Ra đề kiểm tra học kỳ Ngữ văn dung tục, mục đích giáo dục là gì?

19/01/2021 07:08
Bài, ảnh: Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên ra đề kiểm tra Ngữ văn dung tục nhưng Phòng giáo dục giải thích chưa thấu tình đạt lí khiến dư luận bức xúc.

Một đề Ngữ văn dung tục

Đề kiểm tra cuối học kỳ 1 môn Ngữ văn lớp 9 (2020-2021) của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê – Gia Lai, có nội dung nhạy cảm, dung tục khiến dư luận dậy sóng.

Theo đó, phần Đọc hiểu của đề kiểm tra này có nội dung như sau:

Mẹ chồng và con dâu nhà kia đều góa bụa. Mẹ chồng dặn con dâu: “Số mẹ con mình rủi ro, thôi thì cắn răng mà chịu”.

Không bao lâu sau, mẹ chồng có tư tình, con dâu nhắc lại lời dặn của mẹ thì mẹ chồng đã trả lời: “Mẹ dặn là mẹ dặn con, chứ mẹ già rồi, có còn răng đâu nữa mà cắn”.

Từ nội dung phần Đọc hiểu, học sinh lần lượt trả lời 3 câu hỏi liên quan đến kiến thức về phương thức biểu đạt và tiếng Việt.

Cụ thể, câu 1 yêu cầu “em hãy nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản trên”? (1 điểm)

Câu 2, “trong văn bản, người mẹ đã trả lời cô con dâu như thế nào? Qua câu trả lời ấy, em hãy cho biết mẹ chồng đã vi phạm phương châm hội thoại nào?” (1 điểm)

Câu 3, “câu trả lời của mẹ chồng trong văn bản trên được dẫn trực tiếp hay gián tiếp? Mục đích của câu trả lời ấy là gì?” (1 điểm).

Ảnh chụp đề thi học sinh giỏi văn huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai năm 2020 gây tranh cãi.

Ảnh chụp đề thi học sinh giỏi văn huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai năm 2020 gây tranh cãi.

Khi đọc được đề kiểm tra Ngữ văn từ con em mang về, nhiều phụ huynh bức xúc nêu ý kiến, đề có hàm ý dung tục, trí trá, không phù hợp với học sinh lớp 9. Chưa kể, đề sẽ hướng học sinh tới câu chuyện lật lọng trong cuộc sống. [1]

Phòng Giáo dục giải thích chưa thấu tình đạt lí

Ngày 18/1/2021, trả lời Chuyên trang điện tử Đất Việt, ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết:

“Đề mới khiến nhiều người đọc xong nghĩ là nội dung nhạy cảm, cảm giác khó chịu thế thôi. Trong tập huấn bồi dưỡng thường xuyên có nói rõ về việc giáo viên được phép ra đề mở, không nhất thiết phải lấy nội dung bài học trong sách giáo khoa mà lấy một ý trong truyện cười nào đấy để giáo dục học sinh về tính thật thà thẳng thắn”.

Theo ông Hoàng, giáo viên ra đề Ngữ văn này là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và học sinh làm đề này cũng rất tốt.

“Giáo viên ra đề cũng vì mục đích để học sinh nhìn nhận sự việc một cách công bằng giữa mẹ chồng với nàng dâu”, ông Hoàng nói thêm.

Cũng theo ông Hoàng, Phòng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê đã xác định mức độ vụ việc chưa đến mức kỷ luật nên đã kiểm điểm giáo viên này, đồng thời yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc. [2]

Là giáo viên Ngữ văn có nhiều năm giảng dạy cả hai bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông và cũng là người nghiên cứu Ngôn ngữ, tôi xin có đôi lời bàn với ý kiến của vị Trưởng Phòng như sau.

Thứ nhất, ông Phạm Văn Hoàng nói rằng, đề kiểm tra của Phòng Giáo dục huyện Chư Sê là đề mới, đề mở - thì xin thưa, đề này có đầy rẫy trên mạng Internet.

Minh chứng là, khi gõ câu lệnh “bài tập các phương châm hội thoại về câu chuyện cắn răng mà chịu” thì kết quả tìm kiếm Google cho ra khoảng 201.000 kết quả chỉ trong 0,43 giây. Ở ngay trang web đầu tiên đã có 9 link trùng với nội dung phần đọc hiểu của đề kiểm tra Ngữ văn 9 này.

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Thứ hai, ông Hoàng cho biết, có thể lấy một ý trong truyện cười nào đấy để giáo dục học sinh về tính thật thà thẳng thắn, thì tôi xin khẳng định, đề này thiếu tính giáo dục.

Để rộng đường dư luận và khách quan trong việc nhận xét đề kiểm tra, tôi có tìm hiểu ý kiến của thầy Nguyễn Hiền, dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Thầy bình luận: “Tôi không biết vì nguyên cớ gì mà giáo viên Ngữ văn lại có thể cho truyện cười “Cắn răng mà chịu” thành ngữ liệu đọc hiểu của đề kiểm tra định kỳ vào cuối học kỳ 1.

Đây chỉ là câu chuyện đàn ông kể cho nhau nghe lúc “trà dư tửu hậu” chứ không hề có ý nghĩa văn chương thâm thúy hay bài học giáo dục đạo đức lối sống hay ho. Thầy cô giáo đem chuyện này kể trong giờ giải lao cho học sinh nghe còn khó chấp nhận, huống hồ đi vào đề kiểm tra”.

Thứ ba, cũng theo ông Hoàng, người ra đề là một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Việc ra đề thế này giúp học sinh nhìn nhận sự việc một cách công bằng giữa mẹ chồng với nàng dâu.

“Xin lỗi, giáo viên cho đề thi là người không có khả năng tự thẩm bình văn học. Học trò lớp 9, mới có 14 tuổi, hiểu cái “cắn răng mà chịu” là sự nhịn thèm nhu cầu tình dục để làm gì?”, thầy Hiền bức xúc phản bác việc ra đề giúp học sinh nhìn nhận sự công bằng qua ngữ liệu đã dẫn.

Còn cô Thu Trâm, giáo viên dạy môn Ngữ văn ở tỉnh Ninh Bình bức xúc chia sẻ: “Câu chuyện dễ gây hiểu lầm, cổ xúy cho thói lật lọng của bà mẹ chồng tráo trở. Bài học rút ra từ câu chuyện trên là gì? Nhiều học sinh sẽ không hiểu được ý nghĩa phê phán của câu chuyện”.

Riêng cô Đào Hồng Hạnh (giáo viên dạy Ngữ văn ở Thừa Thiên Huế) ngao ngán bày tỏ, “không tin được dù đó là sự thật! Không hiểu giáo viên có hiểu việc ra đề không phải là chỉ để học sinh làm bài mà còn tác động đến tâm lý của các em không nhỉ?”.

Đôi điều nhắn gửi với giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn

Thầy Nguyễn Hiền sau khi đọc đề kiểm tra môn Ngữ văn 9 của Phòng Giáo dục huyện Chư Sê – Gia Lai, đã có đôi điều nhắn nhủ với sinh viên ngành sư phạm và giáo viên giảng dạy môn Văn những lời tâm huyết.

“Đồng nghiệp ơi, dù chúng ta tốt nghiệp đại học hay cao đẳng ở những trường khác nhau, nhưng chương trình sư phạm Ngữ văn đều giống nhau những phần cốt lõi:

Văn học Việt Nam (từ văn học dân gian đến hiện đại); Văn học nước ngoài (từ Á sang Âu, có cả Nga Xô viết); Ngôn ngữ học đại cương; Giáo dục học đại cương; Tâm lý học đại cương và Tâm lý học lứa tuổi; Lý luận văn học và Phương pháp dạy học Ngữ văn...

Nhiều bạn hãnh diện là đạt điểm trên 8,0 các học phần Văn học Việt Nam, còn các học phần thuộc Lý luận văn học; Ngôn ngữ học; Phương pháp dạy học thì đạt điểm trên 5,0 là được rồi. Các bạn sẽ làm khổ chính mình (và làm khổ học trò) trong suốt quá trình làm nghề sau này.

Tất nhiên, khả năng tự học - tự đào tạo của một Cử nhân là không thể phủ nhận. Nhưng nếu là giáo viên Ngữ văn, mà bạn từng học ... rất dở Lý luận văn học, rất ... mơ hồ về phương pháp dạy học thì bạn sẽ dạy cái gì? Kiến thức Ngữ văn hay tư duy Ngữ văn cho học sinh.

Bạn đạt điểm tốt tất cả các học phần Văn học Việt Nam theo giáo trình của chương trình rất khác với việc bạn có khả năng tự mình thẩm bình được một bài văn/bài thơ đương đại.

Bạn đang ... không thèm đọc bất cứ quyển sách nào đương đại (hoặc đọc cũng như không, vì chẳng hiểu bao nhiêu) thì ... bạn dạy cho học trò đọc hiểu cái gì?

Rèn kỹ năng đọc hiểu cho học trò ... là việc rất khó (với những ai không chịu khó đọc và hiểu song song với quá trình lên lớp thao thao bất tuyệt những gì đã có - kiến thức kinh điển Ngữ văn), nếu thầy cô chúng ta không ngừng cố gắng thì việc dạy học nan giải lắm thay!”.

Tài liệu tham khảo:

[1] //www.tienphong.vn/giao-duc/giao-vien-o-gia-lai-ra-de-ngu-van-co-noi-dung-nhay-cam-1780158.tpo

[2] //datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/giao-vien-ra-de-co-noi-dung-nhay-cam-giai-thich-nong-3426165/

[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/de-kiem-tra-hoc-ky-ngu-van-9-co-noi-dung-nhay-cam-trach-nhiem-cua-ai-post214976.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Bài, ảnh: Cao Nguyên