Một đề thi khó hiểu
Ngày 13/1/2021, Sở giáo dục và Đào tạo của một tỉnh phía Bắc (xin không nêu tên) tổ chức “Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố”, trong đó có môn Ngữ văn – nhận được nhiều sự quan tâm và bình luận của dư luận.
Theo đó, đề thi có 2 câu – nghị luận xã hội và nghị luận văn học, học sinh làm bài trong thời gian 150 phút.
Câu 1 (6 điểm) cho ngữ liệu như sau:
“Cô bé đi học về muộn, cha mẹ rất lo lắng. Khi thấy con gái về, người mẹ nhẹ nhàng hỏi:
- Con đã đi đâu và làm gì?
- Con dừng lại giúp bạn con ạ! Xe đạp của bạn ấy bị hỏng. – Cô bé trả lời.
- Nhưng con đâu có biết sửa xe?
- Đúng ạ! Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc.
(Phỏng theo Khóc giùm, http//www.vtmonline.vn)
Đề yêu cầu viết một bài văn nghị luận (khoảng 2 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của câu chuyện trên.
Câu 2 (14 điểm). Nếu xem tác phẩm như một lời phát biểu trước cuộc sống thì phần đề tài, chủ đề có thể xem như là “chủ ngữ”, còn phương diện chủ quan của nội dung có thể xem là “vị ngữ”.
Em hiểu như thế nào về nhận định trên? Từ “chủ ngữ” mà em yêu thích, hãy làm rõ những phương diện độc đáo, đặc sắc của “vị ngữ” trong một vài tác phẩm của chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở.
Đề thi học sinh giỏi gây nhiều tranh cãi. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Đề mắc nhiều lỗi khó chấp nhận
Dễ nhận thấy, đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn mắc nhiều lỗi khó có thể chấp nhận được, cả về hình thức lẫn nội dung.
Thứ nhất, câu nghị luận xã hội cho ngữ liệu là một văn bản ngắn, phỏng theo câu chuyện Khóc giùm, ghi nguồn: http//www.vtmonline.vn. Tuy nhiên, khi chúng tôi truy cập vào địa chỉ này thì chỉ nhận được thông tin hiển thị “Safari không thể mở trang này vì không thể tìm thấy máy chủ”.
Bên cạnh đó, dường như người ra đề không hiểu nghĩa của cụm từ “khóc giùm” (khóc thay người khác) khác với nghĩa của cụm từ “giúp bạn ấy khóc” (giúp cho người khác khóc, không có ý nghĩa gì cả).
Người ta thường nói “thương vay khóc mướn” (thương xót không phải lối, không đúng chỗ - từ điển), chứ không ai nói “giúp (người khác) khóc” bao giờ.
Cho nên câu lệnh yêu cầu trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của câu chuyện thì không biết học sinh sẽ viết như thế nào cho đúng với đáp án.
Thứ hai, câu nghị luận văn học đưa ra một câu nói và ghi nguồn “Lí luận văn học, NXB Giáo dục, 2002” thì không biết tác giả viết giáo trình này là ai.
Còn về Ngôn ngữ học, không có lí thuyết nào (cả nước ngoài và Việt Nam) viết rằng, “phần đề tài, chủ đề có thể xem như là ‘chủ ngữ’, còn phương diện chủ quan của nội dung có thể xem là ‘vị ngữ’”.
Bởi, chủ ngữ và vị ngữ là sự phân tích thành phần câu theo ngữ pháp cấu trúc. Trong tiếng Anh, “chủ ngữ” là chủ thể của hành động trong câu, còn “vị ngữ” là từ hoặc cụm từ chỉ đối tượng tác động của chủ ngữ.
Ra đề Văn cho học sinh lớp cần tường minh, đơn giản
Cô Hà Cẩm, giáo viên dạy môn Ngữ văn ở tỉnh Phú Thọ cho biết, câu 1 của đề thi thô vụng, gần giống câu chuyện kể về cậu bé leo lên lòng ông lão vừa mất vợ, đơn giản chỉ để khóc cùng ông.
Còn thầy Nguyễn Hiền, giáo viên dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, người cho đề (và phản biện đề) đã quên hai môn cơ bản là Tâm lý học lứa tuổi và Ngôn ngữ học đại cương đã được học ở giảng đường đại học.
“Đề thi (bất cứ môn gì) là thuộc văn bản khoa học (với Ngữ văn là khoa học về văn chương), cớ sao lại trích ngay chỗ hành văn không chuẩn làm đề thi?
“Chủ ngữ/vị ngữ trong ngoặc kép hiểu theo “hàm ý” của tác giả, sao bắt con nít 14 tuổi hiểu cho ra cái dụng ý ấy? Chỉ có những em mà giáo viên ôn luyện theo đúng “sở trường” người ra đề thì may ra hiểu đề và làm được! Có cần thi học sinh giỏi mà người lớn hiểu thay con nít?
Lên cấp 3 học sinh mới học thể loại nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. Học sinh cấp 2 học văn thuyết minh, tự sự mà ra đề thế này là không hợp lí. Tôi cho các em lớp 10 làm quen đề nghị luận về tác phẩm đã thấy khó rồi”, thầy Hiền nói thêm.
Riêng thầy Nguyễn Mạnh Huân, giáo viên dạy Ngữ văn cấp 3 ở Nghệ An nói rằng, nên sửa câu 2 lại sao cho tường minh để học sinh dễ hiểu nhất.
“Chọn một đề tài mà em yêu thích (ở một tác phẩm nào đó) và làm rõ những nét độc đáo đặc sắc về phương diện nội dung và nghệ thuật mà tác giả gửi gắm ở đề tài đó (cuộc sống - nhà văn khám phá cái độc đáo - tác phẩm thể hiện), thầy Huân gợi ý.
Cá nhân người viết rất tâm đắc với đề thi “Văn hay chữ tốt” của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh dành cho học sinh bậc trung học cơ sở ngày 7/1/2021.
Theo đó, trước khi bước vào làm bài trong cuộc thi này, 162 học sinh cấp 2 được lên tàu cao tốc và có hơn một giờ đồng hồ trải nghiệm, ngắm nhìn thành phố qua đường thủy.
Sau khi hoàn thành chuyến đi trải nghiệm, thí sinh tập trung tại ga tàu, được tự chọn chỗ ngồi trong khu vực thi và bắt đầu bài làm của mình.
Cụ thể, câu 2 của hoạt động sáng tạo yêu cầu:
“Ngắm nhìn thành phố thật quen từ một góc nhìn thật lạ...
Em đã có rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ phải không?
Từ những cảm xúc, suy nghĩ ấy, em hãy viết bài văn với nhan đề: Một góc nhìn khác về thành phố tôi yêu.”
Với đề thi này, nhiều học sinh cho biết rất hứng thú khi làm bài, vì các em được tự do chia sẻ những cảm xúc, trải nghiệm của mình – không cần đến những lí thuyết lí luận văn học cao siêu mà chẳng có ích gì cả.
“Ra đề để học sinh bộc lộ được chất văn, đừng phải bắt các em giải đố để tìm ra một nhà thám hiểm”, cô Lê Lan, giáo viên dạy môn Ngữ văn ở Phú Thọ nêu ý kiến.
Tài liệu tham khảo:
thanhnien.vn/giao-duc/hoc-sinh-trai-nghiem-di-tau-cao-toc-ngam-nhin-thanh-pho-de-thi-van-1326278.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.