Quan niệm kiểm tra chỉ là nhất thời không thể triệt tiêu được sự gian dối

04/01/2022 06:50
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khó đặt niềm tin trọn vẹn vào sự trung thực của học sinh, phụ huynh khi trường học tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến.

Ngày 13/10/2021, hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với báo chí rằng, cần dạy học bằng niềm tin, hãy tin học sinh, đừng để niềm tin bị xói mòn bởi bài kiểm tra trực tuyến. [1]

Ngày 25/12/2021, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh: “Trong bối cảnh kiểm tra trực tuyến, nhiều lo ngại về việc kết quả kiểm tra đánh giá có thể thiếu trung thực, chính xác, giáo viên và phụ huynh cần hiểu rằng kiểm tra chỉ là nhất thời.

Bản thân bố mẹ cũng cần nghiêm khắc để kiểm tra con đạt được năng lực đến đâu chứ không phải phó mặc cho nhà trường. Phụ huynh nên nhìn nhận đánh giá định kỳ trực tuyến ở khía cạnh tích cực, đánh giá đúng năng lực người học thay vì lo lắng gian lận”. [2]

Riêng cá nhân người viết cho rằng, khó đặt niềm tin trọn vẹn vào học sinh, phụ huynh khi trường học tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến vì nhiều lí do khác nhau.

Khó đặt niềm tin trọn vẹn vào sự trung thực của học sinh khi kiểm tra online. (Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn)

Khó đặt niềm tin trọn vẹn vào sự trung thực của học sinh khi kiểm tra online. (Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn)

Vì sao học sinh thiếu trung thực trong kiểm tra?

Kiểm tra theo hình thức trực tiếp hay trực tuyến nếu không có biện pháp giám sát chặt chẽ thì học sinh dễ dàng “qua mặt” thầy cô vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, một lớp học bao giờ cũng có những học sinh có lực học yếu, kém, kèm theo đó là ý thức học tập chưa tốt. Nếu kiểm tra bị điểm thấp, các em sợ cha mẹ, thầy cô la rầy nên luôn tìm cách để có thể làm được bài như sử dụng tài liệu, hỏi bạn bè.

Học sinh có lực học trung bình, kể cả khá, giỏi cũng có thể gian lận trong kiểm tra vì đề ra bao giờ cũng có những câu dài, câu khó. Bên cạnh đó, không ít giáo viên, phụ huynh tạo áp lực về thành tích nên khi kiểm tra trực tuyến, học sinh có thêm cơ hội làm bài thiếu trung thực.

Tôi từng ra đề mở môn Ngữ văn, cho phép học sinh được phép trích dẫn, sao chép không quá 30% tài liệu tham khảo nhưng lúc chấm bài thấy rất nhiều em vẫn copy vô tội vạ trên mạng Internet, cứ nghĩ có thể qua mặt được thầy cô và tâm lí thích được điểm cao.

Ngày 1/1/2022, một nhóm học sinh (bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh) của tôi làm khảo sát cho đề tài nghiên cứu khoa học có câu hỏi, “bạn có gian lận khi kiểm tra online hay không?”, với 2 phương án lựa chọn “có” hoặc “không” thì có đến 87,5% em trả lời “có”.

Thứ hai, kiểm tra trực tuyến, giáo viên rất khó giám sát học sinh qua camera nên việc đặt niềm tin vào sự trung thực ở các em là rất khó. Học sinh lớp nhỏ thì phụ huynh có thể trợ giúp, học sinh lớp lớn thì có rất nhiều chiêu trò, đôi khi giáo viên cũng không thể ngờ tới.

Một số học sinh bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh “bật mí” cho tôi biết, kì kiểm tra giữa học kì 1 vừa qua, một trang web chuyên giải bài tập bị sập suốt buổi sáng vì nhiều trường tổ chức kiểm tra trực tuyến đúng vào thời điểm đó, học sinh đua nhau vào tìm kiếm bài giải gây quá tải.

“Câu hỏi nào khó thì mình đọc vào điện thoại qua ứng dụng tìm kiếm bằng giọng nói là ra đáp án ngay, với xác suất đúng lên đến trên 90%. Giờ làm bài kiểm tra, thầy cô đều yêu cầu tắt mic cho khỏi ồn nên nhiều bạn sử dụng “chiêu” này.

Lớp nào cũng chia nhóm trên Zalo, Messenger và phân công nhau trong việc giải bài tập, từ câu dễ đến câu khó và “bí mật” (chỉ để camera quay rõ từ cổ lên đến đầu, tay cầm điện thoại hay mở tài liệu – tác giả chú thích) chuyển cho nhau nên đa số ai cũng được điểm cao”, một nữ sinh lớp 12 ở Thành phố Hồ Chí Minh nói về trò láu cá của bạn bè.

Theo tìm hiểu của người viết, nhiều ứng dụng trên điện thoại thông minh (app) được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giải bài tập nhiều môn học. Chẳng hạn, với môn tiếng Anh thì học sinh chụp đề bằng điện thoại rồi sử dụng chức năng dịch văn bản cài sẵn trên điện thoại là đề đã được dịch hoàn toàn sang tiếng Việt.

Hiện nhiều học sinh cũng đang sử dụng các app tự động làm bài tập những môn như Toán, Vật lí, Hóa học… cả hình thức trắc nghiệm lẫn tự luận một cách nhanh chóng, chính xác.

Thứ ba, hàng năm việc tuyển sinh vào lớp 10, nhiều địa phương vẫn xét tuyển theo điểm học bạ. Vậy nên, chuyện học sinh gian lận trong kiểm tra đã đành nhưng điều đáng nói là khó tránh sự “ra tay” trợ giúp của không ít phụ huynh.

Bên cạnh đó, quy định điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh theo công thức 70% điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cùng với 30% điểm trung bình học bạ lớp 12 của học sinh; nhiều trường đại học vẫn dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ, liệu có bao nhiêu học sinh tự giác, trung thực khi làm bài kiểm tra?

Cùng với đó, hàng năm học sinh có nhu cầu chuyển từ trường này sang trường kia vì nhiều lí do khác nhau, và điểm học bạ cao cũng là một lợi thế. Bởi tâm lí hiệu trưởng ai cũng muốn trường mình nhận được những học sinh khá, giỏi – đó cũng chính là lí do khó hi vọng vào sự trung thực của học sinh, kể cả phụ huynh khi kiểm tra trực tuyến.

Ngoài ra, một nhóm khảo sát, nghiên cứu về “Bệnh thành tích” trong giáo dục đã thực hiện ở 8 trường trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố đã cho ra kết quả 97,7% người khẳng định có “bệnh thành tích” trong giáo dục [3]. Thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều trường vì bệnh thành tích nên tổ chức kiểm tra lỏng lẻo, thiếu sự giám sát chặt chẽ cũng tạo cơ hội cho các em gian lận.

Dịch Covid-19 kéo dài, nhà trường phải tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến là bất khả kháng.

Vấn đề cần đặt ra là, làm sao hạn chế đến mức thấp nhất sự gian lận của học sinh trong kì kiểm tra nhằm tạo sự công bằng và giáo dục đức tính trung thực cho các em, chứ không phải cứ dạy học bằng niềm tin và quan niệm “kiểm tra chỉ là nhất thời” thì sẽ triệt tiêu được sự gian dối.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thanhnien.vn/kiem-tra-truc-tuyen-dung-de-niem-tin-bi-xoi-mon-post1390660.html

[2] //tienphong.vn/97-7-nguoi-khang-dinh-co-benh-thanh-tich-trong-giao-duc-post1273630.tpo

[3] //vov.vn/xa-hoi/giao-duc/kiem-tra-truc-tuyen-nen-ra-de-de-hoc-sinh-mo-sach-cung-khong-duoc-diem-cao-post913984.vov

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương