Quốc hội thông qua Luật Giáo dục đại học sửa đổi

19/11/2018 18:42
Đỗ Thơm
(GDVN) - Chiều ngày 19/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo đó, 408/456 đại biểu tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, chiếm tỷ lệ 84,12%.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thành Bình đã trình bày báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số điểm mà đại biểu còn có ý kiến khác nhau.

Về hình thức và trình độ đào tạo giáo dục đại học, một số ý  kiến đại biểu đề nghị quy định các hình thức đào tạo gồm chính quy tập trung và không tập trung; giao cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định hình thức đào tạo; làm rõ nguyên tắc liên thông giữa các hình thức đào tạo; phân biệt văn bằng các trình độ đào tạo tương ứng với hình thức đào tạo; bổ sung trình độ tương đương hoặc trình độ, văn bằng chuyên gia ở một số lĩnh vực đào tạo chuyên sâu đặc thù.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy loại hình đào tạo chính quy được quy định trong dự thảo Luật chính là loại hình đào tạo tập trung toàn thời gian, còn các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa là loại hình không tập trung.

Căn cứ vào các loại hình đào tạo này, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với từng loại hình và trình độ đào tạo của giáo dục đại học.

Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra.. của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau.

Khác biệt giữa các loại  hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo.

Bởi vậy, dự thảo Luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau.

Ngoài ra, kết quả học tập tích lũy được trong quá trình đào tạo sẽ được công nhận theo nguyên tắc liên thông, sinh viên không phải học lại phần khối lượng kiến thức đã tích lũy khi chuyển đổi từ hình thức đào tạo này sang hình thức đào tạo khác theo quy chế đào tạo.

Liên quan đến đào tạo trong lĩnh vực chuyên sâu đặc thù, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể về trình độ, văn bằng chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù tại khoản 4 Điều 6, khoản 6 Điều 38.

Về tự chủ đại học, báo cáo giải trình nêu rõ, dự thảo Luật đã quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ tại khoản 2 Điều 32.

Theo đó, mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ, những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện tự chủ thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của Luật, đồng thời quy định trách nhiệm quản lý nhà nước trong quy hoạch và xác nhận tiêu chí các cơ sở giáo dục đại học.

Do đó sẽ giới hạn việc các trường đồng loạt tự chủ dẫn đến mất cân bằng cung – cầu nhân lực.

Dự thảo cũng quy định rõ nội hàm của các quyền tự chủ về học thuật trong hoạt động chuyên môn, tổ chức - nhân sự và tài chính - tài sản tại các khoản 3, 4, 5 Điều 32 và cụ thể hóa các nội dung này tại các điều, khoản tương ứng trong Luật.

Theo đó, hầu hết các nội dung liên quan đến chuyên môn (như về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung, chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học…) đã được giao cho các trường tự chủ quyết định theo quy định của Luật hiện hành, trừ việc mở ngành đào tạo.

Dự thảo Luật lần này mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của giáo dục đại học, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật cũng quy định rõ về trách nhiệm giải trình, bao gồm cả nội dung, hình thức và đối tượng của hoạt động giải trình.

Dự thảo Luật cũng đã quy định một số chế tài cụ thể để xử lý đối tượng không thực hiện cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo.

Mức độ và tính chất xử lý vi phạm được quy định tại các văn bản dưới Luật.

Về tỉ lệ thành viên hội đồng trường là người ngoài trường, báo cáo cũng phân tích, kinh nghiệm quốc tế cho thấy tỉ lệ này ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển là rất lớn, thậm chí trên 50%.

Nhằm triển khai quan điểm gắn nhà trường đại học với xã hội, dự thảo Luật quy định tỉ lệ này tối thiểu là 30%.

Dự thảo Luật không khống chế số lượng thành viên bên ngoài mà để cho nhà trường tự quyết định.

Dự thảo Luật đã quy định chi tiết tiêu chuẩn của chủ tịch hội đồng trường tại điểm a khoản 4 Điều 16.

Theo Ủy ban, đây thực chất là chức danh quản trị, đòi hỏi phải có uy tín cả trong và ngoài trường nhưng không nhất thiết phải có học vị tiến sĩ, có uy tín khoa học như đối với hiệu trưởng.

Bên cạnh đó, để tăng cường tự chủ, dự thảo Luật quy định trao rất nhiều quyền hạn, trách nhiệm cho hội đồng trường.

Quốc hội thông qua Luật Giáo dục đại học sửa đổi ảnh 2Mô hình trường công lập, tư thục và tư thục không vì lợi nhuận khác nhau ra sao?

Do vậy, chủ tịch hội đồng trường cần phải làm việc chuyên trách, toàn thời gian thì mới có thể đảm nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, chức năng của mình. 

Về cơ chế quản trị và mối quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng, dự thảo Luật đã xác định rõ thông qua quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của hội đồng với tư cách là cơ quan quản trị còn hiệu trưởng thực thi quản lý, điều hành hoạt động nhà trường trên cơ sở quy định pháp luật và nghị quyết của hội đồng trường.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật cũng đã chỉnh sửa theo hướng yêu cầu quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường phải phân định rõ chức năng quản trị của hội đồng trường với chức năng tham gia quản trị, quản lý của hiệu trưởng tại điểm e, khoản 6 Điều 16 và điểm e, khoản 5 Điều 18 để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời trong điều hành hoạt động của nhà trường. 

Về ý kiến hội đồng trường chỉ quyết định chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng còn với các chức danh quản lý khác, hội đồng trường chỉ thực hiện chức năng giám sát việc bổ nhiệm, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định việc bổ nhiệm các chức danh quản lý khác của nhà trường do quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường quy định.

Về ý kiến hạn chế số nhiệm kỳ liên tiếp của chủ tịch hội đồng trường và của hiệu trưởng, Ủy ban cho rằng nhằm đẩy mạnh tự chủ đại học, tạo điều kiện thu hút nhiều ứng viên có năng lực, tâm huyết tham gia quản trị, quản lý cơ sở giáo dục đại học, dự thảo Luật không quy định chi tiết về tiêu chuẩn, số nhiệm kỳ liên tiếp của các chức danh Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng.

Quy định này do nhà trường quyết định theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày  01 tháng  07  năm 2019. 

Đỗ Thơm