽ tự mở được một văn phòng chuyên nhận biên dịch các loại sách nếu có thể. Theo Đạt thì Đạt hoàn toàn có thể song song thực hiện tốt cả 2 việc vì nếu đi làm thì chủ yếu là trong giờ hành chính trong khi học sinh lại đa phần học ngoài giờ hoặc ngày nghỉ nên Đạt hoàn toàn có thể chủ động trong việc sắp xếp thời gian. 
Khánh Vân